Theo số liệu của trang mạng worldometers.info, tính 21 giờ ngày 30/4 (giờ Việt Nam), COVID-19 đã lây lan tới 210 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với 3.245.791 ca nhiễm, 229.220 ca tử vong và 1.016.446 người đã được điều trị khỏi bệnh.
Mỹ vẫn là quốc gia đứng đầu về số ca tử vong với hơn 61.715 ca, tiếp đến là Italy với hơn 27.682 ca và Anh với hơn 26.097 ca. Hai quốc gia tiếp theo cũng là các nước châu Âu, gồm Tây Ban Nha (hơn 24.543 ca) và Pháp (24.087 ca).
Hiện vẫn còn có 54.909 trường hợp bệnh nhân COVID-19 đang trong tình trạng bệnh nặng và nguy kịch.
Tình hình châu Á: Tajikistan thông báo các ca mắc COVID-19 đầu tiên
Ngày 30/4, Bộ Chăm sóc sức khỏe của Tajikistan thông báo nước này đã ghi nhận 15 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đầu tiên.
Theo bộ trên, trong tổng số 15 ca nhiễm tại quốc gia Trung Á này, có 5 ca tại thủ đô Dushanbe và 10 ca tại tỉnh Sughd giáp biên giới Uzbekistan và Kyrgyzstan.
Như vậy, dịch bệnh hiện đã xuất hiện và lây lan tại 211 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.
Tại Trung Quốc, thủ đô Bắc Kinh ngày 29/4 đã không ghi nhận thêm bất kỳ ca nhiễm mới nào trong 14 ngày liên tiếp.
Trong ngày 29/4, Bắc Kinh cũng không ghi nhận thêm bất kỳ ca nghi nhiễm hay những ca mắc COVID-19 nào mà không có biểu hiện. Quận Triều Dương, vốn được xem là khu vực có nguy cơ cao do các ổ dịch COVID-19, nay đã được giảm xuống còn nguy cơ thấp.
Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến tích cực, kể từ ngày 30/4, Bắc Kinh đã giảm ứng phó khẩn cấp đối với dịch COVID-19 từ mức cao nhất xuống mức cao thứ hai.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi ngày 30/4 cho biết chính quyền nước này đã ghi nhận 563 người nước ngoài nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó gần 100 người đang được điều trị tại các bệnh viện.
Phát biểu họp báo trực tuyến, bà Retno cho hay hiện có 98 người nước ngoài đang điều trị COVID-19 tại các bệnh viện địa phương, trong khi 306 người khác đang được cách ly. Ngoài ra, có 15 người nước ngoài tử vong và 144 người được chữa khỏi.
Theo bà Retno, Bộ Ngoại giao Indonesia thường xuyên liên lạc với các đại sứ quán liên quan ở Jakarta nhằm cập nhật thông tin liên quan đến trường hợp các công dân nước ngoài nhiễm COVID-19, và việc bảo vệ các công dân nước ngoài là “trọng tâm” trong chính sách đối ngoại của Indonesia.
Còn tại Việt Nam, đã trải qua hai tuần, Việt Nam không ghi nhận ca lây nhiễm trong cộng đồng, chưa có trường hợp nào tử vong.
Trong số 270 bệnh nhân, Việt Nam đã chữa khỏi 219 trường hợp (chiếm tỷ lệ 81%).
Tình hình Trung Đông: Iran kêu gọi người dân không nên chủ quan
Ngày 30/4, Bộ Y tế Iran thông báo nước này đã ghi nhận thêm 71 ca tử vong do virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nâng tổng số ca tử vong tại nước Cộng hòa Hồi giáo này lên 6.028 ca.
Người phát ngôn Bộ Y tế Iran Kianoush Jahanpour cho biết cũng trong 24 giờ qua, nước này đã xác nhận thêm 983 ca nhiễm, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 94.640 ca. Trong số những người đang điều trị, có 2.976 người đang trong tình trạng nguy kịch. Hơn 75.100 người đã phục hồi và xuất viện.
Bộ trưởng Y tế Saeed Namaki nhấn mạnh dù Iran đã đạt được kết quả tốt trong việc kiểm soát dịch COVID-19 khi số ca tử vong hàng ngày giảm xuống mức hai con số và số người nhập viện giảm xuống mức thấp nhất, song điều này không đồng nghĩa rằng dịch bệnh đã chấm dứt.
Ông kêu gọi người dân cần chuẩn bị cho xu hướng COVID-19 bùng phát trở lại và dịch cúm trong mùa Thu và mùa Đông tới.
Trong khi đó, tại Israel, người dân bắt buộc phải cài đặt ứng dụng theo dõi COVID-19 mới được vào các trung tâm mua sắm và chợ.
Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, Tổng vụ trưởng Bộ Y tế Israel Moshe Bar Siman Tov cho biết các trung tâm mua sắm và các khu chợ sẽ chỉ được mở cửa trở lại sau khi các cơ quan chức năng triển khai hệ thống theo dõi giám sát tất cả khách hàng ra vào khu vực này.
Ông Bar Siman Tov cho biết người mua hàng sẽ phải quét mã trước khi vào trung tâm mua sắm hoặc chợ, qua đó cho phép theo dõi việc di chuyển của họ thông qua ứng dụng đã cài đặt trên điện thoại.
Ứng dụng sẽ thông báo cho cơ quan chức năng biết ai đã đến các trung tâm mua sắm hay chợ, họ đã đi tới đâu và đã ở gần ai. Việc nắm rõ những thông tin này sẽ giúp cơ quan chức năng thực hiện việc cách ly từng cá nhân, thay vì một nhóm người.
Ngoài ra, Israel cũng quy định người dân phải đeo khẩu trang, hạn chế số lượng người vào các trung tâm thương mại cùng thời điểm và đo thân nhiệt của khách hàng trước khi vào các địa điểm này.
Tình hình châu Âu: Số ca mắc COVID-19 ở Hà Lan vượt quá 39.000 người
Viện Y tế Cộng đồng (RIVM) của Hà Lan ngày 30/4 cho biết nước này đã ghi nhận thêm 514 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số ca mắc bệnh trên cả nước lên thành 39.316 người.
RIVM cũng xác nhận 84 ca tử vong mới do mắc COVID-19, nâng tổng số trường hợp tử vong trên toàn quốc lên thành 4.795 người.
Viện này lưu ý rằng số ca nhiễm bệnh trên thực tế có thể còn cao hơn.
Tại Đức, Hội đồng Giám sát Công ty sân bay Berlin-Brandenburg (FBB) ngày 29/4 đã nhất trí kiến nghị tạm ngừng hoạt động trong 2 tháng kể từ ngày 1/6 tại sân bay Tegel ở Berlin do hậu quả của dịch bệnh COVID-19.
Hoạt động hàng không ở Berlin sẽ tập trung sang sân bay Schönefeld vốn không có lệnh cấm bay đêm như ở Tegel.
Việc đề nghị tạm đóng cửa sân bay Tegel là để ứng phó với sự sụt giảm mạnh về lượng hành khách do khủng hoảng COVID-19 và để tiết kiệm chi phí cho FBB.
Theo nhiều nguồn tin, Bộ Giao thông Đức đã "bật đèn xanh" cho việc tạm đóng cửa sân bay Tegel, song FBB vẫn cần xin thêm ý kiến của các cổ đông là Chính phủ liên bang (26%) và hai bang Berlin, Brandenburg (37% mỗi bang). Hầu hết các ý kiến cho đến nay đều ủng hộ việc tạm đóng cửa sân bay này./.