Y tế - Sức khỏe
Dịch sốt xuất huyết hoành hành tại Hà Nội
Dương Ngân - 29/08/2023 14:20
Hà Nội đang là điểm nóng của dịch sốt xuất huyết khi số ca mắc tăng tới gần 4 lần so với cùng kỳ năm trước.

Nhiều ổ dịch bùng phát

Thống kê của ngành y tế Hà Nội cho thấy, tuần qua, Hà Nội tiếp tục ghi nhận thêm gần 1.000 ca mắc sốt xuất huyết và 71 ổ dịch mới tại 20 quận, huyện. Cộng dồn từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội có hơn 4.500 ca mắc sốt xuất huyết, trong khi cùng kỳ năm 2022 chỉ có 1.270 ca.

Số liệu cũng cho thấy, số ca mắc và ổ dịch tập trung nhiều nhất ở những vùng ven, huyện ngoại thành, trong khi những năm trước, sốt xuất huyết tập trung đông ở khu vực nội thành.

Các chuyên gia y tế cho biết, thông thường, số ca sốt xuất huyết sẽ tăng mạnh vào tháng 10 và 11, nhưng năm nay đã bắt đầu gia tăng từ tháng 6. Đây là điều bất thường, dự kiến đỉnh dịch sẽ đến sớm hơn, rơi vào tháng 9, tháng 10.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội) cho biết, những nơi có Chỉ số BI (Chỉ số Bọ gậy) từ 20 trở lên được xếp vào vùng nguy cơ cao bùng phát dịch. Kết quả kiểm tra một số ổ dịch trong tuần qua ghi nhận Chỉ số BI vượt ngưỡng nguy cơ như thôn Vĩnh Ninh (xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì), phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy).

Năm 2022, tháng 8 dịch mới gia tăng, nhưng năm nay, ngay từ tháng 7, dịch đã gia tăng, sớm hơn 1 tháng. Trong 5 năm trở lại đây, Hà Nội ghi nhận trung bình 1.000 ca/năm. Năm nay, dự báo số ca mắc có thể không dưới 19.000 ca. Nếu không có các biện pháp phòng chống quyết liệt, hiệu quả, thì nguy cơ dịch bệnh còn gia tăng hơn nữa.

 - Bác sĩ Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc CDC Hà Nội

Hiện tại, nơi có diễn biến dịch phức tạp và ca bệnh nhiều nhất của Thủ đô là các huyện Thanh Trì và Thạch Thất. Riêng tại Thạch Thất, 2 xã có ổ dịch phức tạp, kéo dài, ghi nhận nhiều bệnh nhân nhất là xã Phùng Xá (334 bệnh nhân) và xã Hữu Bằng (186 ca mắc).

Điều đáng nói là, năm 2022, ổ dịch sốt xuất huyết tại thôn Bùng (xã Phùng Xá) diễn biến phức tạp và kéo dài nhất của Hà Nội khi tồn tại vài tháng không dập dịch được. Năm nay, ổ dịch này lại bùng phát và trở thành một trong những ổ dịch phức tạp nhất của Thủ đô. Sự chủ quan của người dân và sự vào cuộc không ráo riết của chính quyền cơ sở ngay từ đầu đã dẫn đến tình trạng dịch bùng phát và lây lan nhanh chóng.

Còn trong tuần qua, Hoàng Mai là quận ghi nhận nhiều ổ dịch sốt xuất huyết nhất của Hà Nội với 13 ổ dịch. Đại diện Trạm Y tế phường Vĩnh Hưng cho hay, từ đầu năm tới nay, trên địa bàn ghi nhận 3 ổ dịch sốt xuất huyết với 14 ca bệnh, trong đó có nhiều ca là sinh viên thuê trọ. Phường đã tổ chức 3 lần diệt bọ gậy, vệ sinh môi trường, phun hóa chất diệt muỗi ở 3 ổ dịch.

