| ||
Các tuabin điện gió ở Bạc Liêu - Ảnh: VGP/Minh Huệ |
Đến dự lễ có các vị lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, đại diện lãnh đạo Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, tỉnh Bạc Liêu, tỉnh Cà Mau, tỉnh Sóc Trăng, tỉnh Hậu Giang, đại diện VDB...
Ông Võ Văn Dũng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu thay mặt cho lãnh đạo tỉnh, Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam tuyên bố và kéo cầu dao điện, chính thức hòa lưới điện quốc gia của điện gió Bạc Liêu.
Đây là một cơ hội, điều kiện mở ra hướng phát triển mới cho vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Bạc Liêu nói riêng, là niềm vui chung của nhân dân vùng ĐBSCL, của Đảng bộ, chính quyền, quân dân tỉnh Bạc Liêu, tỉnh Cà Mau.
Dự án nhà máy điện gió tỉnh Bạc Liêu được xây dựng mới toàn bộ, có quy mô công suất là 99,2 MW, bao gồm 62 trụ turbine gió, công suất mỗi turbine gió là 1,6 MW, điện năng sản xuất toàn dự án khoảng 320 triệu KWh/năm.
Tổng mức đầu tư của toàn dự án là 5.200 tỷ đồng, trên diện tích 500 ha đất thềm lục địa ven biển xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu.
| ||
Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu và các bộ, ngành, địa phương chung vui với thời khắc hòa lưới điện quốc gia của nhà máy Điện gió Bạc Liêu |
Trong đó, giai đoạn 1 của dự án đang được triển khai đầu tư xây dựng gồm 10 turbine gió, với công suất 16 MW, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 963 tỷ đồng, sản lượng điện năng khoảng 56 triệu KWh/năm.
Dự án chính thức khởi công ngày 9-9-2010. Sau hơn 30 tháng triển khai thi công, đến nay dự án đã hoàn thành giai đoạn 1, gồm 10 trụ turbine gió, đường điện 110 KV, cầu dẫn ra các trụ turbine và các thiết bị đồng bộ kèm theo, đủ điều kiện nghiệm thu, đóng điện và đưa vào vận hành hòa vào lưới điện quốc gia.
Điện gió Bạc Liêu là nhà máy điện gió thứ hai của nước ta, là nhà máy điện gió đầu tiên của vùng đồng bằng sông Cửu Long được hoàn thành giai đoạn 1, được hòa vào điện lưới quốc gia, đây là cột mốc quan trọng cho sự phát triển các nguồn năng lượng sạch của nước ta nói chung, của vùng đồng bằng sông Cửu Long nói riêng.
Nguyễn Văn Út