Tổ hợp Fecon - Cienco1 - Conteccons là nhà đầu tư mới nhất vừa tỏ ý quan tâm tới Dự án Đường cao tốc Ninh Bình - Bãi Vọt, một trong 5 dự án hạ tầng giao thông lớn dự kiến đầu tư theo hình thức PPP.
| ||
Nhiều dự án hạ tầng giao thông lớn với mức đầu tư hàng trăm triệu USD dự kiến được đầu tư theo hình thức PPP - Ảnh minh họa: Internet |
Có hai lý do khiến liên danh các nhà đầu tư trong nước này sốt sắng tới công trình cao tốc đang được Ngân hàng Thế giới (WB) hỗ trợ Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) nghiên cứu cập nhật lại đề xuất Dự án.
Theo kết quả nghiên cứu của WB, so với đề xuất ban đầu, quy mô đầu tư Dự án đã có thay đổi đáng kể. Cụ thể, thay vì đầu tư toàn tuyến cao tốc quy mô 6 làn, trong đó giai đoạn 1 đầu tư trước 4 làn từ Ninh Bình đến Bãi Vọt gồm 2 phân đoạn với chiều dài 193 km, WB khuyến nghị đầu tư trước đoạn Cao Bồ đến Nghi Sơn dài 66 km.
Ước tính, tổng mức đầu tư Dự án khoảng 1.067 triệu USD, trong đó, vốn hỗ trợ nhà nước là 467 triệu USD (44%); vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư là 156 triệu USD (15%); vốn vay thương mại là 444 triệu USD (41%). Đây là quy mô và cơ cấu vốn được đánh giá là phù hợp với năng lực của các nhà đầu tư trong nước.
Bên cạnh đó, Dự án còn áp dụng mô hình PPP khá mới - BFOM: xây dựng, cấp vốn, vận hành, bảo dưỡng và thanh toán cho nhà đầu tư theo chất lượng dịch vụ.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Trương Tấn Viên, BFOM đề xuất một số nội dung sẽ vượt quá khung quy định hiện hành, trong đó có việc tỷ lệ góp của Nhà nước (lớn hơn 30%) và khoản thanh toán theo chất lượng dịch vụ trong quá trình khai thác.
Nếu được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, tư vấn WB sẽ hoàn tất mô hình đầu tư Dự án vào năm 2015; lựa chọn nhà đầu tư vào năm 2016.
Nếu Dự án Đường cao tốc Ninh Bình - Bãi Vọt đang ở giai đoạn hình thành đề xuất, thì Dự án Đường cao tốc thí điểm PPP Dầu Giây - Phan Thiết trị giá 757 triệu USD sẽ hoàn thành việc chấm sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư thứ hai vào tháng 1/2014. Nếu những vướng mắc liên quan phí, lộ trình tăng phí, bảo lãnh công ty mẹ sớm được giải quyết dứt điểm, công trình này sẽ đạt được mục tiêu khởi công vào quý III/2015.
Đối với tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Dự án từng được Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) giới thiệu cho một số nhà đầu tư Nhật Bản nghiên cứu đầu tư cũng đã hoàn thành thiết kế cơ sở. Kết quả rà soát của tư vấn Nhật Bản tại Dự án, đoạn đường từ Biên Hòa - Phú Mỹ dài 37,6 km và đoạn nối Phú Mỹ - Quốc lộ 51 dài 9,2 km với quy mô 4 làn xe có tổng mức đầu tư khoảng 11.688 tỷ đồng sẽ được đầu tư hình thức PPP xong trước năm 2020, trong đó vốn nhà nước tham gia khoảng 35%.
Theo kết quả nghiên cứu sơ bộ của Tổng công ty Đầu tư hạ tầng và quản lý dự án giao thông (CIMP) Cửu Long, phân đoạn từ Trung Lương - Cái Bè dài 33 km, với tổng mức đầu tư khoảng 16.000 tỷ đồng, thuộc Dự án Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có thể thu hút nhà đầu tư theo hình thức PPP, với điều kiện Nhà nước góp 40% vốn và cho phép thu phí cả đoạn TP.HCM - Trung Lương.
CIMP Cửu Long cho biết, ngoài JICA và Posco E&C đã tham gia nghiên cứu đầu tư, một số nhà đầu tư nước ngoài khác cũng đang rất quan tâm tới công trình này, như Moonary Group, Metro Pacific Toolways Corp…
Hiện Bộ GTVT đang khẩn trương lập đề xuất Dự án gửi Bộ Kế hoạch và đầu tư thẩm định, trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép đưa vào danh mục PPP. “Các công trình nói trên đã được các đơn vị tư vấn quốc tế đánh giá là phù hợp với mô hình PPP”, ông Viên nói.
Bảo Như