Đầu tư và cuộc sống
Di sản văn hóa Sa Huỳnh: Câu chuyện giữa lưu giữ và phát triển kinh tế
Thanh Chung - 28/01/2023 09:44
Văn hóa Sa Huỳnh được nhà khảo cổ học người Pháp M.Vinet phát hiện vào năm 1909 khi tìm ra khu mộ chum tại phường Phổ Thạnh (thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi). Di tích khảo cổ học Văn hóa Sa Huỳnh được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, song khu vực này cũng đang đứng trước bài toán lưu giữ và phát triển kinh tế.

 

“Bảo tàng sống”

Văn hóa Sa Huỳnh có ở nhiều nơi, nhưng địa bàn quan trọng là ở Quảng Nam và Quảng Ngãi. Từ khu mộ chum Sa Huỳnh, qua nhiều đợt khai quật, các nhà khảo cổ đã phát hiện khoảng 500 mộ chum và nhiều đồ tùy táng của nền văn minh tồn tại 2.000 - 3.000 năm trước, phân bố chủ yếu ở miền Trung.

Mai táng người đã khuất trong mộ chum là nét đặc thù của văn hóa Sa Huỳnh. Mộ chum Sa Huỳnh có nhiều kiểu dáng như hình trụ, hình trứng, hình cầu... Trong mộ chum bao giờ cũng kèm theo đồ tùy táng như đồ gốm, công cụ đá, công cụ sắt, đồ đồng và đồ trang sức.

Cư dân văn hóa Sa Huỳnh làm nghề trồng trọt, đánh cá, đi biển; làm đồ trang sức, đồ gốm, kỹ thuật đúc thủy tinh, đặc biệt là tục chôn cất người chết trong những chum lớn (mộ chum) thường tập trung ở các cồn cát ven biển và lan dần ra đảo Lý Sơn, minh chứng cho chủ quyền biển đảo của đất nước ta từ hơn 2.000 năm trước.

Sa Huỳnh là vùng đất giàu có, thương cảng Sa Huỳnh một thời giao thương phồn thịnh, nơi đây có cửa biển nằm cạnh dòng hải lưu ven bờ, có vịnh kín, ghe thuyền ẩn trú an toàn. Đây cũng là điểm xuất phát con đường muối, từ vùng muối Sa Huỳnh lên Tây Nguyên và đi các nơi theo đường biển. Muối gắn liền với cư dân Sa Huỳnh, Champa, Đại Việt, đem lại sự giàu có và quyền lực.

Di tích Sa Huỳnh gồm 6 địa điểm là: đầm An Khê, lạch An Khê - sông Cửa Lỗ, Phú Khương, Long Thạnh, Thạnh Đức, quần thể di tích Champa ở xóm Cỏ, tiếp nối nhau phân bố liên tục trong không gian đầm, biển, cồn cát Sa Huỳnh.

Trong đó, đầm An Khê rộng 350 ha, nằm ven biển Sa Huỳnh, có điều kiện thiên nhiên cơ bản để hình thành các di tích văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Champa, văn hóa Việt ở quanh đầm. Cư dân văn hóa Sa Huỳnh đã định cư xung quanh đầm An Khê trong khoảng 1.000 năm, từ sơ kỳ đồng thau cách đây khoảng 3.000 năm, đến thế kỷ I đầu Công nguyên.

Ngoài ra, nằm trong khu vực miền Trung với đặc trưng khô hạn và nóng, đầm An Khê có vai trò hết sức quan trọng với sự cân bằng nước của vùng, điều hòa không khí, nhất là trong các tháng hè cực kỳ khô nóng.

Các nhà khoa học nhận định, giá trị di sản văn hóa Sa Huỳnh, Champa, Đại Việt ở quần thể này vẫn còn nguyên vẹn với tính xác thực cao, từ đó có thể xây dựng khu di tích văn hóa Sa Huỳnh thành trung tâm bảo tồn và phát huy giá trị di sản này đại diện cho cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Đặc biệt, ngày 29/12/2022, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định công nhận Di tích khảo cổ văn hóa Sa Huỳnh là di tích quốc gia đặc biệt.

“Đây là nguồn tài nguyên quý hiếm. Có thể coi không gian văn hóa Sa Huỳnh và các thành tố liên quan như một bảo tàng sống cho công tác nghiên cứu và phát triển du lịch bền vững bằng cách đa dạng hóa các hình thức du lịch, tạo ra những giá trị gia tăng từ di sản như du lịch nghiên cứu và tham quan di tích”, GS-TS. Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia nói.

