Nhu cầu đầu tư khu công nghiệp đang rất lớn nhằm tận dụng cơ hội từ sự chuyển dịch đầu tư trong khu vực. Ảnh: Lê Toàn |
Gỡ vướng về mặt bằng
Các vướng mắc về mặt bằng cho đầu tư, sản xuất - kinh doanh sẽ sớm được tháo gỡ, khi Nghị định thay thế Nghị định 82/2018/NĐ-CP uy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế được Chính phủ ban hành. Hiện tại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng và lấy ý kiến rộng rãi về Dự thảo Nghị định để trình Chính phủ thông qua.
Nhiều điểm mới trong Dự thảo Nghị định chắc chắn sẽ khiến không chỉ các nhà đầu tư, mà cả các địa phương hồ hởi. Một trong số đó là Dự thảo Nghị định đã quy định rằng, sẽ không áp dụng điều kiện về tỷ lệ lấp đầy (60%) đối với các trường hợp mà tổng diện tích đất tự nhiên của các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương dưới 1.000 ha.
Các trường hợp khác được áp dụng với điều khoản này, là các khu công nghiệp trước đó đã có dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhưng bị chấm dứt hoạt động và giao cho nhà đầu tư mới; dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp hoạt động theo các mô hình khu công nghiệp sinh thái, hỗ trợ, chuyên sâu; nhà đầu tư cam kết dành tối thiểu 30% diện tích đất công nghiệp trong khu công nghiệp để cho dự án đầu tư có công nghệ cao, dự án công nghiệp hỗ trợ, dự án đổi mới sáng tạo và các dự án ưu tiên thu hút đầu tư.
Cũng cần phải nhắc lại rằng, đây là một trong những vướng mắc được các địa phương “kêu” nhiều nhất trong thời gian qua. Khi Việt Nam trở thành một trung tâm thu hút đầu tư của khu vực Đông Nam Á, thì việc chuẩn bị sẵn mặt bằng để đón đầu cơ hội là tất yếu. Chính Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng đã nhiều lần khẳng định, phải chuẩn bị sẵn mặt bằng sạch để đón nhà đầu tư tới.
Hiềm một nỗi, theo quy định hiện tại, chỉ địa phương nào có tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp 60% thì mới được thành lập khu công nghiệp mới. Quy định này được cho là “làm khó” với không ít địa phương, vốn đang trở thành “điểm nóng” thu hút đầu tư.
Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã nhiều lần nhấn mạnh điều này. Theo ông Thanh, do tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp của tỉnh hiện chưa tới 60%, nên nhiều nhà đầu tư nước ngoài rất muốn đầu tư hạ tầng khu công nghiệp tại tỉnh mà không được.
“Việt Nam đang muốn thu hút dòng vốn đầu tư đang dịch chuyển, thì cần có cơ chế để thu hút đầu tư vào hạ tầng khu công nghiệp”, ông Thanh nói.
Không chỉ là gỡ vướng cho nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, Dự thảo Nghị định cũng đã bổ sung một điều khoản quan trọng để gỡ cả khó khăn cho nhà đầu tư thứ cấp. Theo đó, Dự thảo Nghị định quy định rằng, trong trường hợp giá thuê đất trong khu công nghiệp tăng trên 30% so với khung giá đất cho thuê lại đã đăng ký, thì chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp phải đăng ký lại với Ban quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế. Cùng với đó, theo yêu cầu của nhà đầu tư thứ cấp, thì Ban quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế tổ chức hiệp thương về giá theo quy định của pháp luật về giá.
Điều này được kỳ vọng góp phần “kiềm chế” được cơn sốt tăng giá thuê đất trong các khu công nghiệp trong thời gian qua, khiến ảnh hưởng không nhỏ tới việc thu hút đầu tư của Việt Nam. Hơn thế, Dự thảo Nghị định cũng đã quy định rằng, các khu công nghiệp phải đảm bảo dành tối thiểu 5% tổng diện tích đất công nghiệp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, các doanh nghiệp khác thuộc diện được ưu tiên, hỗ trợ về mặt bằng sản xuất - kinh doanh theo quy định của pháp luật thuê đất, thuê lại đất.
Thêm ưu đãi “khủng” để đón đại bàng
Các quy định về ưu đãi đầu tư đối với các dự án thuộc ngành nghề đặc biệt trong khu kinh tế hoặc dự án đầu tư thuộc diện được áp dụng hỗ trợ, ưu đãi đầu tư đặc biệt theo quy định của pháp luật về đầu tư thực hiện trong khu công nghiệp cũng đã được bổ sung trong Dự thảo Nghị định.
Nhưng còn hơn thế, để thu hút đầu tư, đặc biệt là đối với “đại bàng”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về ưu đãi đầu tư đặc biệt. Liên tục thời gian gần đây, các cuộc họp bàn về nội dung này đã được tổ chức. Dự thảo Quyết định cũng đã được gửi đi lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, bao gồm cả Bộ Tư pháp.
- Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam
“Đây là một trong những chính sách rất quan trọng của Việt Nam”, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cho biết như vậy.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc, Dự thảo Quyết định chính là việc thể chế hóa một số quy định của Luật Đầu tư và Nghị định số 31/2021/NĐ-CP của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.
“Thời gian qua đã phát sinh một số vấn đề liên quan đến các dự án đặc biệt mà Việt Nam mong muốn kêu gọi đầu tư. Chúng ta chưa có một quy định cụ thể nào để Thủ tướng Chính phủ có thể đàm phán trực tiếp với nhà đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, một số nước trong khu vực, đặc biệt là các nước đang cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam, đều đã có những quy định cụ thể về vấn đề này”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc nói.
Dự thảo Quyết định vẫn đang trong quá trình thảo luận, điều chỉnh và hoàn thiện. Tuy nhiên, theo dự thảo được đưa ra lấy ý kiến Bộ Tư pháp cách đây chưa lâu, thì có thể, các “đại bàng” sẽ được hưởng các mức ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp là 9%, 7% và 5%, tùy thuộc vào việc đáp ứng các tiêu chí và điều kiện được đưa ra tại Dự thảo Quyết định. Thời hạn áp dụng thuế suất này, cũng như thời hạn được hưởng chính sách miễn, giảm thuế cũng sẽ tùy thuộc vào từng dự án.
Thông tin cho biết, các tiêu chí, điều kiện áp dụng các ưu đãi đặc biệt này đang tiếp tục được xây dựng, hoàn thiện. Vì là ưu đãi đặc biệt, nên cũng sẽ chỉ áp dụng với các dự án đặc biệt, các dự án công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu…
Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.
Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!