Doanh nghiệp
Dệt may, da giày, thủy sản cùng muốn tăng mức hỗ trợ doanh nghiệp
Khánh An - 31/03/2020 08:18
Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam (LEFASO), Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã cùng ký vào đề xuất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp giảm thiểu ảnh hưởng của dịch Covid 19. Nhiều trong số này vượt hơn các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp mà các bộ, ngành đang trình Chính phủ.
Ba hiệp hội kiến nghị Quốc hội thông qua việc giảm tỷ lệ đóng của người sử dụng lao động và người lao động vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp từ 1% xuống 0,5%. Ảnh: TTXVN

Kiến nghị đã được gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Giao thông – Vận tải và Ngân hàng Nhà nước vào chiều ngày 30/3/2020.

Ba ngành dệt may, da giày và thủy sản gần như là những con át chủ bài trong các kế hoạch thực hiện mục tiêu xuất nhập khẩu và tạo việc làm của kinh tế Việt Nam. Năm 2019,  kim ngạch xuất khẩu cả ba ngành gần 80 tỷ USD, tạo ra gần 8 triệu việc làm.

Điểm tương đồng của 3 ngành này còn là thị trường xuất khẩu chủ yếu đều là Trung Quốc, châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản. Bởi vậy, khi dịch bệnh Covid 19 lan rộng và diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp gánh chịu tác động tương đối giống nhau. Đó là đơn hàng bị hủy, hoãn thời gian giao hàng, không có đơn hàng mới...

Cũng phải nói thêm, trước đó, mỗi hiệp hội đều có kiến nghị, đề xuất giải pháp riêng. Đây là lần đầu tiên các hiệp hội có văn bản đề xuất 7 giải pháp chung. Hầu hết các đề xuất này đang cao hơn những các giải pháp mà nhiều bộ, ngành đang trình Chính phủ xem xét.

Thứ nhất, về bảo hiểm xã hội, ba hiệp hội đề nghị cho phép doanh nghiệp và người lao động ngừng đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và tùy theo tình hình tác động của dịch bệnh xin miễn đóng với mức tương ứng.

Đề nghị dùng tiền kết dư của quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ 50% lương ngừng việc cho người lao động, 50% còn lại doanh nghiệp tự lo,

Dùng tiền kết dư quỹ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp cho doanh nghiệp vay không lấy lãi để chi trả các chi phí cho người lao động.

Ba hiệp hội cũng kiến nghị Quốc hội thông qua việc giảm tỷ lệ đóng của người sử dụng lao động và người lao động vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp từ 1% xuống 0,5%.

Thứ hai, về lương cho người lao động, 3 hiệp hội đề nghị Quốc hội, Chính phủ cho phép doanh nghiệp được chọn 1 trong 2 giải pháp. Một là người lao động chấp nhận mức lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng theo mức do 2 bên thỏa thuận, có thể thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.

Đề nghị cho phép áp dụng ngay Điều 99 của Bộ Luật lao động 2019 trong trường hợp ngừng việc do dịch bệnh thì 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng, từ ngày 15 trở đi theo mức lương do 2 bên thỏa thuận.

Thứ ba, liên quan đến các giải pháp về thuế, 3 hiệp hội đề nghị cho phép chậm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2019 đến hết năm 2020 và không tính lãi chậm nộp.

Hoãn thuế VAT cho các doanh nghiệp trong năm 2020 và cũng không tính lãi nộp chậm.

Thứ tư, về kinh phí công đoàn, ba hiệp hội đề nghị miễn khoản này cho các doanh nghiệp và phí công đoàn cho người lao động trong năm 2020.

Thứ năm, về vốn vay ngân hàng, mức lãi suất cho vay được đề nghị hạ xuống mức 4-5% đối với các khoản vay tiền đồng và 2-3% với khoản vay USD.

Ba hiệp hội cũng xin giãn các khoản nợ đến hạn trong năm 2020, với thời hạn trả chậm được phép tối thiểu là 3-6 tháng, mà không tính lãi suất chậm trả nợ

Thứ sáu, về tiền điện, nước, các hiệp hội đề nghị giảm giá 30% trong năm 2020.

Thứ bảy là phí cảng biển, BOT: Đề nghị TP.Hải Phỏng giảm phí cảng biến 50% và Bộ Giao thông – Vận tải nghiên cứu giảm 30% phí BOT từ năm 2020.

Tin liên quan
Tin khác