Ngân hàng - Bảo hiểm
Tín dụng chính sách giúp nâng cao vị thế người phụ nữ
Hà An - 24/10/2018 15:36
Hoạt động cung cấp tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội không chỉ đáp ứng nhu cầu tài chính của phụ nữ nghèo, mà còn nâng cao năng lực và địa vị xã hội của họ, góp phần vào sự tiến bộ của phụ nữ nông thôn.

Hiện nay, phụ nữ Việt Nam đóng góp rất quan trọng vào quá trình phát triển của đất nước, thể hiện ở tỷ trọng lớn trong lực lượng lao động. Với hơn 50% dân số và gần 50% lực lượng lao động xã hội, ngày càng nhiều phụ nữ tham gia vào hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội. 

Phụ nữ là lực lượng lao động chủ chốt trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Đức Thanh

Theo báo cáo năm 2016 của Tổng cục Thống kê, lực lượng lao động nữ của cả nước hiện có 26,2 triệu người, trong đó khoảng 44% làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Ở nông thôn, tỷ lệ phụ nữ làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp lên tới 63,4%, so với 57,5% của nam giới. Như vậy, phụ nữ là lực lượng lao động quan trọng và chủ chốt trong sản xuất nông nghiệp. 

Theo báo cáo trên, tỷ lệ lao động nữ trong khu vực phi chính thức khá cao, chủ yếu tập trung ở khu vực nông thôn. Có tới 62,4% lao động nữ làm việc trong gia đình không hưởng lương và tự làm; 41,1% lao động nữ làm những công việc giản đơn. 

Thực tế cũng cho thấy, tín dụng chính sách xã hội được đánh giá là phù hợp với khả năng và nhu cầu của người nghèo/người có thu nhập thấp. Bên cạnh việc cung cấp các dịch vụ tài chính cho đối tượng nghèo và thu nhập thấp, Ngân hàng Chính sách xã hội còn phối hợp với các hội, đoàn thể và các cơ quan khuyến nông để tư vấn, đào tạo cho người nghèo, đặc biệt là phụ nữ nghèo có đủ năng lực khởi nghiệp kinh doanh, để họ vươn lên làm chủ hoàn cảnh, cải thiện cuộc sống, thoát khỏi cảnh nghèo một cách bền vững. 

Là tổ chức có số vốn nhận ủy thác lớn nhất của Ngân hàng Chính sách xã hội trong số các tổ chức hội, đoàn thể, thời gian qua, Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã tạo điều kiện, hỗ trợ phụ nữ, nhất là phụ nữ nghèo, có cơ hội tiếp cận trực tiếp nguồn vốn vay, giúp chị em phát huy được tính tự chủ trong phát triển kinh tế, góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 

Đến nay, Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đang quản lý 68.991 tổ tiết kiệm và vay vốn, với tổng dư nợ đạt trên 72.000 tỷ đồng, cho trên 2,6 triệu hộ vay vốn. Trong đó, cho vay hộ nghèo hơn 13.500 tỷ đồng; hộ cận nghèo trên 11.700 tỷ đồng; hộ thoát nghèo trên 12.000 tỷ đồng; học sinh, sinh viên thông qua hộ gia đình hơn 5.200 tỷ đồng.

Trong 16 năm qua triển khai thực hiện (từ năm 2002 đến nay), Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện đúng quy trình cho vay hộ nghèo. Việc sinh hoạt tổ tiết kiệm và vay vốn đã được các cấp Hội duy trì thường xuyên với nội dung phù hợp và thiết thực. Tại các buổi sinh hoạt tổ, chị em vay vốn đã được tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước và cùng nhau trao đổi những kinh nghiệm sản xuất và hướng dẫn cách sử dụng vốn vay vào làm ăn, cách xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; góp phần hạn chế những nguyên nhân phổ biến của các hộ nghèo như sinh nhiều con, không biết cách tính toán làm ăn…

Thông qua sinh hoạt tổ, chị em hội viên đã có dịp hiểu và chia sẻ và gắn bó với nhau, từ đó góp phần tập hợp ngày càng nhiều phụ nữ tham gia. Kết quả, 100% tổ tiết kiệm và vay vốn do Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam quản lý thực hiện đúng hợp đồng ủy nhiệm với Ngân hàng Chính sách xã hội, như đôn đốc thành viên trả nợ gốc theo hợp đồng, thỏa thuận. Chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội của các tổ tiết kiệm và vay vốn do tổ chức Hội Phụ nữ quản lý ngày càng đi vào nề nếp và phát huy hiệu quả trong quản lý và sử dụng vốn vay. 

Tín dụng chính sách xã hội đã và đang cung cấp ngày càng nhiều sản phẩm, dịch vụ tài chính và phi tài chính cho người nghèo, đặc biệt là phụ nữ yếu thế để họ trở thành trụ cột kinh tế gia đình, từ đó thêm tiếng nói và vị thế trong gia đình và xã hội. Tín dụng chính sách xã hội giúp họ tăng thêm thu nhập, tạo lập hoạt động kinh doanh bền vững và giảm khả năng bị tổn thương trước các cú sốc từ bên ngoài. Hầu hết những người phụ nữ này không chỉ vươn lên thoát nghèo, ổn định đời sống, mà còn tạo được hiệu ứng tích cực tới cộng đồng, như tạo thêm việc làm hay đào tạo nghề giúp các chị em phụ nữ khác tại địa phương có cơ hội phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.

Tin liên quan
Tin khác