Ngân hàng - Bảo hiểm
Tín dụng chính sách: Công cụ hỗ trợ trực tiếp giảm nghèo
H.A - 19/10/2018 20:47
Với những cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội tham dự Hội nghị Biểu dương huyện, xã, hộ gia đình vươn lên thoát nghèo giai đoạn 2016 - 2020 vừa diễn ra tại Hà Nội, niềm vui trực trào khi 30 hộ thoát nghèo được biểu dương đều có sự góp sức trực diện từ vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội.

30 hộ nghèo được biểu dương nêu trên là 30 hoàn cảnh khác nhau của người nghèo tưởng như không dễ hóa giải trong nhiều năm, chứ chưa nói đến 2,5 năm. Nhưng cùng với ý chí vươn lên của người nghèo, với hệ thống các chính sách giảm nghèo thường xuyên như hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sạch, vệ sinh, tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo…, họ được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội, từng bước cải thiện, ổn định cuộc sống.

Với gia đình chị Đinh Thị Lệ Vui (ở thôn 1, xã Trà Mai, huyện Nam Trà My, Quảng Nam), từ năm 2015, khi được tiếp cận nguồn vốn tín dụng 50 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội, kinh tế huyển sang trang mới. Chị đầu tư mua 10 con heo, 2 con bò và 100 con gà, sửa chữa chuồng trại nuôi tập trung. Trên 2,5 ha đất vườn và đất trồng cây lâu năm, gia đình chị chuyển sang trồng keo lai và quế Trà My.

Nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo nhờ sự góp sức trực diện từ vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Ngay năm 2016, trừ các khoản chi phí, gia đình chị Vui thu ròng 100 triệu đồng và năm 2017 nâng lên 150 triệu đồng. Có nguồn lực kinh tế, anh chị đã thực hiện được ước mơ cho con trai đi học đại học tại Đà Nẵng và nhận được sự hỗ trợ của chính con trai trong việc tiếp cận công nghệ thông tin và Internet để phục vụ sản xuất - kinh doanh. 

Có thể thấy, những lực đẩy mới cho công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020 đã được tạo lập. Đó là việc Ngân hàng Chính sách xã hội chủ động đề xuất, kiến nghị các bộ, ngành và chính quyền các địa phương tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ cho phép bổ sung Chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban đại diện HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội cấp huyện, góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách tại cơ sở.

Đó cũng là việc vận động các nguồn lực xã hội cho công tác giảm nghèo với việc triển khai sâu rộng, có hiệu quả sản phẩm tiết kiệm nhận tiền gửi từ dân cư người nghèo, nhằm tạo thói quen tích lũy và hỗ trợ người nghèo từng bước tiếp cận với dịch vụ ngân hàng...

Cơ cấu nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã chuyển biến theo hướng tăng nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huy động được ngân sách nhà nước cấp bù lãi suất và nguồn lực tại địa phương, giảm dần nguồn vốn cấp trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho các chương trình, thể hiện rõ chủ trương “đa dạng hóa nguồn lực” với phương châm “Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân cùng làm”. 

Tính đến ngày 30/9/2018, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt 195.970 tỷ đồng, tăng 51.315 tỷ đồng (tương đương tăng 35,5%) so với đầu năm 2016. Trong đó, vốn địa phương ủy thác đạt 11.364 tỷ đồng, tăng trưởng ấn tượng với mức tăng 6.469 tỷ đồng so với đầu năm 2016.

Tuy nhiên, theo Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, công tác giảm nghèo cũng còn có những hạn chế, kết quả giảm nghèo chưa thực sự mang tính bền vững, tỷ lệ tái nghèo còn cao. Ngoài ra, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc nhiều nơi vẫn còn trên 50%, có nơi còn đến 70%. 

Để tiếp tục đóng góp tích cực vào công cuộc giảm nghèo, bên cạnh việc bố trí nguồn lực và tổ chức triển khai tốt các chương trình tín dụng chính sách xã hội đã ban hành, Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ chủ động báo cáo và làm việc với các bộ, ngành liên quan trình Thủ tướng Chính phủ bố trí kế hoạch vốn ngân sách nhà nước để cấp vốn cho vay các chương trình tín dụng chính sách, cấp vốn điều lệ cho Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định. 

Ngoài ra, tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội và Quyết định số 401/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, ứng dụng mạnh hơn công nghệ vào hoạt động để đơn giản thủ tục theo quy định, duy trì và nâng cao chất lượng tín dụng nhằm phục vụ tốt hơn nữa người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Tin liên quan
Tin khác