Nhà nước khuyến khích việc sử dụng chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số trong các giao dịch điện tử. |
Gia hạn 1 năm là quá ít, đề nghị nới lên 5 năm
Một trong những quy định được các doanh nghiệp CA cho là bất cập hiện nay, đó là Nghị định 26/2007/NĐ-CP chỉ quy định các CA được gia hạn giấy phép thực hiện dịch vụ chứng thực chữ ký số một lần với thời hạn 1 năm, nên không khả thi trong thực tế. Nhưng câu chuyện nằm ở chỗ, Dự thảo Nghị định thay thế thay vì điều chỉnh quy định về gia hạn cho phù hợp với thực tế, thì lại bỏ hẳn nghiệp vụ gia hạn chứng thư số, trong khi đây là một nghiệp vụ cơ bản đã được nhiều nước phát triển trên thế giới, như Hàn Quốc, Nhật Bản… áp dụng.
“Việc gia hạn chứng thư số tránh việc phải định kỳ xin cấp mới sẽ mang lại nhiều tiện ích cho công tác quản lý, tiết kiệm chi phí đầu tư, thời gian và nhân lực chuyển đổi theo hệ thống chữ ký số mới. Đồng thời, việc này cũng đảm bảo tính thông suốt của hệ thống, cũng như tránh các rủi ro về tính tin cậy của hạ tầng và dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng”, ông Ngô Tuấn Anh, Phó chủ tịch Bkav nói.
Trong khi đó, ông Phùng Huy Tâm, Phó giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ thẻ Nacencomm (CA2-CA) cũng khẳng định, nghiệp vụ gia hạn có thể coi là quan trọng bậc nhất, ảnh hưởng tới cốt lõi của dịch vụ. “Khi cung cấp dịch vụ cho khách hàng mà chúng tôi không gia hạn thì sẽ không biết khách hàng có sử dụng dịch vụ của chúng tôi nữa không. Bên cạnh đó, thông thường, tôi chưa nhìn thấy hoạt động nào cứ định kỳ phải cấp mới”, ông Tâm thẳng thắn.
Bởi vậy, đa phần các doanh nghiệp CA tham gia Hội thảo góp ý về Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 26/2007/NĐ-CP đều cho rằng, nên giữ nguyên nội dung gia hạn giấy phép và tăng thời gian gia hạn giấy phép lên 5 năm để đảm bảo theo thông lệ chung của quốc tế và tính liên lục trong cung cấp dịch vụ của các CA.
“Thực tế, khi cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng, các gói cước dịch vụ CA cung cấp tới khách hàng thường có điều kiện thời gian từ 1 - 3 năm. Do đó, nếu thời hạn cấp phép quá ngắn, hết thời hạn lại chỉ được gia hạn 1 năm thì điều đó sẽ gây tác động rất lớn đối với doanh nghiệp”, ông Cường nói.
Còn ông Phùng Huy Tâm thì nhấn mạnh, việc Nghị định 26/2007/NĐ-CP đang quy định các CA chỉ được gia hạn một lần với thời hạn 1 năm là “không khả thi”. “Chính bất cập này dẫn đến thực tế suốt 10 năm qua, không có CA nào thực hiện theo cách gia hạn”, ông Tâm nói.
Đại diện Bộ Tài chính, khi góp ý xây dựng Dự thảo Nghị định thay thế, cũng đồng tình với quan điểm của các doanh nghiệp. Vị đại diện này cho rằng, vẫn nên gia hạn cho các CA cung cấp dịch vụ chứng thực số công cộng, gia hạn một lần với thời hạn kéo dài ra, ví dụ là 5-10 năm. Bộ Tài chính đã từng có một bài học kinh nghiệm vào năm 2015, khi cả doanh nghiệp CA lẫn khách hàng phải chờ đợi được cấp lại “khóa”, làm lỡ cả thời gian làm thủ tục nộp thuế.
“Việc cấp lại khóa là để đảm bảo an toàn, bảo mật, nhưng cũng cần phải cân đối để làm sao thuận tiện, không gián đoạn dịch vụ”, vị này nói.
Đơn giản thủ tục hành chính
Thừa nhận rằng, Nghị định 26/2007/NĐ-CP có nhiều bất cập, do đã ban hành 10 năm, lại ra đời vào thời điểm khi dịch vụ chứng thực chữ ký số tại Việt Nam chưa hình thành, bà Phùng Thị Anh, đại diện Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia khẳng định, cần sửa đổi và xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 26 để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về dịch vụ chứng thực chữ ký số.
Tuy nhiên, sửa đổi thế nào là điều rất quan trọng, bởi theo các doanh nghiệp CA, ngoài câu chuyện gia hạn, thì thủ tục hành chính cũng đang “làm khó” họ. Theo quy định tại Nghị định 26/2007/NĐ-CP, cũng như theo Dự thảo Nghị định thay thế, thời gian cấp phép là 60 ngày làm việc. Có nghĩa rằng, doanh nghiệp ít nhất phải đợi tới 3 tháng mới được cấp phép. Chưa kể “lỡ” trong quá trình làm thủ tục, nếu có sơ suất về mặt giấy tờ, thì thời gian còn kéo dài nữa. Trong khi đó, 10 năm qua, hệ thống hành chính nhà nước đã có nhiều cải thiện tích cực.
Bởi vậy, theo đại diện của các doanh nghiệp CA, để tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, cần rút ngắn thời gian thẩm tra, cấp phép. Đặc biệt đối với trường hợp gia hạn, cần rút ngắn thời gian cấp phép, vì thực tế doanh nghiệp đã được thẩm tra kỹ khi cấp phép ban đầu.
Về thời hạn cấp phép, theo quy định tại Nghị định 26/2007/NĐ-CP, thời hạn cấp phép là 10 năm, nhưng trong Dự thảo Nghị định thay thế, thì thời hạn lại được rút xuống chỉ còn 5 năm. Để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, giảm bớt thủ tục hành chính, các doanh nghiệp CA cũng đã đề nghị kéo dài thời hạn của giấy phép, vì thực tế trong quá trình hoạt động, định kỳ vẫn có thanh tra/kiểm tra việc tuân thủ các quy định về kỹ thuật, tiêu chuẩn an toàn, an ninh đối với dịch vụ, cũng như các yêu cầu về kinh doanh dịch vụ.
“Nên điều chỉnh thời hạn là 10 năm, hoặc giữ nguyên như quy định tại Nghị định 26/2007/NĐ-CP hiện nay”, ông Ngô Tuấn Anh nói.