Thừa nhận những khó khăn trong công tác phòng chống dịch, ông Vũ Cao Cương, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho hay, qua kết quả kiểm tra, giám sát công tác xử lý ổ dịch tại xã Phùng Xá cho thấy, ổ dịch không được xử lý triệt để ngay từ ban đầu do thiếu lực lượng tham gia diệt bọ gậy. Thêm vào đó, kỹ năng diệt bọ gây của đội xung kích chưa tốt, để sót nhiều ổ bọ gậy; ý thức người dân chưa cao, không quan tâm đến các hoạt động phòng chống dịch. Sau đó, ổ dịch này đã lây lan sang xã Hữu Bằng là xã tiếp giáp với Phùng Xá.

Còn ổ dịch tại thôn Vĩnh Ninh (xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì), ghi nhận 217 bệnh nhân, Sở Y tế Hà Nội cho biết, ổ dịch này cũng không được xử lý triệt để ngay từ đầu. Kết quả kiểm tra của CDC Hà Nội đều ghi nhận Chỉ số BI cao vượt ngưỡng nguy cơ.

Trên bình diện chung, nguyên nhân bùng phát các ổ dịch phức tạp, theo đánh giá của lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, do một số nơi còn lơ là trong phòng chống. Nhiều địa phương cho biết, trước đây, hóa chất diệt muỗi do CDC Hà Nội cung ứng, nay đã chuyển về các quận, huyện đấu thầu mua sắm. Vì vậy, còn gặp khó khăn trong công tác đấu thầu mua hóa chất.

Nhiều nơi thiếu nhân lực cho phòng chống dịch, ý thức người dân chưa cao.

Sốt xuất huyết gây biến chứng nặng

Những ai đã mắc phải sốt xuất huyết đều cảm thấy sởn gai ốc trước căn bệnh này, bởi nó gây tác hại lớn tới sức khỏe. Có người mắc bệnh, do chủ quan, đã dẫn tới hậu quả lớn.

Chẳng hạn, một người đàn ông 40 tuổi ở Hà Nội bị sốt cao, đau đầu dữ dội do sốt xuất huyết, song tự mua thuốc điều trị tại nhà, khi nhập viện đã tràn dịch màng phổi, thoát huyết tương, đe dọa tính mạng.

Bệnh nhân trên nhập viện khi các triệu chứng sốt, đau đầu không thuyên giảm, dù tự uống thuốc 4 ngày, kèm chảy máu cam. Anh cho biết, khu vực gia đình sinh sống hiện là một trong những ổ dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp tại Hà Nội.

Kết quả kiểm tra cho thấy, bệnh nhân bị tràn dịch màng phổi, tràn dịch ổ bụng và thoát huyết tương do sốt xuất huyết Dengue. Bác sĩ nhận định, tình trạng rất nguy hiểm, cần nhập viện gấp để truyền máu và theo dõi sát sao.

Các bác sĩ khuyến cáo một số sai lầm khiến sốt xuất huyết trở nặng, như chủ quan không đi khám bệnh, tự ý dùng kháng sinh điều trị, nghĩ hết sốt là khỏi bệnh.

Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu sốt xuất huyết, chủ yếu chữa triệu chứng và theo dõi dấu hiệu cảnh báo. Bệnh nhân cần nhập viện khi có một trong các dấu hiệu như xuất huyết niêm mạc, chảy máu răng, mũi, tiêu hóa; đau bụng vùng gan; nôn nhiều; xét nghiệm tiểu cầu giảm nhanh và máu cô đặc; nước tiểu ít.

Theo thống kê, thời gian vừa qua, những bệnh viện tiếp nhận và điều trị nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết là Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức (hơn 100 ca), Bệnh viện Đa khoa Y học cổ truyền Hà Nội (79 ca), Bệnh viện Thanh Nhàn (68 bệnh nhân). Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) bình quân mỗi ngày tiếp nhận 10-20 ca mắc sốt xuất huyết là người Hà Nội vào nhập viện. Trong số đó, có 5-10% bệnh nhân có biểu hiện nặng.

Tin liên quan
Tin khác