Theo CDC Hà Nội, trong 4 tuần gần đây, số bệnh nhân sốt xuất huyết có xu hướng tăng nhanh. Trung bình mỗi tuần ghi nhận 481 trường hợp, tăng 4,3 lần so với trung bình 4 tuần trước đó là 113 trường hợp.
Do vậy, trong tháng 8 và tháng 9, Hà Nội sẽ triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy; phun hóa chất diệt muỗi tại những nơi có nguy cơ cao, có ổ dịch phức tạp.
Ảnh minh hoạ. |
Cục Y tế dự phòng cho biết, theo báo cáo của các địa phương, từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 57.295 trường hợp mắc sốt xuất huyết trong đó có 13 trường hợp tử vong. Số ca mắc và tử vong tuy giảm so với cùng kỳ năm 2022 nhưng có xu hướng gia tăng trong các tuần gần đây.
Hiện nay đang là thời điểm mùa dịch, dự báo số mắc hàng tuần có xu hướng gia tăng trong thời gian tới nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.
Sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do muỗi truyền và virus gây bệnh được gọi là virus sốt xuất huyết (DENV). Muỗi cái truyền bệnh chủ yếu thuộc loài Aedes Aegypti và ở mức độ thấp hơn là loại muỗi Ae. Albopictus. Những con muỗi này cũng mang virus chikungunya, sốt vàng da và Zika.
Sốt xuất huyết có 4 type huyết thanh, bao gồm DENV-1, DENV-2, DENV-3 và DENV-4, cơ thể chỉ có thể xây dựng khả năng miễn dịch đối với chủng mà đã tiếp xúc trước đó, điều đó có nghĩa là chúng ta có thể bị sốt xuất huyết 4 lần, mỗi lần sẽ là một chủng.
Thông thường, sốt xuất huyết gây ra một số triệu chứng giống cúm nhưng mức độ nặng hơn. Chúng ta có thể chăm sóc và điều trị tại nhà, thời gian hồi phục tương đối nhanh. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể trở nên nghiêm trọng.
Trong 4 chủng sốt xuất huyết, các chuyên gia cho rằng chưa thể khẳng định chủng nào nguy hiểm nhất nhưng khả năng type DENV-2 có độc lực cao hơn.
Ngoài sốt, chủng này có thể gây ra hội chứng sốc Dengue hoặc sốt xuất huyết Dengue, tất cả đều là các triệu chứng liên quan đến bệnh sốt xuất huyết nặng, nguy hiểm hơn là chủng này có thể gây tử vong. Sau chủng D2, chủng nguy hiểm tiếp đó là D3, giường như chủng D1 và D4 gây bệnh nhẹ hơn.
Để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, không để dịch bùng phát, lan rộng, hạn chế tối đa số mắc và tử vong, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế yêu cầu sở y tế các tỉnh, thành phố giám sát chặt chẽ tình hình bệnh nhân trên địa bàn, nắm chắc các ổ dịch sốt xuất huyết hiện có và mới phát sinh, xử lý triệt để các ổ dịch ngay khi phát hiện, không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài.
Tổ chức triển khai mạnh mẽ hơn nữa các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng (bọ gậy) phòng, chống sốt xuất huyết trên địa bàn và duy trì hoạt động 1 tuần/lần tại các khu vực có nguy cơ cao, 2 tuần/lần tại các khu vực có chỉ số muỗi, loăng quăng/bọ gậy cao và 1 tháng/lần tại các khu vực còn lại.
Phối hợp chặt chẽ với Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn triển khai các hoạt động tuyên truyền để người dân hưởng ứng tích cực các biện pháp phòng bệnh cho cá nhân và cộng đồng, chủ động tham gia thu dọn vật dụng phế thải chứa nước đọng, nơi bọ gậy, muỗi phát triển, đậy kín nắp và thả cá vào bể, các dụng cụ chứa nước sinh hoạt.
Cục Y tế dự phòng cũng đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, đặc biệt tại các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân, tránh tình trạng bệnh nhân không được tư vấn, cấp cứu, điều trị và chuyển tuyến kịp thời, đồng thời có kế hoạch phân tuyến điều trị, hỗ trợ tuyến dưới, tránh tình trạng quá tải bệnh viện.
Sở Y tế các tỉnh, thành tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết tại các điểm nóng, các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch trên địa bàn, hỗ trợ tuyến dưới trong công tác phòng, chống dịch.
Đồng thời Sở Y tế các tỉnh, thành cũng cần báo cáo UBND tỉnh bố trí, bổ sung kinh phí cho công tác phòng chống sốt xuất huyết để triển khai các hoạt động phòng, chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh.