Doanh nghiệp
Dệt may sang Mỹ, EU, Trung Quốc giảm, doanh nghiệp ưu tiên tiết kiệm nguồn lực
Thế Hoàng - 19/02/2023 14:28
Thị trường vẫn còn nhiều rủi ro, đơn hàng xuất khẩu giảm, dệt may chấp nhận tổ chức sản xuất linh hoạt, đủ bù chi phí trong quý đầu năm, mục tiêu ưu tiên là đảm bảo việc làm.
Ưu tiên đảm bảo việc làm cho người lao động trong bối cảnh đơn hàng giảm là ưu tiên của các DN dệt may trong hệ thống Vinatex.

Thị trường dệt may thế giới vẫn khó. Lạm phát dù đã hạ nhiệt tại một số quốc gia nhưng sức mua chậm, tồn kho hàng hóa còn lớn..., khiến cho đơn hàng xuất khẩu hàng dệt may, xơ sợi vẫn trong đà giảm.

Nhìn vào kim ngạch xuất khẩu tháng đầu năm đã cho thấy một phần bức tranh thị trường. Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may tháng 1/2023 chỉ đạt 2,6 tỷ USD, giảm 38,5% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu sợi đạt 225 triệu USD, giảm 52%, xuất khẩu hàng may mặc đạt 2,39 tỷ USD, giảm 36% cùng kỳ.

Đáng chú ý, một số thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam cũng đều có xu hướng giảm: thị trường Mỹ giảm 46% so với cùng kỳ, đạt 1,02 tỷ USD; Thị trường EU lần đầu chứng kiến sự sụt giảm 25% cùng kỳ 2021; Đối với thị trường Trung Quốc, xuất khẩu tiếp tục giảm 54% so với cùng kỳ, đạt 149 triệu USD; thị trường Nhật Bản giảm 17% so với cùng kỳ 2022.

Tại Hội thảo chuyên đề tháng 2/2023, thông tin về tình hình kinh tế toàn cầu, thị trường dệt may thế giới, những tác động với doanh nghiệp dệt may khi Trung Quốc mở cửa, ông Vương Đức Anh, Chánh Văn phòng HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) cho hay, dù tại Mỹ, lạm phát bắt đầu hạ nhiệt, doanh số bán lẻ của Mỹ tháng 1/2023 đã tăng 6,4% so với cùng kỳ, nhóm cửa hàng bách hóa tăng 17,5% nhưng mặt hàng quần áo chỉ có sự tăng trưởng 2,5%.

"Điều này cho thấy tồn kho mặt hàng dệt may tại thị trường này còn lớn. Với EU, mặc dù chính sách tiền tệ thắt chặt bắt đầu có tác dụng, nhưng với việc lạm phát hạ nhiệt nhanh có thể có rủi ro về cầu đang suy yếu và giá sẽ giảm", ông Vương Đức Anh nhận định.

Trung Quốc mở cửa đã tạo áp lực đối với các quốc gia đang phát triển cũng như với quốc gia phát triển còn phụ thuộc nguyên liệu vào nước này.

Khi Trung Quốc thực hiện chính sách zero Covid, nhiều quốc gia đang phát triển có thể hưởng lợi khi chuỗi cung ứng dịch chuyển.

Tuy nhiên, với việc mở cửa của thị trường này, hàng triệu lao động trong các ngành nghề bắt đầu quay trở lại và tham gia chuỗi cung ứng, giá các đơn hàng có xu hướng xấu đi do Trung Quốc có lợi thế rất lớn về nguồn lao động và chuỗi cung ứng hoàn chỉnh, nhất là khi dệt may Trung Quốc đang đứng đầu thế giới.

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Vinatex nhận định, thị trường thế giới chưa có tín hiệu rõ ràng của phục hồi và còn nhiều diễn biến trái chiều. Dự báo, khả năng quay lại của lạm phát vẫn cao, lãi suất quý 1/2022 tiếp tục tăng tại Mỹ lên mức trên 5%; Trung Quốc quay trở sản xuất làm nguồn cung tăng đột biến trong khi cầu chưa phục hồi, gây áp lực lớn lên giá sản xuất hàng hóa.

Trong khi đó, trên thị trường nguyên liệu, giá bông đang giằng co trong xu thế cầu yếu, giá thấp và khả năng Trung Quốc cần nhập lại bông làm cầu mua bông tăng dẫn đến giá có điều chỉnh; Xơ, phụ thuộc nhiều vào giá dầu, mà hiện nay kịch bản giá dầu được nhiều tổ chức dự báo rất khác nhau từ 80 – 100 USD; Sợi, nhu cầu sẽ tăng, nhưng giá chỉ cải thiện sau khoảng 3 tháng tới khi cơ bản hết tồn kho.

Với các yếu tố không mấy tích cực về nền kinh tế thế giới và sự phục hồi của các thị trường xuất khẩu dệt may chủ lực, ông Trường đề nghị các đơn vị trong hệ thống tiếp tục duy trì, kiểm soát dòng tiền, vốn lưu động trong 6 tháng đầu năm, tiết kiệm nguồn lực để giảm khoản vay ngân hàng.

"Thị trường vẫn còn nhiều rủi ro, cần cân nhắc các chương trình đầu tư dự kiến của 6 tháng đầu năm, chấp nhận tổ chức sản xuất linh hoạt, đủ bù chi phí trong 4 tháng đầu năm, đảm bảo việc làm là mục tiêu ưu tiên, cũng như kiểm soát những khoản chi phí không cấp bách…", ông Trường nhấn mạnh.

Tin liên quan
Tin khác