Trước đó, trên cơ sở báo cáo rà soát, điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025 của UBND tỉnh Hà Tĩnh, Bộ Xây dựng đã lấy ý kiến bộ ngành về chủ trương này.
Nhà liên hợp tại Khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo |
Căn cứ quy định của Luật Xây dựng năm 2014 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch số 35/2018/QH14 và ý kiến của các bộ, ngành, Bộ Xây dựng thống nhất chủ trương lập điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo trên cơ sở báo cáo giải trình của UBND tỉnh Hà Tĩnh để đáp ứng với tình hình phát triển kinh tế - xã hội; phù hợp với các chính sách phát triển kinh tế của các nước trong khu vực; đảm bảo các yêu cầu bảo tồn đa dạng sinh học, các yếu tố môi trường, phòng chống sạt lở đất; thu hút đầu tư phát triển, đảm bảo sử dụng đất hiệu quả, tiết kiệm.
Được biết, Khu kinh tế cửa khẩu cầu Treo sau hơn 10 năm hoạt động đang ngày một u ám, đìu hiu, nhiều doanh nghiệp bỏ đi, hạ tầng dang dở. Từng được biết đến là vùng động lực phát triển kinh tế phía Tây của tỉnh Hà Tĩnh, nhưng hiện nay Khu kinh tế cửa khẩu cầu Treo gần như “tê liệt” hoàn toàn. Vùng biên viễn một thời giao thương sôi động sầm uất, nay u ám, đìu hiu đến lạ thường.
Đặc biệt, từ tháng 9/2016, khi Luật Thuế xuất nhập khẩu số 107 có hiệu lực, khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo không còn được xem là khu phi thuế quan, doanh nghiệp không được hưởng các chính sách thuế đối với hàng hóa, dịch vụ như trước đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động giao thương. Cùng với đó là sự bão hòa về giá cả hàng hóa giữa Việt Nam và nước bạn Lào; hoạt động nhập khẩu gỗ về Việt Nam cũng dừng lại khi chính phủ Lào thực hiện chính sách cấm rừng.
Nhiều doanh nghiệp bỏ đi, hạ tầng dang dở. |
Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, ông Dương Tất Thắng cho biết, trước thực trạng hiện nay tỉnh Hà Tĩnh đang nỗ lực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Trong đó, tập trung ưu tiên điều chỉnh quy hoạch như diện tích, từng phân khu sao cho hợp lý. Cùng với đó là hoàn thiện hạ tầng, nhất là hạ tầng cửa khẩu để thông thương thuận lợi; thúc đẩy phát doanh nghiệp logistics.
"Thay vì thu hút các doanh nghiệp lớn như trước đây, chúng tôi sẽ ưu tiên thu hút các doanh nghiệp nhỏ tại địa phương để đầu tư sản xuất tại các cụm công nghiệp đã được xây dựng. Bên cạnh đó là tập trung các doanh nghiệp logistics để lại kho bãi, kho ngoại quan phục vụ cho việc khai thác hàng hóa qua lại cửa khẩu", ông Dương Tất Thắng cho biết.
Đại diện UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng cho biết đã kiến nghị Chính phủ có cơ chế đặc thù đối với các khu công nghiệp cửa khẩu - địa bàn vốn rất khó khăn về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực...
Từ những báo cáo của Hà Tĩnh, Bộ xây dựng đã thống nhất chủ trương lập Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo trên cơ sở báo cáo giải trình của UBND tỉnh Hà Tĩnh để đáp ứng với tình hình phát triển kinh tế - xã hội nhằm điều chỉnh quy hoạch phù hợp với các chính sách phát triển kinh tế của các nước trong khu vực; đảm bảo các yêu cầu bảo tồn đa dạng sinh học, các yếu tố môi trường, phòng chống sạt lở đất; thu hút đầu tư phát triển, đảm bảo sử dụng đất hiệu quả, tiết kiệm.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng hướng dẫn UBND tỉnh Hà Tĩnh trong quá trình nghiên cứu lập điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng và tổ chức thẩm định theo quy định pháp luật về quy hoạch xây dựng.