Y tế - Sức khỏe
Dịch bệnh mới nổi và tái nổi: Mối nguy tiềm ẩn trong bối cảnh toàn cầu hóa
D.Ngân - 17/12/2024 09:33
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự gia tăng nhanh chóng của giao thương quốc tế, dịch bệnh truyền nhiễm đã và đang trở thành mối đe dọa lớn đối với sức khỏe cộng đồng toàn cầu.

Các dịch bệnh mới nổi và tái nổi không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe mà còn tác động mạnh mẽ đến các hệ thống y tế, kinh tế và xã hội.

Tiêm chủng vắc-xin phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm mới nổi là một trong những biện pháp phòng ngừa hiệu quả.

Những căn bệnh như Covid-19, Ebola, Zika, và gần đây là các chủng cúm mới, đang làm dấy lên lo ngại về khả năng ứng phó của các hệ thống y tế và sự cảnh giác của cộng đồng trong việc bảo vệ sức khỏe cá nhân và cộng đồng.

Dịch bệnh mới nổi là những căn bệnh chưa từng xuất hiện trước đây hoặc đã xuất hiện nhưng chưa từng bùng phát nghiêm trọng.

Những bệnh này thường gây ra nhiều khó khăn trong việc phát hiện, chẩn đoán và điều trị, bởi vì thiếu thông tin và phương pháp điều trị hiệu quả. Các bệnh mới nổi thường bắt nguồn từ các virus hoặc vi khuẩn lạ, có khả năng lây lan nhanh chóng và dễ dàng.

Dịch bệnh tái nổi là những căn bệnh đã từng xuất hiện nhưng đã được kiểm soát hoặc giảm sút, sau đó lại tái phát mạnh mẽ, gây ra nhiều ca bệnh và tử vong.

Nguyên nhân của sự tái phát có thể liên quan đến các yếu tố như sự thay đổi trong điều kiện sống, sự xuất hiện của các chủng vi khuẩn hoặc virus mới, hay sự kháng thuốc của vi sinh vật.

Mối nguy từ dịch bệnh mới nổi và tái nổi theo các chuyên gia, chúng có thể lây lan nhanh và rộng. Theo đó, với sự di chuyển dễ dàng của con người và hàng hóa, dịch bệnh có thể lây lan từ khu vực này sang khu vực khác trong thời gian ngắn.

Các dịch bệnh như Covid-19, Ebola, Zika đã minh chứng cho sự lan truyền nhanh chóng của các mầm bệnh qua biên giới và giữa các quốc gia. Điều này tạo ra những thách thức lớn trong công tác kiểm soát dịch.

Đặc điểm của dịch bệnh mới nổi là sự bất ngờ. Hệ thống y tế toàn cầu thường không kịp thời chuẩn bị và ứng phó với các tình huống khẩn cấp, dẫn đến thiếu hụt về cơ sở vật chất, thuốc men, nhân lực và nguồn lực. Điều này khiến cho công tác kiểm soát dịch bệnh trở nên khó khăn hơn.

Các chủng virus và vi khuẩn mới nổi hoặc tái phát có thể phát triển khả năng kháng thuốc, làm giảm hiệu quả của các phương pháp điều trị truyền thống. Điều này đang trở thành một vấn đề nghiêm trọng trong việc kiểm soát dịch bệnh.

Dịch bệnh không chỉ gây thiệt hại về sức khỏe mà còn gây ra những tác động tiêu cực đến các hoạt động kinh tế - xã hội. Các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội, hạn chế đi lại làm giảm sản lượng kinh tế, tăng tỷ lệ thất nghiệp, và kéo theo khủng hoảng tinh thần cho người dân.

Ngoài ra, các hệ thống chăm sóc sức khỏe phải đối mặt với áp lực lớn trong việc điều trị và ứng phó với số lượng bệnh nhân gia tăng.

Một số dịch bệnh có thể để lại di chứng lâu dài cho người bệnh, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Ví dụ, sau khi phục hồi từ Covid-19, nhiều bệnh nhân vẫn gặp phải các vấn đề về sức khỏe như khó thở, mệt mỏi kéo dài và các bệnh lý liên quan đến thần kinh.

Thực tế cho thấy dịch bệnh mới nổi và tái nổi đang trở thành mối nguy lớn, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn cầu. Theo ông Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, hơn 70% các bệnh mới nổi bắt đầu từ động vật và lây sang người.

Những bệnh này bao gồm HIV, bệnh cúm, sốt xuất huyết, hay mới đây là bệnh đậu mùa khỉ (Mpox) và bệnh than. Các bệnh này có khả năng lây lan nhanh và rất khó kiểm soát nếu không có các biện pháp phòng ngừa kịp thời.

Tại Việt Nam, năm 2024, số ca mắc bệnh cúm mùa gia tăng nhanh chóng với hàng trăm nghìn trường hợp và nhiều ca tử vong. Đặc biệt, các bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, tay chân miệng, và bệnh sởi cũng có dấu hiệu gia tăng. Chính vì vậy, công tác phòng chống dịch bệnh đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.

Để phòng chống dịch bệnh mới nổi và tái nổi các cơ quan y tế và chính phủ cần chú trọng đến công tác giám sát, đặc biệt là đối với các bệnh truyền nhiễm mới nổi và tái nổi. Việc phát hiện và kiểm soát sớm các dấu hiệu dịch bệnh sẽ giúp giảm thiểu sự lây lan và tác động tiêu cực của chúng.

Ông Tâm cho rằng, mỗi cá nhân cần có nhận thức đúng đắn về các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh. Việc thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân như rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang, và tránh tiếp xúc với những người có triệu chứng bệnh sẽ góp phần giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm.

Tiêm chủng vắc-xin phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm mới nổi là một trong những biện pháp phòng ngừa hiệu quả. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, bác sỹ Nguyễn Tuấn Hải, hệ thống tiêm chủng Safpo/Potec cho hay, ngoài công tác tiêm chủng vắc-xin việc nghiên cứu và phát triển các loại thuốc điều trị mới cũng đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống lại các dịch bệnh nguy hiểm này.

Bên cạnh đó, chúng ta cần tăng cường đầu tư vào hệ thống y tế, cung cấp đầy đủ cơ sở vật chất và đào tạo nhân lực để có thể ứng phó kịp thời với các dịch bệnh. Các hệ thống y tế phải sẵn sàng xử lý các tình huống khẩn cấp và điều trị cho một lượng lớn bệnh nhân.

“Dịch bệnh không chỉ ảnh hưởng đến thể chất mà còn tác động nghiêm trọng đến tâm lý của người dân. Các chương trình hỗ trợ tâm lý cộng đồng, giúp mọi người vượt qua khủng hoảng và lo âu trong thời kỳ dịch bệnh cũng rất cần thiết”, bác sỹ Tuấn Hải nêu.

Tin liên quan
Tin khác