Bà Nguyễn Thị Xuân, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hưng Yên cho biết, Ngân hàng đang triển khai thực hiện 10 chương trình tín dụng ưu đãi với tổng dư nợ hơn 2.488 tỷ đồng/81.787 hộ còn dư nợ, tăng gấp 14,8 lần so với khi mới thành lập, với tốc độ tăng trưởng bình quân 20,9%/năm.
Buổi làm việc với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hưng Yên. Ảnh: Việt Hải |
Quan trọng hơn, từ nguồn vốn tín dụng chính sách, toàn tỉnh đã có 712.848 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn, qua đó thu hút và tạo việc làm cho trên 21.000 lao động; có 2.455 lượt hộ vay vốn đi xuất khẩu lao động; trên 56.000 lượt học sinh - sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn trang trải chi phí học tập; hỗ trợ xây dựng, cải tạo 340.743 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 2.925 ngôi nhà ở cho hộ nghèo...
Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên, ông Nguyễn Văn Phóng nhận định, tín dụng chính sách được Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hưng Yên triển khai thực hiện bài bản, hiệu quả, thể hiện bằng chất lượng tín dụng được duy trì đảm bảo, người dân có ý thức trả nợ, lãi đúng hạn; nợ quá hạn chiếm tỷ lệ thấp so với các đơn vị trong toàn hệ thống. Tín dụng chính sách đã đóng góp không nhỏ vào việc hoàn thành và vượt các chỉ tiêu về kinh tế, văn hóa, xã hội do Trung ương giao cho Hưng Yên trong 3 năm qua. Trong đó, năm 2018, GDP của tỉnh tăng trưởng tới 9,64%, thu ngân sách đạt 13.000 tỷ đồng...
Tương tự, ông Đỗ Tiến Sỹ, Bí thư Tỉnh ủy cũng đánh giá cao sự nỗ lực của cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hưng Yên trong việc truyền tải kịp thời nguồn vốn chính sách đến với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. “Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hưng Yên sẽ tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi để Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh hoạt động hiệu quả, trong đó ưu tiên nguồn lực từ ngân sách địa phương chuyển sang Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh theo Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng”, ông Đỗ Tiến Sỹ nói.
Ông Đỗ Tiến Sỹ cho biết thêm, thời gian tới, tỉnh Hưng Yên sẽ quan tâm bố trí ngân sách địa phương 100 - 120 tỷ đồng để ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh nhằm cho vay ưu đãi hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn.
Trước những khó khăn về nhà ở cho các hộ nghèo trên địa bàn, lãnh đạo UBND tỉnh Hưng Yên và các sở, ngành đề xuất nguồn vốn hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở. Cụ thể, đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội bổ sung nguồn vốn cho vay để Hưng Yên hoàn thành ngay trong năm 2018. Đồng thời, đề xuất thêm nguồn vốn để tỉnh tập trung cho vay xây dựng công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường, bởi đây là chương trình gắn liền với chất lượng cuộc sống của người dân.
Đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội, Tổng giám đốc Dương Quyết Thắng cam kết, thời gian tới, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam sẽ đảm bảo đầy đủ nguồn vốn cho tất cả các đối tượng là hộ nghèo, hộ chính sách trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có nhu cầu vay vốn.
Về ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay theo Chỉ thị 40/CT-TW của Ban bí thư Trung ương Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, ông Dương Quyết Thắng cho biết, thông qua nguồn vốn đó, trong cả nước nói chung và Hưng Yên nói riêng, đã xuất hiện nhiều mô hình giảm nghèo hay, cách làm giỏi, tạo ra nhiều việc làm cho lao động trên địa bàn.
“Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hưng Yên lập ngay đề án cụ thể cho từng đối tượng về giải quyết việc làm. Chẳng hạn, những trường hợp thu hồi đất cần phải giải quyết về vốn để người dân có phương thức làm ăn mới, nhằm giải quyết việc làm, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam sẽ bố trí đủ nguồn vốn để cho vay đối tượng chuẩn Trung ương quy định”, ông Dương Quyết Thắng đề nghị.