ĐHĐCĐ thường niên của Dabaco tổ chức sáng 22/4 thông qua kế hoạch lợi nhuận tăng mạnh nhưng vẫn giảm 31% so với năm 2021. |
Quý I còn khó khăn
Cập nhật tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 của Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam (mã DBC-sàn HoSE) tổ chức sáng ngày 22/4, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Như So cho biết kết quả kinh doanh quý chưa tổng hợp xong. Tuy nhiên, sơ bộ về tình hình, ông cho biết quý I còn khó khăn.
Trước đó, Dabaco báo lỗ ròng 79 tỷ đồng, lần đầu tiên ghi nhận thua lỗ kể từ sau quý II/2017. Cùng ba quý liên tiếp ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận âm, doanh nghiệp này lãi ròng chỉ hơn 5 tỷ đồng, giảm 99% so với năm 2021. Doanh thu hợp nhất không bao gồm nội bộ là 11.687 tỷ đồng. Doanh thu hợp nhất gồm tiêu thụ nội bộ đạt 22.052 tỷ đồng.
Với kết quả đạt được năm 2022, Dabaco dành toàn bộ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối bổ sung vào quỹ đầu tư phát triển doanh nghiệp mà không chi trả cổ tức cho các cổ đông. Theo phương án đã được cổ đông thông qua, Dabaco đặt mục tiêu doanh thu (gồm tiêu thụ nội bộ) là 24.562 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 569 tỷ đồng, gấp hơn 11 lần năm trước nhưng vẫn giảm 31% so với năm 2021.
Chia sẻ tại Đại hội, ông So cho biết hoạt động kinh doanh năm 2022 chịu ảnh hưởng bởi sức mua, dịch bệnh và cũng là năm rất khó khăn trong 27 năm ông giữ vị trí lãnh đạo doanh nghiệp này.
“Tôi ước tính sức mua đã giảm 45% ở năm 2022, nhưng đến nay mức giảm đã lên đến 65%. Dù kinh doanh trong ngành hàng thiết yếu nhưng hầu hết sản phẩm phải bán dưới giá thành. Như giá thành sản xuất thịt lợn trên 55.000 đồng nhưng giá bán ra chỉ là 47.000 – 49.000 đồng. Chưa kể, dịch bệnh cực kỳ nan giải dù công ty đã dành thời gian tương đối dài để nghiên cứu vaccine. Một số vùng tưởng chừng như không bao giờ xảy ra cũng xuất hiện lợn bệnh”. Ông cũng cho biết trong 27 năm kể từ khi đảm nhận vị trí tổng giám đốc, chưa bao giờ họp với ban lãnh đạo hàng tuần nhưng đã có thời điểm 3 ngày họp lại một lần. Ông cũng phải trực tiếp họp với đội thị trường thức ăn, dù chưa từng thực hiện trong 16-17 năm trở lại.
Không riêng giá thị lợn, diễn biến giá các hàng hoá khác cũng ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh. Như khô đậu tương, nhà máy ép dầu của Dabaco nhập về 30 .000 - 40.000 tấn mua cả tàu từ gốc là các nhà sản xuất nhưng giá giảm sau một tháng cũng có thể khiến Dabaco mất vài triệu USD là chuyện bình thường, do đó rất khó để tính toán trên thị trường. Đối với mảng sản xuất thức ăn, đây là mảng kinh doanh sẽ không thua lỗ, nhưng biên lợi nhuận đều không quá lớn.
Về tình hình hiện tại, ông cho biết, dịch đến nay đã cơ bản ổn định dù vẫn còn xuất hiện ở một số điểm, cần sàng lọc. Quy mô tổng đàn lợn thịt công ty gia công cũng đã giảm từ 160.000 con xuống 120.000 con và có thể còn giảm 70.000 – 80.000 con từ tháng 6. Nhận định về diễn biến giá lợn, ông So nhận định “chắn chắn chúng ta phải chịu đựng tới hết quý II”. Tuy nhiên, kỳ vọng mở cửa du lịch và việc tổng đàn giảm sẽ đẩy giá lợn tăng.
