Sức khỏe doanh nghiệp
ĐHĐCĐ Gelex: Sở hữu chi phối Viglacera là nhiệm vụ hàng đầu trong năm 2020
Thanh Thủy - 18/06/2020 09:59
Một bản kế hoạch kinh doanh năm 2020 của Gelex giả định hoàn tất sở hữu chi phối Viglacera từ quý IV/2020.

Sáng ngày 18/6, Tổng công ty cổ phần Thiết bị điện (mã GEX) tổ chức cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 tại khách sạn Melia với 62 cổ đông đại diện 70,83% cổ phần có quyền biểu quyết. Tỷ lệ tham dự trên đủ để Gelex triển khai cuộc họp ngay trong lần đầu.

Cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên của Gelex

Chi phối Viglacera là nhiệm vụ hàng đầu, M&A dự án khu công nghiệp phía Nam 

Năm 2019, Gelex trình cổ đông phương án không chia cổ tức. Trong tổng lợi nhuận sau thuế có thể phân phối hơn 402 tỷ đồng, Gelex dự kiến dùng 303 tỷ đồng để trích vào quỹ khen thưởng, phúc lợi (3 tỷ đồng) và gần 300 tỷ đồng để mua cổ phiếu quỹ. Còn lại, công ty dự kiến giữ lại 117,22 tỷ đồng.

Thực tế, việc mua lại cổ phiếu quỹ đã được doanh nghiệp này thực hiện với 18,27 triệu cổ phiếu mua trong giai đoạn 23/4 -22/5.  

Gelex đã thu về 15.315 tỷ đồng doanh thu thuần hợp nhất và 1.102 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế hợp nhất, hoàn thành lần lượt 92% và 80% kế hoạch đề ra. Biên lợi nhuận cao nhất trong 5 năm (17,9%). Báo cáo kết quả kinh doanh năm 2019 tại Đại hội, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Nguyễn Văn Tuấn cho biết  kế hoạch kinh doanh năm 2019 được lập với giả định là sẽ hoàn tất việc mua và sở hữu chi phối Tổng công ty Viglacera (Viglacera) và Tổng Công ty Thiết bị điện Đông Anh vào quý IV/2019. Cùng đó, chi phí tài chính tăng 60% do công ty mở rộng đầu tư cũng là nguyên nhân khiến lợi nhuận không đạt kế hoạch.

Theo kế hoạch đề ra trong năm 2020, Gelex giả định việc hợp nhất Viglacera được thực hiện vào quý IV/2020, mục tiêu doanh thu và lợi nhuận lần lượt là 19.600 tỷ đồng và 975 tỷ đồng. Nếu không thực hiện hợp nhất, kế hoạch lợi nhuận năm 2020 là 735 tỷ đồng, giảm 1/3 so với kết quả năm trước.

Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, năm 2020 công ty sẽ tập trung nguồn lực vào mảng bất động sản khu công nghiệp do đánh giá đây là thời điểm hưởng lợi dòng vốn dịch chuyển khỏi Trung Quốc. Việc chi phối Viglacera là nhiệm vụ hàng đầu trong năm nay.

“Chiến lược của Gelex năm 2020 và ba năm tới là tập trung đầu tư để đón đầu các nhà đầu tư sau dịch. Gelex không chỉ cung cấp bất động sản khu công nghiệp mà còn đầu tư các dịch vụ kèm theo để xây dựng hệ sinh thái từ nhà kho, nước sạch đến nhà ở xã hội giá rẻ với quy mô lớn”, Chủ tịch Nguyễn Văn Tuấn cho hay.

Cụ thể, Gelex sẽ M&A các khu công nghiệp chú trọng thị trường phía Nam, trực tiếp đầu tư vào khu công nghiệp, thuê và tận dụng thương hiệu và con người Viglacera để phát triển dự án. Một số dự án hiện có là dự án tại Tây Ninh với diện tích 100ha (đang đề xuất để được nâng lên 600 ha), khu công nghiệp Long Sơn (Vũng Tàu). Cùng đó, công ty sẽ xây dựng hệ thống nhà kho tại diện tích đất đang dư của Viglacera.

Toàn cảnh đại hội

Ngoài Viglacera, Gelex sẽ mua lại Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh (vốn đã lên kế hoạch từ 2 năm trước) và Công ty Dây đồng Việt Nam CFT -  liên doanh của Gelex với Nhật Bản sản xuất dây đồng phi 8 cung cấp cho Cadivi và toàn thị trường. Ông Tuấn cũng cho biết hai bên đã ký hợp đồng và dự kiến chuyển nhượng trong quý III/2020.

Đối với dự án đường ống nước sạch sông Đà, các thủ tục pháp lý hiện đã được cấp đầy đủ để thực hiện, dự kiến tìm nhà thầu vào tháng 8/2020. Trong lĩnh vực cấp nước, Gelex dự kiến tìm kiếm cơ hội bán nước sạch và xử lý nước thải trong khu công nghiệp.

Lĩnh vực năng lượng cũng đang đầu tư với các dự án quy mô đầu tư lớn. Ngoài điện mặt trời, Gelex đang có tới 3 dự án điện gió tại Quảng Trị với tổng công suất 90 MW dự kiến hoàn thành phát điện trước tháng 10/2021. Công ty cũng tham vọng nổ sung vào Quy hoạch điện VIII các dự án: Điện gió Gia Lai (100 MW), Điện gió Đak-lak (200MW), Điện mặt trời Bù Gia Mập -Tây Ninh (85MW), Điện mặt trời Bình Phước 1, 2 (480MW), cụm Điện gió ngoài khơi Vĩnh Hải (800MW).

