Phó thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá ngày 28/12/2022. (Ảnh: VGP) |
Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo số 04/TB-VPCP ngày 5/1/2023 kết luận của Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Trưởng ban chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá về kết quả công tác quản lý, điều hành giá năm 2022 và định hướng công tác quản lý, điều hành giá năm 2023.
Năm 2023 dự báo tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức cho công tác quản lý, điều hành giá
Năm 2023 dự báo tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức cho công tác quản lý, điều hành giá, tình hình kinh tế, địa-chính trị thế giới còn diễn biến phức tạp, lạm phát ở một số nước mặc dù có dấu hiệu hạ nhiệt nhưng dự báo vẫn tiếp tục là một vấn đề trọng tâm cần phải giải quyết, giá các mặt hàng nguyên vật liệu, các mặt hàng chiến lược trên thị trường thế giới tiềm ẩn nhiều nguy cơ tăng giá, rủi ro về tỷ giá tạo sức ép lên chi phí nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu trong nước, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa dự báo tăng sau khi Trung Quốc nới lỏng các biện pháp chống dịch.
Bên cạnh đó, tình hình trong nước chịu tác động từ việc thực hiện lộ trình giá thị trường một số mặt hàng Nhà nước quản lý đã bị lùi thực hiện trong thời gian qua, một số chính sách về hỗ trợ về thuế sẽ hết hiệu lực từ đầu năm 2023, một số dự án lớn, những công trình trọng điểm quốc gia triển khai ngay từ đầu năm, áp lực tăng giá một số mặt hàng lương thực, thực phẩm sau khi điều chỉnh tăng lương cơ bản, đặc biệt, áp lực lạm phát bình quân sẽ tăng ngay từ quý I năm 2023 do lạm phát được tích lũy theo xu hướng tăng trong năm 2022.
Trong bối cảnh đó, công tác quản lý, điều hành giá năm 2023 cần tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, thực hiện một cách chủ động, linh hoạt, bảo đảm kiểm soát tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm ở mức khoảng 4,5% theo mục tiêu Quốc hội đề ra, đồng thời tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân, tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường các dịch vụ công và hàng hóa do Nhà nước quản lý khi điều kiện cho phép và đẩy mạnh công tác hoàn thiện hệ thống pháp luật về giá, trình Quốc hội thông qua Luật giá sửa đổi.
Điều hành giá các mặt hàng nhà nước quản lý thận trọng trong những tháng đầu năm
Theo đó, các Bộ, ngành địa phương và các cơ quan có liên quan theo chức năng nhiệm vụ được giao triển khai tập trung các biện pháp sau:
Trước mắt, các bộ, ngành, địa phương cần chú trọng, tăng cường công tác quản lý, điều hành giá trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 18/11/2022 của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Quý Mão 2023 và Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 23/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, cụ thể: Theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường nhất là các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có nhu cầu tăng cao vào dịp cuối năm; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về việc kê khai, niêm yết giá và việc bán vé đúng giá niêm yết đối với các đơn vị kinh doanh vận tải; xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tăng giá bất hợp lý, kết cấu đưa thêm những khoản thu ngoài giá để thu cao hơn mức giá kê khai, niêm yết.
Chú trọng công tác kiểm tra, kiểm soát phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng và xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm. kịp thời xuất cấp hàng dự trữ quốc gia đúng đối tượng nhằm bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt tại các địa bàn xảy ra thiên tai, bão lũ… không để nhân dân bị thiếu đói trong dịp Tết Nguyên đán và thời kỳ giáp hạt.
Điều hành giá các mặt hàng nhà nước quản lý thận trọng trong những tháng đầu năm để tạo dư địa an toàn cho công tác kiểm soát lạm phát cả năm 2023. Trước mắt, trong quý I/2023 xem xét điều chỉnh giá những mặt hàng đã đánh giá được tác động có phương án giá cụ thể; trình cấp có thẩm quyền cho ý kiến. Trong các quý tiếp theo thực hiện việc điều hành giá thận trọng tùy vào diễn biến CPI các tháng đầu năm trên cơ sở tính toán, đánh giá tác động của việc điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước định giá thì xem xét điều chỉnh vào thời điểm thích hợp với mức độ phù hợp đảm bảo kiểm soát lạm phát mục tiêu, kịp thời đánh giá tác động, tham mưu, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để đưa ra những quyết sách phù hợp tình hình thực tế.
Công tác quản lý, điều hành giá cần tiếp tục thực hiện một cách chủ động và linh hoạt
Công tác quản lý, điều hành giá cần tiếp tục thực hiện một cách chủ động và linh hoạt đảm bảo kiểm soát lạm phát, trong đó chú trọng tập trung vào những biện pháp sau:
- Theo dõi sát diễn biến kinh tế và lạm phát thế giới tác động đến Việt Nam để có những giải pháp ứng phó phù hợp.
- Điều hành chính sách tiền tệ theo mục tiêu đề ra phối hợp với chính sách tài khóa và các chính sách khác để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đối với chính sách tài khóa, đánh giá kĩ các công cụ về thuế để tham mưu đề xuất việc tiếp tục hoặc dừng thực hiện cho phù hợp với tình hình thực tế.
- Đối với các mặt hàng nhà nước định giá, các dịch vụ công đang triển khai lộ trình thị trường, các bộ, ngành, địa phương chủ động trong việc tính toán, chuẩn bị các phương án giá, phối hợp với Tổng cục Thống kê đánh giá tác động đến CPI bảo đảm ưu tiên kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
- Đối với các mặt hàng cụ thể: Các Bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm tổ chức, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý để có biện pháp điều hành phù hợp. Chủ động dự báo và có phương án bảo đảm cân đối cung cầu, nhất là trong các thời điểm thị trường có nhu cầu tăng cao đối với các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, vật liệu xây dựng, lương thực, thịt lợn và các mặt hàng thực phẩm tươi sống khác, vật tư nông nghiệp, dịch vụ vận tải,…, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến.
- Sử dụng linh hoạt, hiệu quả, đồng bộ các công cụ, biện pháp điều tiết giá theo quy định của pháp luật về giá để kiểm soát, bình ổn thị trường. Tăng cường triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá; Tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá.
Điều chỉnh các kịch bản điều hành giá sát với tình hình thực tế
Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương chủ động đẩy mạnh triển khai công tác thông tin, tuyên truyền về chủ trương, biện pháp bình ổn giá, bảo đảm cung cầu hàng hóa thiết yếu, kiểm soát lạm phát; Đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi phát tán thông tin sai lệch sự thật, gây hoang mang trong dư luận. Các Bộ, ngành phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí trong việc cung cấp thông tin chính xác, chính thống, phản ánh trung thực về tình hình giá cả các mặt hàng trong phạm vi quản lý để kịp thời truyền tải đến người dân.
Bộ Tài chính - Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo điều hành giá theo dõi, nắm bắt tổng hợp tình hình thực hiện các nội dung; tiếp tục cập nhật diễn biến tình hình giá cả trong các tháng trước và sau Tết để hoàn thiện, điều chỉnh các kịch bản điều hành giá sát với tình hình thực tế, báo cáo Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá.