Ngân hàng - Bảo hiểm
Điều hành thị trường trên cơ sở cân bằng tỷ giá
Nguyễn Hoàng Nam - 30/05/2023 14:20
Trong 5 năm trở lại đây, thị trường tài chính gánh chịu nhiều biến động từ các sự kiện kinh tế, chính trị, xã hội. Việc áp dụng biện pháp chống lạm phát của các quốc gia tạo áp lực lên tỷ giá, đòi hỏi công tác điều hành phải hết sức linh hoạt.
Chính sách tỷ giá luôn ảnh hưởng trực tiếp đến sự biến động của thị trường tài chính. Ảnh: Đ.T

Bối cảnh thị trường tạo áp lực lên tỷ giá

Từ năm 2018 đến nay, thế giới chứng kiến nhiều xung đột thương mại, chính trị hay sự kiện bất ngờ, thậm chí dẫn đến những cú sốc kinh tế, tiêu biểu như cuộc xung đột Nga - Ukraine; cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang (năm 2018); đại dịch Covid-19; Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) điều chỉnh lãi suất về 0 - 0,25% (năm 2020); chính sách zero-Covid của Trung Quốc; thông tin vỡ nợ của Evergrande - tập đoàn bất động sản lớn thứ hai Trung Quốc (năm 2021); khủng hoảng năng lượng tại châu Âu năm 2022; Silicon Valley Bank (Mỹ) sụp đổ trong những tháng đầu năm 2023...

Với hàng loạt sự kiện có tác động trực diện tới nền kinh tế toàn cầu, chính phủ các nước đã có những động thái trong việc điều chỉnh tỷ giá hối đoái nhằm ổn định kinh tế quốc gia.

Tỷ giá luôn được đánh giá là nhân tố quan trọng trên thị trường. Chính sách tỷ giá có ảnh hưởng trực tiếp đến biến động của thị trường tài chính. Hiện nay, USD vẫn là đồng tiền thanh toán đóng vai trò trung tâm trong thương mại, hệ thống tài chính nói chung và hệ thống tiền tệ thế giới nói riêng.

Theo đó, khi USD tăng giá, có xu hướng làm tăng giá nhập khẩu nước ngoài, tác động trực tiếp làm tăng giá hàng hóa, đồng nghĩa lạm phát cũng bắt đầu tăng lên. Điều này có nghĩa là, giá nhập khẩu sẽ cao hơn và nguồn dự trữ USD tại các quốc gia dần cạn kiệt do chi phí thanh toán bằng USD tăng lên. Thực tế cho thấy, hầu hết hàng hóa được định giá bằng USD, các quốc gia phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu năng lượng, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp phải đối mặt với áp lực lạm phát bổ sung do USD tăng mạnh.

Với chuỗi hoạt động kiềm chế mức tăng quá nóng của lạm phát, USD đã đạt mức cao nhất trong 2 thập kỷ vào tháng 9/2022. Từ đầu năm 2023 đến nay, tuy USD có dấu hiệu hạ nhiệt, nhưng áp lực từ biến động tỷ giá vẫn là bài toán của các quốc gia, trong đó có Việt Nam, trước tình hình bất ổn của kinh tế vĩ mô toàn cầu, với 3 biểu hiện chính, gồm: áp lực lạm phát, rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu và diễn biến kinh tế tiêu cực ở nhiều quốc gia.

Chính sách điều hành tỷ giá của một số quốc gia

Tại Mỹ, Bộ Tài chính có trách nhiệm báo cáo trước Quốc hội về sự phát triển chính sách tỷ giá hối đoái của các đối tác thương mại lớn với Mỹ, định kỳ nửa năm 1 lần. Bên cạnh đó, Khung đánh giá tỷ giá hối đoái toàn cầu của Kho bạc Mỹ được ban hành nhằm tạo công cụ đánh giá các khoản định giá tiền tệ có hợp lý so với điều kiện kinh tế - xã hội của quốc gia hay không.

Ngoài ra, Mỹ còn ban hành Đạo luật Thúc đẩy và thuận lợi hóa thương mại (năm 2015) nhằm thiết lập các tiêu chí để xác định thao túng tiền tệ.

Tại châu Âu, cuộc xung đột Nga - Ukraine đã tác động đến an ninh năng lượng và gây lo ngại về hoạt động kinh tế ở khu vực châu Âu. Trong năm 2022, Ngân hàng Trung ương châu Âu đã tăng lãi suất lên mức cao nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009.

Đối với Nhật Bản, trước những lo ngại liên quan đến chênh lệch tỷ giá có thể phát sinh, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản xây dựng báo cáo công bố về tỷ giá ngoại hối định kỳ hàng tháng. Đối với chính sách điều hành tỷ giá, sự can thiệp của các cơ quan, ban, ngành chỉ dành cho những trường hợp rất đặc biệt với sự tham vấn trước phù hợp, trên tinh thần tôn trọng tính tự do giao dịch của thị trường.

