Đầu tư Phát triển bền vững
Dệt may đẩy mạnh khả năng tái chế để đáp ứng yêu cầu của thị trường lớn
Hoài Sương - 20/09/2023 19:08
Hiện nay, các sản phẩm về dệt may bắt đầu phải sử dụng nguyên phụ liệu tái chế. Trong đó, nhiều mặt hàng phải pha chế 30 - 60% nguyên liệu tái chế trong mỗi sản phẩm.

Tận dụng tốt cơ hội

Dệt may là một trong những nhóm hàng sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu khó khăn nhất trong 8 tháng vừa qua. Theo thống kê hải quan, hàng dệt may là 37/45 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm 2023 giảm, chỉ đạt 22,5 tỷ USD, giảm 14,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó xuất khẩu sang thị trường chủ lực Mỹ chỉ đạt 10 tỷ USD, giảm 22,4%; EU 2,66 tỷ USD giảm 11,9%; Hàn Quốc 2,08 tỷ USD giảm 3%.

Tuy nhiên, đã xuất hiện nhiều tín hiệu hồi phục và cơ hội phát triển cho hàng dệt may, như: Xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản 8 tháng đầu năm 2023 đạt 2,58 tỷ USD, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may tháng 8/2023 đạt 3,4 tỷ USD cao nhất trong 11 tháng gần đây, tăng 5,5%, và là tháng thứ 4 liên tiếp kim ngạch xuất khẩu tăng so với tháng trước. Đặc biệt, hoạt động sang thị trường Mỹ đã có dấu hiệu hồi phục với kim ngạch xuất khẩu tháng 8/2023 đạt 1,5 tỷ USD tăng 2,3% so với tháng trước.

Đầu tư vào công nghệ được nhiều doanh nghiệp quan tâm để tăng khả năng đáp ứng yêu cầu của thị trường lớn.

Ông Trần Ngọc Liêm, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh tại TP.HCM (VCCI HCM) nhận định: “Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden vào ngày 10 và 11/9 vừa qua, với việc hai quốc gia nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, là cơ hội tốt đối với xuất khẩu hàng hóa nói chung và hàng dệt may nói riêng.

Tuy nhiên, để tận dụng tốt các cơ hội này trong thời gian tới, ngành dệt may cần tập trung nâng cao năng suất lao động, gia tăng giá trị sản phẩm và tăng cường sự chủ động và sáng tạo hơn nữa trong việc tìm kiếm nguồn cung nguyên phụ liệu, mở rộng quan hệ đối tác, bạn hàng, thị trường… để phát triển theo chiều sâu bền vững, tham gia chủ động và tích cực để từng bước vươn lên bậc cao hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Sản phẩm thân thiện với môi trường sẽ là điểm cộng

Nhằm giúp doanh nghiệp ngành dệt may Việt Nam tăng cường năng lực cạnh tranh, cập nhật thông tin thị trường, bạn hàng và đối tác, đặc biệt là có được sự đột phá trong tìm nguồn cung ứng vải bền vững và sáng tạo, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh khu vực TP.HCM (VCCI-HCM) phối hợp với Công ty cổ phần Giải pháp Dệt may Bền vững (STS), Tập đoàn Tengda và các đối tác tổ chức Triển lãm Quốc tế Vải cao cấp Texfuture Việt Nam 2023 - Mùa Thu Đông từ ngày 20-22/9/2023 tại TP.HCM.

Khai mạc Triển lãm Quốc tế Vải cao cấp Texfuture Việt Nam 2023 - Mùa Thu Đông tại TP.HCM ngày 20/9.

Theo ông Trần Ngọc Liêm, trong tầm nhìn từ nay đến 2050, số hoá và xanh hoá là xu thế tất yếu của ngành dệt may, nếu không thay đổi, dệt may Việt Nam có thể dần đánh mất lợi thế cạnh tranh.

Do đó, với chủ đề “Cùng nhau tái chế - Cùng nhau tuần hoàn”, sự kiện nhận được sự quan tâm và đồng hành của hơn 15 nhãn hàng, hơn 200 đơn vị tham gia triển lãm và dự kiến thu hút hơn 2.500 lượt khách tham quan, theo dõi nhằm hướng đến những cam kết, hành động và gắn bó cùng phát triển bền vững.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) cho biết, hiện Chính phủ Việt Nam đã ký Hiệp định COP26, trong đó đến năm 2050 phải đạt mức phát thải ròng bằng “0”. Đây là xương sống trong chiến lược phát triển kinh tế tuần hoàn, bền vững, xanh… Vì vậy, doanh nghiệp cần thích ứng được với các dòng sản phẩm tái chế trong sản phẩm dệt may.

“Có thể thấy, hội chợ đã có một thông điệp rất rõ ràng, từ đó có thể tác động đến nhận thức của các nhà sản xuất, doanh nghiệp có thể bắt kịp xu thế và trên cùng một “sân chơi” của các nước nhập khẩu. Để làm được điều nay, doanh nghiệp cần có tài chính cho hoạt động đầu tư vào quá trình phát triển sản phẩm tái chế và Nhà nước cần có chính sách thông suốt, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ”, ông Đức Giang chia sẻ.  

Tin liên quan
Tin khác