Theo đánh giá của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), ngành dệt may Việt Nam đang gặp nhiều vấn đề lớn, không thực sự phát triển đúng tầm. Đơn cử, số lượng sản xuất của ngành mất cân đối, quy mô sản xuất nhỏ. Địa bàn hoạt động của các công ty, nhà máy nằm rải rác trong cả nước, chưa hình thành cụm công nghiệp dệt may. Chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của các thị trường xuất khẩu như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… Đồng thời, chủng loại mặt hàng cũng hạn chế và giá thành cao, không có tính cạnh tranh.
Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch VITAS, con số xuất khẩu của ngành may mặc dù gây ấn tượng mạnh trong năm 2015, nhưng giá trị gia tăng đạt được của ngành lại rất thấp. Cùng với Sri Lanca, Bangladesh, Việt Nam đang nằm dưới đáy của đường parabol chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, do chỉ đảm nhận khâu cắt và may.
Khi tham gia TPP, doanh nghiệp dệt may trong nước không được sử dụng nguyên liệu của các nước không trong 12 nước tham gia hiệp định |
“Dệt may Việt Nam đứng ở đáy chuỗi cung ứng một phần do khi bắt đầu phát triển, ngành chọn con đường dễ đi, ít tốn kém nhất, đó là sản xuất gia công và kéo dài cho đến nay. Ngành cũng phụ thuộc quá nhiều vào nguyên phụ liệu nhập khẩu và bản thân việc sản xuất vải, sợi trong nước cũng đang gặp rất nhiều vấn đề khi lỗi sợi, lỗi vải diễn ra thường xuyên”, ông Giang cho biết.
Đồng quan điểm trên, ông Huỳnh Công Ái, Phó tổng giám đốc KPMG Việt Nam cho biết, tại các quốc gia phát triển như Mỹ, EU, Nhật Bản… ngành dệt may của họ tập trung vào khâu mang lại giá trị thặng dư cao nhất, như thiết kế, phân phối. Ngoài ra, nhiều nước được cho là nhà thầu gia công ngành dệt may lớn nhất cũng không có tên Việt Nam, mà lại thuộc về Hồng Kông, Hàn Quốc, Đài Loan.
“Tôi chưa thấy có sự liên kết của các doanh nghiệp dệt may trong thời gian qua, mà chỉ thấy cạnh tranh nhau về đơn hàng gia công, hay ép giá nhau trên chính thị trường Việt Nam. Trong khi đó, các công ty nước ngoài đang đổ bộ vào Việt Nam xây dựng nhà máy đón đầu Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) lại làm rất tốt việc xây dựng chuỗi liên kết với nhau để phát triển”, ông Ái nói.
Ông Vũ Đức Giang cho rằng, trước ngưỡng cửa TPP, thực hiện quy hoạch phát triển ngành dệt may Việt Nam giai đoạn 2015 - 2025 và tầm nhìn 2035, ngành dệt may cần xây dựng chuỗi liên kết để phát triển. Đây là hướng đi đúng đắn mà các doanh nghiệp cần làm ngay.
Theo ông Đặng Trang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phụ liệu may Nha Trang, hiện doanh nghiệp may và sợi thiếu tiếng nói chung, việc hợp tác trong ngành vẫn luẩn quẩn. Bên may đòi hỏi bên sản xuất nguyên phụ liệu phải đạt sản lượng cao, chất lượng ổn định mới đặt hàng. Bên nguyên phụ liệu lại yêu cầu bên may phải ký hợp đồng mới đầu tư sản xuất.
Trước ngưỡng cửa TPP, ông Trang cho rằng, khi bắt đầu tiếp cận với sản xuất nguyên phụ liệu, cho dù ở quy mô nào, doanh nghiệp cũng nên xây dựng chiến lược rõ ràng, tự mình nâng cao chất lượng, sản lượng để đáp ứng yêu cầu. Các doanh nghiệp may cũng cần có cơ chế liên kết bền vững để bên nguyên phụ liệu yên tâm sản xuất. Việc chen chân vào chuỗi cung ứng của DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài rất khó, do vậy, nếu không tự vận động, ngành dệt may sẽ mãi đi bên lề của chuỗi và không tận dụng được ưu đãi từ các hiệp định thương mại.
Để đón đầu làn sóng này, ông Trang cho biết, công ty ông đã bắt đầu nhập thêm máy móc, mở rộng nguồn nguyên liệu và mở rộng nhà xưởng để có thể cung ứng nhiều hơn nguyên liệu cho ngành trong thời gian tới, bởi khi tham gia TPP, doanh nghiệp dệt may trong nước không được sử dụng nguyên liệu của các nước không trong 12 nước tham gia hiệp định.
Ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Sản xuất thương mại may Sài Gòn (Garmex Sài Gòn) cũng cho biết, công ty ông đang xây dựng chuỗi gắn kết với một số công ty dệt may trong và ngoài nước để có những đơn hàng ổn định. Garmex Sài Gòn đã xây dựng và ưu tiên phát triển việc thiết kế nhằm tăng tốc đầu tư vào chiều sâu, nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh. Ngay trong năm 2015, Garmex Sài Gòn đã xây dựng được đội ngũ thiết kế với hơn 200 nhà tạo mẫu được đào tạo chuyên nghiệp. Mới đây, Garmex Sài Gòn cũng chính là doanh nghiệp dệt may đầu tiên mua lại một thương hiệu của Mỹ, sau đó làm chủ từ khâu thiết kế, phát triển mẫu và cung ứng mẫu, cho đến sản xuất và cung ứng sản phẩm để phân phối trên thị trường Mỹ.