Phát huy giá trị di sản

Tỉnh Quảng Ngãi từng dự định xây dựng 2 nhà máy điện năng lượng mặt trời với tổng vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng trong phần diện tích của đầm An Khê. Tuy nhiên, dự định này vấp phải sự phản đối của các nhà khoa học, bởi khu vực đầm là vùng lõi của văn hóa Sa Huỳnh, dự án triển khai sẽ phá vỡ không gian văn hóa của một trong 3 nền văn minh cổ ở Việt Nam (Sa Huỳnh, Đông Sơn, Óc Eo).

Đến tháng 10/2022, UBND tỉnh Quảng Ngãi quyết định không bổ sung 2 dự án điện mặt trời trên đầm An Khê vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, với mong muốn bảo tồn di sản văn hóa địa phương.

Việc này được các nhà khảo cổ và người dân ủng hộ. Bởi, theo Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, đầm An Khê là một không gian lịch sử, sinh thái văn hóa nhân văn quý hiếm, rất có giá trị, xứng đáng được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt và trong tương lai có thể trình UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa thế giới.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng từng có ý kiến: “Nghiên cứu mở rộng diện tích khoanh vùng bảo vệ di tích, bao gồm khu vực đầm An Khê và các khu vực liên quan khác. Tiếp tục khai quật để bổ sung, làm rõ giá trị của di tích”.

Theo ông Đoàn Ngọc Khôi, Phó giám đốc Bảo tàng tỉnh Quảng Ngãi, đầm An Khê là cội nguồn sinh thái nhân văn, là điều kiện cần và đủ để hình thành các di sản văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Champa, văn hóa Việt tiếp nối nhau liên tục phát triển. Đầm An Khê và khu vực xung quanh với những di tích khảo cổ học đã được phát lộ, còn trong lòng đất là môi trường sống, không gian sinh tồn, sinh thái nhân văn của cư dân văn hóa Sa Huỳnh, Champa, Đại Việt.

Xung quanh khu vực đầm An Khê, người dân vẫn giữ phương thức canh tác truyền thống, lưu truyền các phong tục, tập quán mang đậm dấu ấn văn hóa dân gian của người Việt như hát bài Chòi, hát Sắc Bùa, hát Hố.

Ngoài ra, đầm An Khê được biết đến với nguồn lợi thủy sản phong phú, đã giúp cho nhiều người dân tại đây có cuộc sống tốt hơn. Vai trò nổi bật của đầm An Khê là nguồn lợi thủy sản, đảm bảo thực phẩm cho nhân dân sống quanh đầm, là sinh kế của hơn 200 hộ dân các thôn Phú Long, Diên Trường (Phổ Khánh) và Long Thạnh 1, Long Thạnh 2 (Phổ Thạnh) với các hoạt động như khai thác, nuôi trồng và thu mua thủy sản từ đầm.

Nơi đây cũng dày đặc những di tích. Trong đó, các di tích văn hóa Champa hình thành xung quanh đầm An Khê như tháp Núi Một, tháp Gò Đá, miếu Chăm, bia Vũng Bàng, hệ thống giếng nước Champa, cầu đá, con đường cổ Sa Huỳnh, hệ thống mương dẫn nước cổ.

Văn hóa Việt hình thành xung quanh đầm An Khê có miếu Thành Hoàng, dinh Thủy Long, dinh Bà chúa Yàng, dinh Thiên Yana, lăng thờ Cá ông, cùng các di sản phi vật thể nghề gốm Chỉ Trung, nghề muối Sa Huỳnh, hát Bả Trạo, Sắc Bùa, hát Hố, cùng hàng loạt di sản phi vật thể khác.

Ông Đoàn Ngọc Khôi cho hay, hiện đầm An Khê đã bắt đầu phát triển du lịch bằng thuyền trên mặt đầm, có hợp tác xã du lịch cộng đồng. Nơi đây sẽ là địa điểm tổ chức đua thuyền và tương lai sẽ làm đường bộ ven đầm để thưởng ngoạn. Việc này sẽ được quy hoạch tổng thể di tích sau khi đón bằng xếp hạng vào đầu năm 2023.

“Đầm An Khê là điểm đến du lịch lý tưởng trong tương lai. Nhưng làm thế nào để sử dụng bền vững nguồn tài nguyên vô giá này mà không mất đi giá trị văn hóa lâu đời, không bị lai tạp bởi phát triển du lịch rầm rộ vẫn là một bài toán cần các bên liên quan cùng nhau phối hợp để triển khai. Phát triển, không có nghĩa là gột bỏ đi cái cũ, mà phải làm sao để cái cũ phát huy được giá trị vốn có của nó”, ông Khôi nói.

Tin liên quan
Tin khác