Trong khi đó, Gelex đang thoái toàn bộ vốn ở lĩnh vực logistics. Mặc dù là lĩnh vực có tiềm năng, nhưng việc thoái vốn cần thực hiện để tập trung nhân lực và vật lực cho hoạt động đầu tư hạ tầng và công nghiệp.

Hàng loạt các câu hỏi được các cổ đông gửi đến ban chủ tọa Đại hội, tập trung vào hoạt động kinh doanh dưới ảnh hưởng dịch Covid-19 và áp lực cạnh tranh; đầu tư cũng như công tác huy động vốn phục vụ mở rộng đầu tư của Gelex.

Ưu tiên giữ thị phần

- Ảnh hưởng của dịch bệnh đến sản xuất kinh doanh?

Trong thời điêm dịch, giá đồng giảm nhanh, Cadivi đã giảm giá để kích cầu, đẩy nhanh luân chuyển hàng tồn kho. Nhờ đó, dù biên lợi nhuận bị ảnh hưởng nhưng doanh số của công ty này vẫn tốt (tăng 13%), không bị tồn hàng.

Theo Phó Chủ tịch HĐQT Nguyễn Trọng Tiếu, ứng phó trước dịch Covid-19, doanh nghiệp phải tính chuyện sống rồi mới nghĩ đến sống tốt. Gelex đã dùng chính sách giá giữ lại thị phần trong bối cảnh quy mô thị trường thu hẹp. Mảng thiết bị điện đi đúng hướng và giữ được thị phần.

- Vì sao Gelex muốn giữ vai trò chủ đầu tư tại các dự án khu công nghiệp hợp tác cùng Viglacera?

Gelex tự đầu tư khu công nghiệp do Viglacera vẫn là doanh nghiệp có vốn nhà nước. Điểm mạnh của Viglacera là thương hiệu và nhân sự trong mảng này, nhưng lại có điểm yếu khi ra quyết định đầu tư.

Các quy trình tương đối giống nhau khi Gelex đầu tư vào một dự án điện và đầu tư khu công nghiệp. Việc hợp tác này tận dụng được thế mạnh các bên. Gelex dự kiến mua 4 dự án, ưu tiên các khu công nghiệp cận cảng.

Dự kiến IPO Gelex Electric vào năm 2022, sẽ bán cổ phiếu quỹ có lãi

-Tính khả thi của việc M&A Viglacera và phương án cụ thể để hoàn thành kế hoạch này?

Nêu chi tiết về việc bố trí nguồn vốn cho năm tới, lãnh đạo của Gelex cho biết nguồn vốn dự kiến đầu tư cho các mảng hạ tầng là 4.000 tỷ đồng. Tại dự án đường ống nước Sông Đà được Vietcombank tài trợ 85% vốn đầu tư, nguồn vốn đối ứng đã thu xếp đủ. Các dự án điện gió cũng được cam kết tài trợ vốn từ ngân hàng với tỷ lệ 70%. Còn nguồn vốn đối ứng của dự án đã thu xếp được 20%.

Với các giao dịch M&A, nguồn chủ yếu đến từ lợi nhuận của tổng công ty, thoái vốn ở mảng logistics và Cảng Đồng Nai. Tổng thể đã cân đối đủ nguồn.

- Vì sao Gelex quyết định cổ phần hóa hóa Gelex Electric?

Gelex Electric là đơn vị nắm giữ mảng thiết bị điện của Gelex, cũng là mảng mang về nguồn thu lớn nhất. Sau khi cổ phần hóa Gelex Electric, Gelex đang giữ 99,98% vốn. Việc cổ phần hóa nhằm chuẩn bị cho việc niêm yết trên HoSE.

Ông Tuấn cho biết nhiều đối tác chiến lược, tài chính quan tâm đơn vị này. Định hướng của công ty cũng là đưa các mảng hoạt động ổn định, quản trị đã tốt tham gia niêm yết, có thểm cổ đông chiến lược cùng tham gia quản trị công ty. Việc đấu giá công khai, chọn cổ đông chiến lược đều sẽ cân nhác thực hiện tốt nhất cho cổ đông. Dự kiến công ty sẽ thực hiện niêm yết vào năm 2022

- Vì sao công ty mua cổ phiếu quỹ?

Ở giai đoạn tháng 4 vừa qua, giá cổ phiếu GEX giảm mạnh và ban lãnh đạo đánh giá giá cổ phiếu thấp hơn giá trị doanh nghiệp. Khi đó, công ty cũng vẫn còn nguồn tiền dư. Tương lai, công ty sẽ tìm đối tác để bán cổ phiếu quỹ, dự kiến giá sẽ cao hơn thời điểm mua.

- HIệu quả sau khi đầu tư vào mảng logistics và thoái vốn?

Việc chuyển nhượng lại mảng trên cho IndoTrans có lãi. Công ty đã bán mảng vận hành của logistics nhưng vẫn giữ lại các bất động sản ở công ty này, cụ thể là 54% vốn góp tại 2 dự án tại Trường Thọ và Suối Tiên.

- Mục tiêu của Gelex khi mua 17% DAP Đình Vũ thời gian trước đây? Kế hoạch với khoản đầu tư này?

Liên quan đến khoản đầu tư tài chính trên, lãnh đạo Gelex cho biết mục tiêu ban đầu khi mua công ty DAP Đình Vũ là để kết hợp với mảng logistics. Tuy nhiên, sau khi thoái vốn tại mảng kinh doanh logistics, Gelex cũng sẽ tiếp tục bán khoản đầu tư ở DAP Đình Vũ.

Tin liên quan
Tin khác