“Vịnh Hạ Long” phương Nam
Thời gian gần đây, cái tên Nam Du (huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang) được nhiều người biết đến như “vịnh Hạ Long” của phương Nam. Đến với Nam Du, du khách có những trải nghiệm kỳ thú bởi khung cảnh tuyệt đẹp của các bãi tắm Cây Mến, bãi Hòn Mấu, bãi Bàn... với những hàng dừa trăm tuổi nghiêng bóng cùng làn nước xanh biếc, các rạn san hô đa sắc màu bên kè đá.
Đến Nam Du, du khách còn được thưởng thức các loại hải sản tươi ngon bậc nhất, chế biến theo truyền thống của dân vạn chài, lưu luyến hương vị khó quên.
Một góc quần đảo Nam Du (huyện đảo Kiên Hải). |
Theo báo cáo của UBND huyện Kiên Hải, thời gian qua, chính quyền đã đầu tư nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật như lưới điện quốc gia đến 2 xã đảo Hòn Tre và Lại Sơn, hồ chứa nước ngọt và đường vòng quanh một số đảo... Qua đó góp phần phát triển những lĩnh vực có tiềm năng lợi thế về kinh tế biển như du lịch, đánh bắt và nuôi trồng hải sản.
Thực tế cho thấy, khách du lịch đến với Kiên Hải, đặc biệt là quần đảo Nam Du liên tục tăng. Nếu như năm 2014 chỉ có 19.600 lượt khách, thì đến năm 2016 tăng lên 113.000 lượt, năm 2017 là 194.290 lượt. Riêng lượng khách du lịch 6 tháng đầu năm 2018 đã lên tới 130.000 lượt, tăng 46,24% so với cùng kỳ năm ngoái và thu hút huy động vốn đầu tư toàn xã hội ở huyện đạt gần 2.000 tỷ đồng.
Giám đốc Sở Xây dựng Kiên Giang, ông Lê Quốc Anh cho biết, những năm gần đây, một số đảo ở quần đảo Nam Du và Lại Sơn thu hút du lịch sinh thái biển rất mạnh. Nhờ hạ tầng kỹ thuật đang dần hoàn thiện, nhất là các chuyến tàu cao tốc kết nối từ TP. Rạch Giá tới các đảo này, nên du khách từ TP.HCM và các tỉnh xa về đây khám phá, nghỉ dưỡng ngày càng đông. Nơi đây có nhiều bãi tắm hoang sơ tuyệt đẹp, dịch vụ nhà nghỉ, ăn uống giá rẻ, người dân chân chất, rất thích hợp cho các loại hình du lịch khám phá sinh thái biển và homestay.
Tuy nhiên, để phát triển bền vững, ông Lê Quốc Anh cho rằng, huyện Kiên Hải cần phải có quy hoạch du lịch và đô thị đồng bộ theo tầm nhìn mới ngay từ bây giờ. Trong đó việc di dời Trung tâm hành chính huyện ở Hòn Tre hiện nay về xã đảo Lại Sơn hoặc Hòn Ngang ở quần đảo Nam Du là cần thiết, bởi nơi này là trung tâm phát triển của huyện Kiên Hải.
Nâng tầm quy hoạch biển đảo
Huyện đảo Kiên Hải thuộc tỉnh Kiên Giang được thành lập vào năm 1983, bao gồm 23 hòn đảo lớn nhỏ từ khu vực Hà Tiên - Kiên Lương đến quần đảo Nam Du chạy dài theo bờ biển tỉnh Kiên Giang gần 200 km, diện tích đất 28 km2. Chính quyền khi đó chọn đảo Hòn Nghệ (nay thuộc huyện Kiên Lương) làm Trung tâm hành chính huyện Kiên Hải.
Đến năm 2000 và 2005, huyện Kiên Hải chuyển giao một số xã sang huyện Kiên Lương quản lý và còn lại 4 xã đảo gồm: Hòn Tre, Lại Sơn, An Sơn và Nam Du (quần đảo Nam Du). Trung tâm hành chính huyện di dời về xã Hòn Tre (cách TP. Rạch Giá 30 km), dân số của huyện khoảng 25.000 người. Ngành nghề chủ yếu của cư dân huyện Kiên Hải là khai thác và nuôi trồng thuỷ, hải sản.
Theo Kết luận số 1225-TB/UT ngày 18/5/2018 của Tỉnh ủy Kiên Giang, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất chủ trương lập Quy hoạch chung đô thị - xây dựng trên địa bàn huyện đảo Kiên Hải gồm 3 xã đảo Lại Sơn, An Sơn và Nam Du. Quy hoạch này dựa trên tầm nhìn kết nối toàn bộ khu vực biển Tây, bao gồm Phú Quốc, vịnh Rạch Giá, hệ thống các đảo thuộc khu vực Hà Tiên - Kiên Lương - Hòn Đất. Từ đó hình thành khu vực phát triển các đô thị biển, vùng phát triển du lịch kinh tế biển đồng bộ cùng sự phát triển với đặc khu Phú Quốc.
Theo đó, nghiên cứu đề xuất phương án di dời Trung tâm hành chính huyện Kiên Hải về xã đảo Lại Sơn hoặc Nam Du.
Trong Kết luận chủ trương quy hoạch này, Tỉnh uỷ Kiên Giang cũng chỉ đạo các cấp chính quyền cần thực hiện việc nghiên cứu lấn biển ở một số xã đảo nơi thị tứ để tạo quỹ đất phát triển đô thị và du lịch. Bên cạnh việc bảo vệ môi trường cảnh quan biển và rừng, cần chuyển đổi một số đất rừng phòng hộ ven biển để tạo đất xây dựng phát triển đô thị và du lịch. Ngoài việc giữ đất rừng, cần phải cho thuê môi trường rừng để khai thác các loại hình du lịch sinh thái dưới tán rừng.
Ông Lê Quốc Anh cho biết, việc lập quy hoạch huyện đảo Kiên Hải cần có sự tham gia của các tổ chức tư vấn du lịch quốc tế, nhằm đánh giá đầy đủ tiềm năng và cơ hội phát triển của huyện đảo này. Qua đó kêu gọi các nhà đầu tư chuyên nghiệp cùng với người dân địa phương tham gia đầu tư vào huyện đảo Kiên Hải.
Lợi thế vịnh biển Rạch Giá là trung tâm với các đảo du lịch ở gần bờ như: quần đảo Nam Du, đảo Lại Sơn, Hòn Tre, quần đảo Bà Lụa (Kiên Lương), quần đảo Hải Tặc... đủ sức cạnh tranh với các đảo du lịch nổi tiếng trong khu vực châu Á. Nơi đây đều có những bãi tắm hoang sơ tuyệt đẹp, thích hợp với du lịch sinh thái biển. Điều thuận lợi hơn nữa là hiếm nơi nào có khoảng cách các đảo du lịch trong khu vực biển Tây và TP. Rạch Giá chỉ 30 phút chạy tàu cao tốc, đây là khoảng cách "vàng" trong du lịch biển đảo.