“Chủ quan mà nói, tôi nghĩ giá lợn phải lên. Không riêng Việt Nam mà ở nhiều quốc gia lân cận như Trung Quốc, Thái Lan…, tổng đàn đều giảm nên giá đương nhiên sẽ lên”, Chủ tịch Dabaco cho hay. Ông So cũng nhận định kết quả kinh doanh quý II đỡ hơn, tới quý III và IV sẽ tốt lên phụ thuộc thiên thời địa lợi.
Dự án vaccine: Đã từng rất hoang mang, cách đây 3 ngày mới hết toát mồ hôi
Báo cáo về hoạt động đầu tư, ban lãnh đạo Dabaco cho biết công ty đã đưa vào khai thác dự án toà nhà Lotus Central, dự án chăn nuôi lợn tại Thanh Hoá... Năm 2023, công ty sẽ rà soát, đầu tư hoàn chỉnh và đưa vào sử dụng dự án còn dở dang gồm toà nhà Parkview City, khu nhà ở xã hội, nhà máy sản xuất vaccine.
Cập nhật tiến độ dự án nhà máy vaccine, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Như So cho biết phải tới cách đây 3 ngày, bản thân ông mới “hết toát mồ hôi”. Theo kết quả thử nghiệm, cả 3 lô đã đạt tỷ lệ 100%. Trước đó, dù đạt kết quả thử nghiệm ở phòng thí nghiệm tốt, lần thử nghiệm thứ 2 đã có lô không thành công.
“Lần thứ hai tôi đã hoang mang, 3 ngày trước mới hết toát mồ hôi vì đã đầu tư rất lớn”, ông So cho hay.
Dabaco đầu tư vào nhà máy vaccine 300 tỷ đồng. Hoạt động đầu tư này cũng cần thời gian dài bởi mỗi lần thử nghiệm đều mất vài tháng. Nếu vaccine thành công, Chủ tịch Dabaco khẳng định sẽ hướng đến xuất khẩu. Theo kế hoạch được chia sẻ tại Đại hội, công ty dự kiến sản xuất vaccine thương mại sớm nhất quý IV, đặt mục tiêu làm 3 loại vaccine đầu tiên. Ngoài vaccine dịch tả lợn châu Phi đang nghiên cứu, công ty ký hợp đồng sản xuất dịch tả lợn cổ điển và hướng đến sản xuất vaccine dịch lở mồm long móng. Không riêng việc thử nghiệm vaccine, việc xây dựng nhà máy cũng phức tạp hơn dự kiến.
Lợi nhuận dự án bất động sản hạch toán năm 2023
Trong năm 2022, Dabaco chưa hạch toán một phần doanh thu và lợi nhuận của hoạt động kinh doanh bất động sản do có sự thay đổi về các quy định của pháp luật liên quan đến thủ tục nghiệm thu công trình xây dựng đưa vào sử dụng. Đây cũng là nguyên nhân kéo lợi nhuận trên báo cáo tài chính kiểm toán giảm “sốc” 97% so với báo cáo tự lập, từ mức 150 tỷ đồng giảm còn 5 tỷ đồng.
Báo cáo về dự án này, ông So cho biết nếu không có sự thay đổi ở Nghị định phòng cháy chữa cháy không thay đổi, doanh thu đã có thể ghi nhận năm 2022. Dự án đã có quyết định nghiệm thu phòng cháy chữa cháy khoảng hơn 10 ngày trước, do đó sẽ hoàn tất và ghi nhận kết quả trong năm 2023 này.
Chia sẻ về dự án khu đô thị Vạn An tại phường Vạn An và phường Hòa Long, TP Bắc Ninh, Chủ tịch Dabaco cho biết dự án đang gặp vướng về mặt chính sách nên chưa thể triển khai. Ông cũng khẳng định Dabaco chờ pháp lý của dự án Vạn An bởi đây là khu đất có vị trí tốt tại Bắc Ninh nếu lựa chọn bán ở thời điểm hiện tại sẽ chưa đủ lãi.
Các tờ trình tại Đại hội bao gồm các báo cáo của HĐQT, ban Kiểm soát, tờ trình trích lập quỹ và sử dụng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, sửa đổi Điều lệ (bổ sung người đại diện pháp luật gồm Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc) đều được thông qua.