Tại Trung Quốc tồn tại 2 loại nhân dân tệ là CNY và CNH. Trong đó, CNY bị kiểm soát tập trung bởi chính quyền trung ương Trung Quốc, còn CNH là đồng tiền thực hiện giao dịch ngoại hối tự do trên thị trường, đáp ứng mục tiêu quốc tế hóa tiền tệ quốc gia và không bị kiểm soát bởi chính quyền trung ương. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc quản lý nhân dân tệ bằng cách thiết lập tỷ giá ngang giá trung tâm, quy định về biên độ giao dịch mà nhân dân tệ trong nước được phép giao dịch trong phạm vi 2% theo cả 2 hướng tăng và giảm.

Chính sách ngoại hối cho phép chính quyền Trung Quốc can thiệp trực tiếp vào thị trường ngoại hối thông qua việc gây ảnh hưởng lên lãi suất của các tài sản bằng nhân dân tệ giao dịch ở nước ngoài, thiết lập và lựa chọn thời gian, khối lượng giao dịch đối với hợp đồng kỳ hạn của các ngân hàng quốc doanh tại Trung Quốc và việc chuyển đổi tiền thu được từ ngoại hối của các doanh nghiệp nhà nước.

Điều hành thị trường trên cơ sở cân bằng tỷ giá

Với vai trò quan trọng trong việc giám sát và dự báo tác động trên thị trường tài chính nói chung và tỷ giá hối đoái nói riêng, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) - tổ chức tài chính quốc tế của Liên hợp quốc - góp phần điều hòa thị trường trước những biến động tỷ giá, duy trì các cam kết về tỷ giá hối đoái để đảm bảo trật tự cân bằng trên thị trường chung, tăng trưởng bền vững và thịnh vượng.

Để kiềm chế áp lực lạm phát, thông thường, các quốc gia sẽ thực hiện chính sách can thiệp ngoại hối trong ngắn hạn, thông qua việc giảm tỷ giá hối đoái. Tuy vậy, nếu việc can thiệp ngoại hối quá mức, sẽ gây ra những hậu quả bất lợi đối với ổn định tài chính.

Tuy nhiên, chính sách điều hòa trước biến động tỷ giá hối đoái chỉ có hiệu quả khi sợi dây liên kết với lập trường chính sách kinh tế vĩ mô (chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ) nhất quán. Theo chiến lược điều tiết thị trường toàn cầu, ổn định tỷ giá luôn là chính sách quan trọng, nằm trong cam kết của các thành viên G7, G20 và IMF.

Đơn cử, trong nội dung Tuyên bố của Hội nghị Bộ trưởng tài chính G20 từ năm 2013 đến nay, sự biến động quá mức của các dòng tài chính và những biến động bất ổn trong tỷ giá hối đoái có tác động bất lợi đối với sự ổn định kinh tế và tài chính. Theo đó, các nước áp dụng tỷ giá hối đoái linh hoạt và đồng nhất trên tinh thần hợp tác chặt chẽ để cùng nhau phát triển.

Điều hành tỷ giá nằm trong chính sách ngoại hối của các quốc gia. Tại Việt Nam, cân bằng tỷ giá được xác định là mục tiêu quan trọng. Từ năm 1999, nước ta đã có những quy định cơ bản về quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước nói chung và cân bằng tỷ giá nói riêng.

Theo Nghị định số 86/1999/NĐ-CP, Quỹ Bình ổn tỷ giá và giá vàng là nền tảng để ứng phó với biến động tỷ giá, cho thấy sự quan tâm của Chính phủ về việc điều hòa chính sách ngoại hối dựa trên các nghiệp vụ liên quan đến tỷ giá.

Hiện nay, để quản lý dự trữ ngoại hối rõ ràng và hiệu quả hơn, Quỹ Dự trữ ngoại hối, Quỹ Bình ổn tỷ giá và quản lý thị trường vàng được tách biệt dưới sự quản lý, giám sát của Ngân hàng Nhà nước, theo Điều 2 và khoản 2, Điều 3, Nghị định số 50/2014/NĐ-CP.

Ngày 17/10/2022, Ngân hàng Nhà nước quyết định điều chỉnh biên độ tỷ giá giao ngay USD/VND từ mức ±3% lên ±5%. Nhìn lại cả năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần thay đổi biên độ tỷ giá giao ngay USD/VND. Đây là sự chủ động thích ứng trước áp lực biến động tỷ giá trên thị trường.

Có thể thấy, chính sách can thiệp tỷ giá được xem là một công cụ để đối phó với áp lực thị trường, không phải là biện pháp thay thế. Các cơ quan chức năng cần thiết lập chính sách kiểm soát linh hoạt dựa trên sự cho phép tỷ giá hối đoái biến động theo thực tế thị trường để phản ánh các nguyên tắc cơ bản của nền kinh tế và hạn chế can thiệp ngoại hối trong trường hợp điều kiện thị trường rối loạn, đồng thời tránh tích trữ, dự trữ ngoại hối quá mức.

Tin liên quan
Tin khác