Doanh nghiệp
Dệt may gia tăng giá trị từ vốn ưu đãi Ấn Độ
Thế Hải - 19/06/2015 08:47
Khoản tín dụng trị giá 300 triệu USD từ Chính phủ Ấn Độ hỗ trợ ngành dệt may Việt Nam và thúc đẩy quan hệ thương mại 2 nước đã bắt đầu khởi động để tìm kiếm các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện dự án đầu tư dệt nhuộm.

Thông tin từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, Chính phủ Ấn Độ vừa chính thức khởi động gói ưu đãi tín dụng trị giá 300 triệu USD, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp dệt may Việt Nam phát triển nguyên liệu, thực hiện các dự án sản xuất vải, dệt nhuộm, tăng cường thương mại dệt may giữa 2 nước. Đây là tin vui với các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực phụ trợ vốn đang được coi là điểm yếu lớn nhất của ngành dệt may.

Dự kiến, gói tín dụng 300 triệu USD không chỉ dành cho các doanh nghiệp có các dự án đầu tư dệt nhuộm, mà một phần còn hỗ trợ doanh nghiệp Ấn Độ đến Việt Nam đầu tư vào lĩnh vực này.

Cụ thể, theo kế hoạch, Ấn Độ sẽ đầu tư một khu công nghiệp gần TP.HCM tập trung sản xuất nguyên phụ liệu trong ngành dệt may. Trong đó, các doanh nghiệp Ấn Độ đầu tư theo cụm, hoạt động trong cùng một lĩnh vực để tận dụng cơ sở hạ tầng, tiết kiệm chi phí sản xuất, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp hợp tác, phát huy thế mạnh và tăng cường tính cạnh tranh. Sản phẩm làm ra được cung cấp tại chỗ cho doanh nghiệp Việt Nam, phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu và tiêu dùng nội địa.

Các doanh nghiệp Việt Nam kỳ vọng nhiều vào sự hỗ trợ về công nghệ sản xuất những mặt hàng vải có tính cạnh tranh cao từ các doanh nghiệp Ấn Độ.

 

Ông Trương Văn Cẩm, đại diện Vitas cho hay, dù chưa ấn định cụ thể mức vay với từng doanh nghiệp, nhưng cơ hội để tận dụng nguồn vốn ưu đãi từ Ấn Độ với doanh nghiệp trong nước là rất hiện thực.

Mức vốn và lãi suất tùy theo dự án cụ thể sẽ được thống nhất sau khi đạt được thỏa thuận giữa hai chính phủ và căn cứ vào đề xuất từ đại diện bộ, ngành, Vitas. Hai bên cũng sẽ thống nhất số lượng doanh nghiệp và số dự án để cùng triển khai đầu tư sản xuất. Chính phủ Ấn Độ và Việt Nam đã chỉ định Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) giải ngân gói tín dụng này.

Để khởi động vay vốn từ Chương trình này, Vitas đang đề nghị các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn tín dụng ưu đãi gửi thông tin về dự án, thời gian dự kiến triển khai, quy mô và công suất của nhà máy, nhân sự thực hiện, sản phẩm của dự án và số vốn cần vay, để Vitas căn cứ vào đó đề xuất vay vốn.

Mục tiêu cuối cùng của gói tín dụng là tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp dệt Ấn Độ với doanh nghiệp Việt Nam, thúc đẩy sản xuất dệt nhuộm, tận dụng cơ hội về thị trường khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam là thành viên được ký kết và có hiệu lực.

Quan trọng hơn, các doanh nghiệp trong nước đang kỳ vọng nhiều vào sự hỗ trợ về công nghệ sản xuất những mặt hàng vải có tính cạnh tranh cao từ các doanh nghiệp Ấn Độ trong làn sóng đầu tư vào Việt Nam.

Ấn Độ là quốc gia có ngành công nghiệp dệt may Ấn Độ phát triển mạnh, với doanh thu hàng năm khoảng 100 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 40 tỷ USD và là quốc gia xuất khẩu các sản phẩm cotton, lụa, vải xenlulo và sợi cotton lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc.

Trên bản đồ các nhà cung ứng dệt may trên thế giới, Ấn Độ là nhà sản xuất lớn về bông, sợi nhân tạo. Vải, sợi dệt của Ấn Độ hiện có thể cạnh tranh với bất kỳ nước nào và Ấn Độ sẵn sàng đầu tư tại Việt Nam để đảm bảo nguồn cung thường xuyên cho ngành may mặc của Việt Nam.

Nhận thấy cơ hội hợp tác hiệu quả với ngành dệt may vốn đang có nhiều thuận lợi về thị trường của Việt Nam, thời gian qua, nhiều đoàn doanh nghiệp dệt may Ấn Độ đã đến Việt Nam giao thương và tìm kiếm cơ hội đầu tư.

Theo đánh giá của Vitas, một phần khoản tín dụng 300 triệu USD được dùng để hỗ trợ các doanh nghiệp Ấn Độ thực hiện dự án khu công nghiệp, sẽ tạo tiền đề thuận lợi để gia tăng sự hỗ trợ giữa ngành dệt may 2 nước. Chỉ riêng việc thu hút được các doanh nghiệp Ấn Độ đầu tư đã là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam mở rộng nguồn cung cấp nguyên liệu sản xuất.

Yếu kém về sản xuất nguyên liệu của ngành dệt may Việt Nam càng thấy rõ khi nhìn vào mức chi cho nhập khẩu trong năm qua. Năm 2014, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt gần 25 tỷ USD, nhưng chỉ riêng kim ngạch nhập khẩu vải đã lên tới 9,428 tỷ USD, chưa kể bông, xơ sợi, phụ liệu khác. Con số này cho thấy, việc thúc đẩy sản xuất vải trong nước sẽ giúp ngành dệt may gia tăng được giá trị.

Tin liên quan
Tin khác