Theo Tổng cục Quản lý thị trường, mặc dù diễn biến của dịch bệnh COVID-19 đang phức tạp nhưng đa số các cơ sở kinh doanh cơ bản đã chấp hành nghiêm việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết.
Các siêu thị, cửa hàng tiện ích tăng lượng dự trữ hàng hóa nên nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm tương đối đầy đủ.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, các chợ, siêu thị, cửa hàng kinh doanh dịch vụ, hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu vẫn duy trì hoạt động bình thường để đáp ứng nhu cầu mua sắm và tiêu dùng của người dân thành phố.
Người dân hạn chế đến các điểm bán tập trung để giảm rủi ro lây nhiễm dịch COVID-19 theo tinh thần khuyến cáo của Bộ Y tế và được khuyến cáo nên tích cực mua hàng trực tuyến, giao hàng tại nhà.
Đối với nguồn cung hàng hóa, Saigon Co.op cho biết sẽ đảm bảo nguồn cung ứng thực phẩm cho người tiêu dùng từ 3 đến 6 tháng.
Đồng thời, Saigon Co.op cũng theo dõi sát tình hình diễn biến dịch COVID-19 tại các tỉnh, thành phố để phối hợp với các nhà cung cấp, kho trung tâm Saigon Co.op, siêu thị trong khu vực chuyển hàng hóa về kịp thời.
Về giá bán, Saigon Co.op không tăng giá với phần lớn sản phẩm, thậm chí đơn vị còn tổ chức rất nhiều chương trình giảm giá, khuyến mại cho người dân.
Ngoài ra, Công ty kỹ nghệ thực phẩm Vissan cũng cho biết lượng hàng tồn kho đủ cung cấp khoảng 39% nhu cầu thị trường thành phố; trong đó năng lực sản xuất của Công ty tối đa khoảng 70 tấn/ngày đối với mặt hàng thực phẩm tươi sống và 128 tấn/ngày đối với mặt hàng thực phẩm chế biến.
Nhìn chung các mặt hàng lương thực, thực phẩm trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh không khan hiếm, hàng hóa dồi dào đủ đáp ứng nhu cầu của người dân.
Tại Long An, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 về thực hiện các biện pháp cấp bách, phòng chống dịch COVID-19 có hiện tượng một số người dân mua sắm thực phẩm, nhu yếu phẩm tích trữ.
Tuy nhiên, các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, các tiểu thương kinh doanh hàng hóa thiết yếu vẫn đảm bảo cung cấp đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu của người dân với giá cả bình ổn.
Tại một số cửa hàng kinh doanh xăng dầu khu vực nông thôn, sau khi giá xăng dầu giảm, người dân mua xăng dầu nhiều hơn để phục vụ mục đích bơm nước vào ruộng để canh tác dẫn đến một số cửa hàng kinh doanh xăng dầu tạm hết hàng nhưng sau đó đã nhập đủ xăng dầu để phục vụ người dân.
Để hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận các điểm bán khẩu trang vải (khẩu trang vải kháng khuẩn, khẩu trang vải kháng khuẩn, kháng giọt bắn, khẩu trang vải thường) để phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Vụ Thị trường trong nước liên tục cập nhật và cung cấp trên cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương thông tin về danh sách các điểm bán khẩu trang vải các loại trên địa bàn một số tỉnh, thành phố trong cả nước.
Trong thời gian tới, Tổng cục Quản lý thị trường sẽ tiếp tục chỉ đạo lực lượng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, gian lận thương mại, đầu cơ găm hàng, gây khan hiếm giả tạo, hàng giả, hàng nhái trên thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu trong phòng chống dịch như khẩu trang, nước rửa tay khô, vật tư y tế.
Thống kê cho thấy, trong ngày 3/4 lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra, giám sát 48 vụ, xử lý 9 vụ với số tiền xử phạt 74,8 triệu đồng.
Theo đó, lũy kế từ ngày 31/1 đến ngày 3/4, lực lượng kiểm tra, giám sát, xử lý 7.574 vụ với số tiền xử phạt vi phạm hành chính lên tới 3,17 tỷ đồng.
Điển hình vừa qua các Đội Quản lý thị trường thuộc Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội đã kết thúc xử lý 8 vụ việc, phạt tiền hơn 74,7 triệu đồng.
Trong thời gian tới, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội tiếp tục chỉ đạo các phòng, Đội Quản lý thị trường tập trung thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý vi phạm trong hoạt động thương mại, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn thành phố; triển khai 100% quân số phối hợp với Sở Công Thương Hà Nội, ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã thực hiện kiểm tra, kiểm soát tại các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, hệ thống cửa hàng tiện ích.
Cụ thể, lực lượng sẽ tập trung kiểm soát giá các mặt hàng nhu yếu phẩm như gạo, mỳ gói, dầu ăn…;xử lý nghiêm theo quy định pháp luật các trường hợp vi phạm đầu cơ, găm hàng, tăng giá, định giá mua, bán bất hợp lý các mặt hàng y tế, lương thực, thực phẩm, lợi dụng tình hình dịch bệnh để trà trộn, lưu thông hàng giả, hàng hóa vi phạm an toàn thực phẩm, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng.
Bên cạnh đó, tuyên truyền để người dân không hoang mang, ảnh hưởng tâm lý tiêu dùng, an ninh, trật tự an toàn xã hội./.