CEO Nguyễn Điệp Tùng: “FPTS chắc chắn không tham gia vào cuộc đua zero fee”
Công ty cổ phần Chứng khoán FPT (FPTS, mã FTS) vừa tổ chức cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 vào chiều ngày 28/3. Kết quả kinh doanh năm trước đi lùi cùng bối cảnh thị trường hiện tại khiến lãnh đạo công ty chứng khoán này có cái nhìn thận trọng khi xây dựng phương án kinh doanh năm nay.
Cụ thể, FPTS đặt mục tiêu tổng doanh thu năm 2023 đạt mức 770 tỷ đồng, giảm 27% so với thực hiện năm 2022. Lãi trước thuế giảm 34% về mức 420 tỷ đồng. Với các chỉ tiêu tài chính trên, FPTS có thể sẽ có năm thứ 2 liên tiếp tăng trưởng lợi nhuận âm. Tỷ lệ giữa lãi trước thuế trên vốn điều lệ năm 2023 dự kiến giảm còn 19,6%, từ mức 32,7% năm trước.
Theo đánh giá của lãnh đạo công ty, thị trường chứng khoán năm 2023 kém hấp dẫn với thanh khoản giảm sút so với năm 2022 cộng thêm bối cảnh các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, thách thức. Thị trường dự báo không có thêm sản phẩm mới và chỉ có ít cổ phiếu mới niêm yết/đăng ký giao dịch. Ngoài ra, cạnh tranh về phí giao dịch giữa các công ty chứng khoán khốc liệt hơn.
Cập nhật tình hình tại Đại hội, ông Nguyễn Điệp Tùng, Tổng giám đốc Chứng khoán FPT cho biết tình hình kinh doanh của công ty trong 2 tháng đầu năm cùng chiều với diễn biến thị trường. Thanh khoản giảm xuống nhiều đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh. Chưa kể, quý I cũng là khoản thời gian có một tuần nghỉ tết.
“Nhìn thị trường thế nào kết quả tương ứng như vậy. Kết quả kinh doanh quý I do vậy chắc chắn không tốt”, ông Tùng cho biết.
Cùng đó, số lượng mở tài khoản của FPTS rất ít. Ngay cả các nhà đầu tư cũ chọn đứng ngoài thị trường. Do đó, số lượng nhà đầu tư mở mới rất thấp. Năm trước, tăng trưởng số tài khoản khách hàng quản lý của FPTS là 10,03%, gần đạt được mục tiêu đề ra nhưng vẫn khiêm tốn hơn nhiều so với mức tăng 60% của toàn thị trường trong năm 2022.
Trả lời câu hỏi của cổ đông tại Đại hội, ông Tùng thừa nhận thị trường đang co hẹp trong khi số lượng công ty chứng khoán giữ nguyên, cạnh tranh sẽ càng khốc liệt hơn.
Trong khi công ty chứng khoán nhỏ sẵn sàng hạ phí hay miễn phí, các công ty chứng khoán lớn cũng buộc phải có hành động của mình. Tuy nhiên, theo ông Tùng, không thể tham gia cuộc đua zero fee. Bởi khi xét lâu dài không thể có công ty nào có thể hoạt động không vì lợi nhuận, hay cụ thể hơn là, duy trì và làm mới hệ thống với nhiều tiện ích mà không nhận lại đồng nào.
Vị CEO này cũng khẳng định cạnh tranh bằng sản phẩm chất lượng, xây dựng hệ thống công nghệ mới với sản phẩm nhiều tiện ích phục vụ nhà đầu tư hơn cùng việc nâng cao chất lượng tư vấn.
“Con đường công ty chứng khoán lớn hơn buộc phải làm là như vậy. FPTS không thể nào tham gia vào cuộc đua zero fee. Đây là điều chắc chắn”.
Nhân sự HĐQT nhiệm kỳ 2023-2028 không thêm gương mặt mới
Theo phương án phân phối lợi nhuận năm 2022 đã trình và được cổ đông thông qua, FPTS dự trả cổ tức bằng tiền mặt 5% (500 đồng/cp). Số tiền cổ tức chi trả khoảng 97 tỷ đồng.
Cùng đó, công ty đã thông qua phương án tăng vốn bằng việc phát hành 19,5 triệu cổ phiếu thưởng từ nguồn vốn chủ sở hữu, tương ứng tỷ lệ phát hành 10:1. Đợt chia thưởng cổ phiếu dự kiến thực hiện trong quý II/2023, nâng vốn điều lệ của FPTS lên hơn 2.100 tỷ đồng.
Theo kế hoạch đề ra cho năm 2023, lãi trước thuế/ vốn điều lệ dự kiến sẽ giảm mạnh hơn 40% từ mức 32,71% năm trước xuống còn 19,57% năm nay. Trong khi đó, công ty vẫn sẽ mở rộng quy mô nhân sự từ 501 người lên 530, mức tăng 5,79% khiêm tốn hơn năm 2022 (10,6%).
FPTS bước sang nhiệm kỳ mới của hội đồng quản trị và ban kiểm soát. Cũng tại đại hội, các cổ đông đã bầu nhân sự mới. 5/5 ứng cử viên đã được bầu vào hội đồng quản trị nhiệm kỳ mới. Ông Nguyễn Khắc Thành – thành viên HĐQT độc lập không còn tham gia ở nhiệm kỳ này, qua đó giảm số lượng nhân sự HĐQT từ 6 người xuống 5 người. Như vậy, nhân sự HĐQT không thêm gương mặt mới ở nhiệm kỳ này.
Các cổ đông cũng thống nhất thông qua mức thù lao Hội đồng quản trị năm 2023 là 8 triệu đồng/ người/tháng đối với các thành viên độc lập HĐQT và không trả thù lao với các thành viên không độc lập HĐQT.