. |
Khi miếng bánh co hẹp…
FastCA là đơn vị mới nhất vừa được Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC - Bộ Thông tin và Truyền thông) cấp giấy phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số (CA) công cộng. FastCA là doanh nghiệp thứ 16 cung cấp dịch vụ chữ ký số trên thị trường.
Tính đến nay, Việt Nam có hơn 1,4 triệu chứng thư số công cộng và hơn 220.000 chứng thư số chuyên dùng Chính phủ đang hoạt động, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực thuế điện tử, hải quan điện tử và bảo hiểm điện tử. Nếu tính hơn 758.000 doanh nghiệp đang hoạt động vào cuối năm 2019, thì nhu cầu của doanh nghiệp sử dụng chữ ký số không còn nhiều.
Báo cáo mới nhất của NEAC nhận định, các đơn vị cung cấp dịch vụ CA công cộng bị sụt giảm thị phần, mặc dù số lượng chứng thư số cấp liên tục tăng. Có thể nhận thấy, thị trường ngày càng thu hẹp, lượng khách hàng hủy, không gia hạn dịch vụ mà chuyển sang nhà cung cấp khác liên tục xảy ra do cạnh tranh giữa các đơn vị trong phát triển kinh doanh.
Theo ông Phạm Quốc Hoàn, Phó giám đốc NEAC, thị trường dịch vụ CA công cộng hiện gặp một số khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn nhất là việc quản lý chất lượng, bởi hầu hết các doanh nghiệp đều kinh doanh qua hệ thống đại lý. Các đại lý tập trung phát triển số lượng thuê bao dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh.
. |
Việc bị đại lý đòi chiết khấu tới 70- 80% từng được nhiều doanh nghiệp CA bức xúc, vì trước những năm 2015, chi phí chiết khấu chỉ 15-20%. Ông Ngô Tuấn Anh, đại diện BKAV-CA phản ánh, doanh thu khiêm tốn, nhưng phải chiết khấu rất cao cho các đại lý khiến phần còn lại dành cho nhà cung cấp chữ ký số không còn bao nhiêu.
Đó là chưa kể, công tác quản lý cộng tác viên chưa có sự đồng nhất giữa các nhà cung cấp. Nhiều nơi làm đúng quy định, chỉ cho phép cộng tác viên hướng dẫn, giới thiệu dịch vụ, sản phẩm với khách hàng, nhưng không ít nhà cung cấp cho cộng tác viên quyền tự cấp CA tới người dùng.
Giám đốc một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ CA khác cho biết, đơn vị này đang gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh dịch vụ chữ ký số, bởi chi phí đầu tư cao, giá bán dịch vụ sát với chi phí, nên lợi nhuận thấp, dẫn đến khó khăn trong đảm bảo tái đầu tư, nâng cao hệ thống kỹ thuật và chất lượng dịch vụ. Các đơn vị khác cũng đang chịu chi phí hỗ trợ sau khi bán dịch vụ chữ ký số rất lớn.
Theo nghiên cứu của Câu lạc bộ Chữ ký số và Giao dịch điện tử (VCDC), mỗi đơn vị cung cấp dịch vụ CA trên thế giới cấp phát và duy trì hoạt động được khoảng 3,1 triệu thuê bao. Đặc biệt tại Hàn Quốc, mỗi đơn vị cấp phát và duy trì hoạt động cho khoảng 7,4 triệu thuê bao. Còn tại Việt Nam, mỗi đơn vị chỉ đang cung cấp và duy trì hoạt động cho khoảng 100.000 thuê bao.
VCDC cho rằng, hệ lụy của việc mất cân đối thị trường như trên khá rõ ràng: khả năng cung cấp dịch vụ cao hơn nhu cầu khiến việc cạnh tranh quá mức cần thiết, các đơn vị cung cấp dịch vụ CA phải giảm giá, chạy đua để có lợi, mà bỏ qua một số khâu về hồ sơ, giấy tờ, dẫn đến việc lừa đảo mạo danh. Trung bình mỗi tháng, các doanh nghiệp CA nhận được 3.465 phản ánh của khách hàng về việc nhận được email, điện thoại lừa đảo, mạo danh để bán chữ ký số.
“Những ai có nhu cầu đều đã dùng dịch vụ rồi, muốn tăng thêm khách hàng mới là rất khó”, ông Ngô Tuấn Anh kiến nghị cơ quan quản lý có những giải pháp mở rộng thị trường, không chỉ bó hẹp trong doanh nghiệp, tổ chức, mà mở ra cả khách hàng cá nhân sử dụng các dịch vụ như ngân hàng, y tế, bảo hiểm…
Tìm nhóm khách hàng mới
Trong khi đối tượng khách hàng doanh nghiệp đang bão hòa, thì theo NEAC, thị trường chữ ký số cá nhân còn rất khiêm tốn (khoảng 10%). Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là do chưa có ứng dụng sử dụng chữ ký số cho cá nhân, dịch vụ này cũng chưa thể sử dụng trên các thiết bị di động.
Ngoài ra, việc chữ ký số công cộng tại Việt Nam chưa liên thông, xác thực chéo được với hệ thống chứng thực chữ ký số quốc tế và các nền tảng phổ biến gây khó khăn trong giao dịch điện tử giữa doanh nghiệp, cá nhân trong nước với doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài.
Theo ông Lê Anh Dũng, Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước), chi phí cho các giải pháp chữ ký số hiện vẫn khá cao đối với nhu cầu sử dụng của khách hàng cá nhân và là một khoản đầu tư lớn với các ngân hàng. Chứng thư số cá nhân chưa phổ biến, theo đó việc áp dụng hợp đồng điện tử chưa hiệu quả, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển nền tảng số, sản phẩm số; khách hàng vẫn phải ký tươi lên các thỏa thuận, hợp đồng...
“Việc trao đổi văn bản điện tử được ký điện tử bằng chữ ký số còn nhiều bất cập do các đơn vị áp dụng, ứng xử khác nhau với hình thức văn bản này, cụ thể là từ chối, không chấp nhận do điều kiện hạ tầng và quy định nội bộ…”, ông Dũng nói.
Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) vừa kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ cấp phép mới mảng chữ ký số cá nhân do thị trường CA công cộng đã bão hòa. Thị trường CA cho cá nhân giao dịch ngân hàng, chứng khoán, thuế thu nhập cá nhân… vẫn còn bỏ ngỏ, chưa có hành lang pháp lý để thúc đẩy phát triển.