Ngành vải sợi - dệt may dự kiến tăng trưởng ở mức 2 con số nhờ TPP. Khi đó, thuế suất trung bình của mặt hàng dệt may vào Mỹ (thị trường lớn nhất của hàng dệt may Việt Nam) sẽ giảm ngay lập tức từ 17,5% về 0%.
Nếu trước đây, doanh nghiệp dệt may Việt Nam chỉ tham gia một phần trong chuỗi, thì với TPP, nhà đầu tư nước ngoài sẽ đổ vốn vào các khâu sợi, dệt, nhuộm..., giúp ngành dệt may Việt Nam tham gia nhiều hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Với quy định ràng buộc các loại vải và hàng may mặc xuất khẩu phải có nguồn gốc nguyên liệu từ các thành viên TPP, nên rất nhiều nhà đầu tư từ Trung Quốc, Đài Loan và Hồng Kông (các thị trường không thuộc TPP) đã lên kế hoạch đầu tư vào Việt Nam để đón đầu cơ hội này.
Bà Nguyễn Hà Linh, Giám đốc Điều hành chuỗi Caphe đồ tráng miệng Thái Koh Samui Hut là CEO thử sức trong tình huống này |
Không chỉ vậy, Nhật Bản là quốc gia tham gia vào TPP cũng tạo điều kiện cho các công ty may đến Việt Nam đầu tư nhiều hơn. Chẳng hạn, Kuraray Trading, một doanh nghiệp sản xuất tơ sợi tổng hợp tại Osaka đã lắp đặt một dây chuyền sản xuất đồ thể thao tại Đà Nẵng trị giá 2,51 triệu USD. Dây chuyền này sẽ bắt đầu đi vào hoạt động trong tháng 7 năm nay.
Kuraray Trading sẽ sản xuất đồ thể thao bằng nguồn vải nhập từ Nhật Bản và sau đó xuất khẩu thành phẩm sang Mỹ. Với dây chuyền mới này, Việt Nam sẽ chiếm 55 - 60% hoạt động gia công của Kuraray. Kuraray cũng đang xem xét việc đầu tư hàng trăm tỷ yên vào lĩnh vực dệt nhuộm tại TP.HCM.
Trong khi đó, Itochu (Nhật Bản) đã củng cố sự hiện diện tại Việt Nam từ khá lâu. Năm 2014, công ty này đã thành lập một nhà máy dệt tại Việt Nam với công suất 500.000 m vải mỗi tháng. Itochu đồng thời sản xuất áo sơ mi tại nhà máy này cho các thương hiệu khác và xuất sang Mỹ cùng một số nước khác. Nhà sản xuất sợi Toray Industries mới đây cũng tăng cường sản xuất cho nhà máy may của hãng này tại TP.HCM thông qua công ty con Chori.
Nhìn về thị trường trong nước, với 60% nguyên phụ liệu nhập từ Trung Quốc, các doanh nghiệp Việt Nam còn rất ít thời gian để chuẩn bị, tự chủ về nguồn nguyên phụ liệu nhằm tăng dần tỷ lệ nội địa hóa, đáp ứng các yêu cầu về quy tắc xuất xứ theo quy định của TPP.
Tình thế đó đang đẩy nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa vào thế cân não. Nếu muốn tận dụng cơ hội kinh doanh từ TPP, họ có thể phải tính đến việc từ bỏ sản xuất và xuất khẩu hàng may mặc để chuyển sang tập trung vào ngành công nghiệp phụ trợ cho ngành dệt may. “Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong TPP là rào cản rất lớn, bởi hiện nay, nguồn nguyên liệu của Công ty phụ thuộc nhiều vào các thị trường không phải là thành viên của TPP, như Trung Quốc”, CEO một công ty may mặc tại TP.HCM cho hay.
CEO này cho rằng, đây là vấn đề lớn không thể khắc phục trong ngắn hạn. Trong khi đó, hiện rất nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực này đang cần nguồn nguyên liệu đáp ứng yêu cầu để kinh doanh trong thị trường nội khối. Đây chính là cơ hội để công ty chuyển hướng sang chuyên nhập khẩu nguyên liệu từ các nước nội khối TPP để cung ứng cho các doanh nghiệp dệt may khác.
Tuy nhiên, các cổ đông lại cho rằng, hầu hết doanh nghiệp đã chuẩn bị khá kỹ lưỡng cho TPP, do đó, họ sẽ tìm cách để xoay sở và lo được nguồn nguyên liệu cho mình. Thậm chí, các doanh nghiệp sẽ chờ đợi thị trường xuất hiện các nhà cung cấp nguyên liệu mới khi TPP có hiệu lực, vì quy luật của thị trường là “nước nổi, bèo nổi”. Do vậy, nếu Công ty đi theo hướng này thì chưa chắc thành công…
Các quan điểm về thay đổi chiến lược của Công ty chưa dừng lại ở đây, khi CEO và các cổ đông sẽ có cuộc họp chính thức tại Chương trình CEO - Chìa khóa Thành công, phát sóng trên kênh VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam vào 10 giờ sáng Chủ nhật (ngày 24/1) và phát lại vào 8 giờ sáng thứ Hai (ngày 25/1). Mời quý doanh nghiệp, doanh nhân và độc giả theo dõi và tham gia đóng góp ý kiến. Các chương trình lên sóng đều được phát online trên kênh CEOTVNEXT của Youtube.
Chuyên mục được thực hiện với sự hợp tác của chương trình CEO – Chìa khóa Thành công do Đài Truyền hình Việt Nam và Tổ hợp Truyền thông Hoàng Gia phối hợp sản xuất với sự đồng hành của nhãn hàng OTIV.