Góc nhìn tôn giáo
Người viết đã nhiều lần nghe được các vị chức sắc tôn giáo cho rằng, không cần đến Địa lý phong thủy, mà chỉ cần tu tập đạt đến một cảnh giới nào đó thì sẽ vượt qua sự chi phối, tác động của Địa lý phong thủy.
Đây là nhận định sai về bản chất của ngành Địa lý phong thủy Đông phương. Bởi vì, Địa lý phong thủy không phải là một tôn giáo. Điều mà người viết đã trình bày ở những bài viết trước. Cho nên, nó không hể làm thay đổi tín ngưỡng của các tôn giáo.
Góc nhìn nhân danh khoa học
Về góc nhìn này, người viết cũng nêu hai xu hướng khác nhau.
Thứ nhất là xu hướng phản bác. Đã có một thời gian rất dài, giới khoa học cả trong nước và quốc tế đều cho rằng, những di sản của nền văn minh Đông phương có khả năng tiên tri, đều bị xếp vào tập hợp gọi là "mê tín dị đoan".
Hoặc ngay khi chúng tôi xác định: "Địa lý phong thủy là một ngành khoa học" trong cuộc hội thảo ngày 15/12/2009 tại Hà Nội, cũng không ít nhà khoa học trong và ngoài nước cho rằng: "Phong thủy là hiện tượng giả khoa học". Người viết đã biện minh về luận điểm này.
Xu hướng này, thể hiện việc những người phản bác, thiếu một kiến thức chuyên sâu về phong thủy và dựa trên căn bản nhận thức trực quan khi quán xét đối tượng. Nó không thể chỉ ra được tính “giả khoa học” của ngành Địa lý phong thủy Đông phương với những luận cứ mang tính phản biện một lý thuyết nhân danh khoa học. Khi hệ thống tri thức của ngành Địa lý phong thủy Đông phương được hệ thống hóa, hiệu chỉnh và tập hợp một cách nhất quán, hoàn chỉnh nhân danh nền văn hiến Việt.
Thứ hai là xu hướng coi ngành Địa lý phong thủy Đông phương là một đối tượng nghiên cứu khoa học.
Xu hướng này, ngược chiều với xu hướng trên. Những nhà khoa học theo xu hướng này coi Địa lý phong thủy là một đối tượng nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, bản chất khoa học của ngành Địa Lý phong thủy Đông phương thể hiện ở chỗ nào thì vấn đề vẫn còn rất mơ hồ. Bởi vậy, nó có vẻ vẫn chưa thuyết phục được một cách phổ biến sự nhìn nhận của con người về bản chất của ngành Địa lý phong thủy Đông phương.
Giáo sư Lê Văn Sửu đã viết trong cuốn “Nguyên lý thời sinh học cổ Đông phương” như sau: “Gần đây, có rất nhiều nhà khoa học ở đủ mọi ngành và nhiều nơi trên thế giới, với những phương tiện khoa học hiện đại có những đặc tính ưu việt như tinh vi, nhanh chóng, chính xác trong tay, họ đã và đang nghiên cứu nền tảng di sản của nền văn minh Đông phương này. Thế nhưng, sự tiếp cận thực chất của nó, đang còn là một khó khăn to lớn”.
Qua nhận xét của Giáo sư Lê Văn Sửu đã cho thấy rằng, ngay cả với sự tiếp cận đầy thiện chí của các nhà khoa học với nền văn minh Đông phương, trong đó có ngành Địa lý phong thủy Đông phương, là đối tượng để nghiên cứu, thì cũng chưa thể tiếp cận được bản chất của hệ thống tri thức của nền văn minh Đông phương nói chung và ngành Địa lý Phong thủy nói riêng.
Như vậy, với tất cả các góc nhìn được mô tả và cả một quá trình tồn tại những giá trị của nền văn minh Đông phương, chúng ta thấy rằng, ngay cả với một góc nhìn thiện chí của các nhà khoa học - như trích dẫn của giáo sư Lê Văn Sửu, thì những giá trị tri thức của nền văn minh Đông phương vẫn rất mơ hồ.
Vậy thì bản chất của việc khám phá những giá trị của nền văn minh Đông phương nằm ở đâu khi nó không phải là một tín ngưỡng, tôn giáo, không phải giả khoa học?
Khi chúng ta bác bỏ các luận điểm: “Địa lý phong thủy Đông phương là một tín ngưỡng, tôn giáo”, hoặc “giả khoa học”, và tạm thời chưa kết luận gì về hệ thống tri thức của nền văn minh Đông phương nói chung, nhưng vẫn coi những giá trị của hệ thống tri thức của nền văn minh Đông phương là đối tượng nghiên cứu khoa học, thì vấn đề được đặt ra nhằm đạt đến mục đích cuối cùng là khám phá bản chất những giá trị của nền văn minh Đông phương huyền vĩ. Đây vốn là một hệ thống tri thức vô cùng đồ sộ - bao trùm lên tất cả mọi lĩnh vực mà con người quan tâm.
Đó chính là vấn đề của phương pháp nghiên cứu.