Sản xuất sản phẩm chủ yếu để phục vụ xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp dệt may đang gặp khó vì bị giãn, hủy đơn hàng. Ảnh: Đ.T |
Mục tiêu ngày càng xa
Mục tiêu xuất khẩu 41 - 42 tỷ USD trong năm 2020 của ngành dệt may ngày càng trở nên khó với tay trước diễn biến của Covid-19. Từ nửa cuối tháng 3/2020, chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu điêu đứng vì các lệnh hủy, hoãn, giãn đơn hàng.
Theo Ban lãnh đạo Tổng công ty cổ phần May Việt Tiến, tình trạng “đóng băng” của 3 thị trường lớn nhất (Mỹ, EU, Nhật Bản - chiếm khoảng 65% kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may) sẽ khiến các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, buộc phải cân đối, điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh, mục tiêu tăng trưởng, vì đặc thù của ngành là sản xuất theo mùa và phần lớn để phục vụ xuất khẩu.
Riêng với May Việt Tiến, doanh nghiệp chỉ đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất 6.300 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 150 tỷ đồng, bằng 70% doanh thu và 39% lợi nhuận của năm 2019.
Giống như dệt may, ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ không dễ về đích mục tiêu xuất khẩu 12 tỷ USD trong năm nay, khi các thị trường xuất khẩu gỗ chủ lực của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đều đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19.
Ông Đỗ Xuân Lập, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Kỹ nghệ Gỗ Tiến Đạt, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, 2 tuần đầu của tháng 3, vẫn có một số doanh nghiệp gỗ xuất được hàng, nhưng từ giữa tháng 3 đến nay, xuất khẩu bị chững lại, không có đơn hàng mới.
“Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ những tháng đầu năm tăng so với cùng kỳ năm trước là nhờ các đơn hàng doanh nghiệp đã ký trong năm 2019, nhưng từ 3 đến 6 tháng tới, giá trị xuất khẩu chung sẽ giảm đáng kể bởi tác động của Covid-19”, ông Lập nói.
Khó duy trì tăng trưởng
Với đặc thù sản xuất phần lớn dành cho xuất khẩu, các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như điện tử, đồ gỗ, hàng dệt may… đều phụ thuộc vào tình hình thương mại toàn cầu.
Ông Lê Tiến Trường, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam nhận định, nếu Covid-19 kéo dài, ngành dệt may khó có được tăng trưởng trong năm nay. Kim ngạch xuất khẩu của ngành có cải thiện được hay không vẫn phải trông chờ vào việc xử lý dập dịch của thế giới. Trong điều kiện này, doanh nghiệp trụ lại được đã là một nỗ lực.
Cần phải nói thêm, xuất khẩu dệt may 3 tháng qua dẫu chưa rơi vào khủng hoảng, sụt giảm đơn hàng quá mức, nhưng so với cùng kỳ năm 2019 thì đã tăng trưởng âm, chỉ đạt kim ngạch 6,5 tỷ USD, giảm 9,8% so với cùng kỳ và đến hết quý II này, các doanh nghiệp mới thực sự “ngấm đòn” vì bị hủy, hoãn đơn hàng.
Mang về gần 3,3 tỷ USD giá trị xuất khẩu trong năm 2019, ngành điều cũng đang gặp khó cả về thị trường xuất khẩu lẫn việc nhập khẩu nguyên liệu để chế biến. Dù Trung Quốc đã bước đầu khống chế được Covid-19, nhưng còn rất nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Mỹ, châu Âu - những thị trường xuất khẩu chính của nhân điều Việt Nam - vẫn phải “chiến đấu” với dịch bệnh. Châu Phi - nơi cung ứng hạt điều thô chính của ngành chế biến điều Việt Nam - cũng đang phải gồng mình chống Covid-19.
Mới đây, trong báo cáo gửi tới các hội viên, ông Phạm Văn Công, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) lưu ý, do tác động của Covid-19, lượng điều nhân xuất khẩu và giá sẽ giảm mạnh, do vậy, kế hoạch xuất khẩu gần 4 tỷ USD trong năm 2020 của ngành điều sẽ phải điều chỉnh giảm.
Trên thực tế, từ năm 2019, mặc dù xuất khẩu điều tăng 22% về lượng, nhưng đã giảm 2,3% về giá trị so với năm 2018. Trước những diễn biến đầy khó khăn của thị trường, đại diện Vinacas dự báo, xuất khẩu điều trong năm nay chỉ đạt khoảng 3 tỷ USD.
Do hàng loạt hệ thống bán lẻ tại châu Âu và Mỹ đóng cửa vì Covid-19, nên cung - cầu của thị trường, nhu cầu trao đổi hàng hóa, nhất là những mặt hàng không quá thiết yếu bị sụt giảm, tác động trực tiếp đến “sức khỏe” của các doanh nghiệp dệt may, da giày, đồ gỗ, điện thoại...