Thời sự
Định đoạt số phận ngôi trường trăm tuổi Châu Văn Liêm ở Cần Thơ
Phú Khởi - 16/03/2016 22:36
Ngày 16/3, UBND TP.Cần Thơ đã tổ chức hội thảo “Dự án trường PTTH Châu Văn Liêm". Kết luận buổi hội thảo, ông Lê Văn Tâm, Phó chủ tịch UBND TP.Cần Thơ cho biết, địa phương sẽ lựa chọn giữa hai phương án được nhiều đại biểu đặt ra là: xây mới hoàn toàn hoặc giữ một phần nhỏ để làm di tích.

Dự kiến, sau hội thảo này, địa phương sẽ bắt tay ngay vào thực hiện dự án theo một trong hai phương án trên mà không cần phải tổ chức thêm cuộc hội thảo nào nữa.

Ông Tạ Chí Nhân, Phó giám đốc Sở Xây dựng  Cần Thơ cho biết, phía Sở vẫn trung thành với đề nghị đưa ra hồi năm 2010 là tháo dỡ và xây mới toàn bộ ngôi trường. Ông Nhân lý giải, năm 1987, phía Pháp đã có công văn thông báo một số công trình do Pháp xây dựng đến nay không còn niên hạn sử dụng, trong đó có  trường Châu Văn Liêm. Đến năm 2010, Trung tâm Kiểm định và Quy hoạch Xây dựng thuộc Sở Xây dựng TP Cần Thơ kiểm định, đánh giá công trình đã vượt quá niên hạn sử dụng, không đảm bảo an toàn chịu lực.

Ngày 15-3-2010, Sở Xây dựng TP Cần Thơ có Công văn số 190/SXD-QLXD, với nội dung: "...Để đảm bảo tính mạng con người và tài sản, Sở Xây dựng yêu cầu cơ quan quản lý Trường THPT Châu Văn Liêm không sử dụng công trình này làm công tác giảng dạy và khẩn trương di dời học sinh đến địa điểm khác, nhằm tránh những rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra".

Mới đây UBND Thành phố có mời đơn vị tư vấn là công ty kiến trúc của Pháp khảo sát, tư vấn, đơn vị này đã đưa ra 3 phương án trong đó có phương án trùng tu, cải tạo tuy nhiên đơn vị tư vấn chưa tính toán được kết cấu chịu lực và tuổi thọ công trình sau trùng tu nên về mặt chuyên môn thì Sở Xây dựng chưa tin tưởng và kiến nghị với UBND thành phố lựa chọn phương án xây dựng mới theo nguyên mẫu cũ nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình.

.

Ông Nguyễn Văn Phúc-Phó giám đốc Ban QLDA Xây dựng số 2- TP.Cần Thơ cũng cho rằng: cả 3 phương án cải tạo trùng tu của đơn vị tư vấn đưa ra đều có tổng mức đầu tư cao hơn xây mới, nhiều loại vật liệu phải nhập khẩu.

Hơn nữa do cao độ nền của ngôi trường thấp hơn mặt đường 20 cm ( 2 tấc) nên sẽ rất khó trong xử lý thoát nước cho ngôi trường nếu giữ nguyên hiện trạng. Do đó quan điểm của ông Phúc là ủng hộ đầu tư xây mới ngôi trường.

.

Bà Trần Hồng Thắm, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Cần Thơ cũng cho biết, cần triển khai cấp thiết dự án này vì ở thời điểm hiện tại trường đã hết niên hạn sử dụng như đánh giá của Sở Xây dựng và có nhiều hư hỏng, rất nguy hiểm đối với học sinh đang học ở đây.

Cô Trần Thị Lụa, Hiệu trưởng ngôi trường này cũng băn khoăn: khi trường được công nhận đạt chuẩn Quốc gia, nhà trường còn nợ tiêu chí cơ sở vật chất chưa đạt yêu cầu, nay gần đến thời điểm tái công nhận, nếu không cải thiện thì có nguy cơ trường sẽ không được tái công nhận chuẩn Quốc gia.

Trong khi đó, KTS Trương Công Mỹ, Chủ tịch hội Kiến trúc sư TP.Cần Thơ cho rằng, việc phía đơn vị xây dựng Pháp gởi công văn hết hạn đối với công trình là nguyên tắc về mặt quản lý tuổi thọ theo lý thuyết của công trình, chứ không phải cứ hết hạn là sẽ đổ sập ngay. Hiện nay, trên cả nước vẫn còn nhiều công trình do Pháp xây dựng có tuổi thọ trên trăm năm vẫn sử dụng tốt. Vấn đề chất lượng công trình phải được đánh giá, kiểm định trên từng công trình cụ thể.

Về mặt chuyên môn, những công trình chất lượng sử dụng còn từ 60% trở lên thì có thể cải tạo, trùng tu sử dụng rất tốt, chỉ những công trình chất lượng sử dụng còn dưới 20% thì mới phải đập bỏ. Theo ông Mỹ, công trình trường Châu Văn Liêm hiện nay bị xuống cấp nặng nhất là phần cải tạo cơi nới thêm sau này, phần nguyên bản của ngôi trường chất lượng vẫn còn tốt. Do đó, ông Mỹ cũng đề nghị các cơ quan chuyên môn cần kiểm định lại để xác định chính xác tỷ lệ phần trăm xuống cấp của công trình, trên cơ sở đó đưa ra quyết định đúng đắn hơn.

KTS Nguyễn Kỳ Nam, Viện trưởng Viện kiến trúc quy hoạch TP.Cần Thơ đồng tình với quan điểm cần đánh giá lại hiện trạng của công trình này. Riêng ông đề xuất phương án giữ lại một trong hai dãy phòng (1F hoặc 2F) ven trục đường Ngô Quyền để trùng tu trở thành di tích, phần còn lại sẽ tháo dỡ để xây dựng mới theo thiết kế hiện tại của ngôi trường.

Tại Hội thảo, nhiều vị quan chức địa phương là cựu học sinh trường này cũng đề nghị nên giữ lại một “phần hồn” cho ngôi trường chứ không nên đập hết. Ông Nguyễn Minh Thế, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Cần Thơ là cựu học sinh của trường nêu ví dụ: nếu nhà cổ ở Bình Thủy đập đi và xây mới lại thì có còn giá trị hay không? Tương tự vậy đối với ngôi trường Châu Văn Liêm, do vậy ông Thế cũng đề nghị giữ lại một phần của ngôi trường này.

Ông Lê Nam Giới, Nguyên Bí thư Thành ủy Cần Thơ chia sẻ: Mái trường này từng là nơi hội tụ của nhiều nhà giáo yêu nước, như Phạm Văn Bạch, Nguyễn Thượng Tư, Nguyễn Văn Chi, Nguyễn Văn Kiệt... Nhiều thế hệ học sinh của trường đã trở thành nhà khoa học, những chiến sĩ cách mạng, văn nghệ sĩ nổi tiếng, như: Ung Văn Khiêm, Châu Văn Liêm, Lưu Hữu Phước, Lương Định Của,Tô Bửu Giám...Tuy ngôi trường chưa làm thủ tục để được công nhận là di tích văn hóa nhưng trong thâm tâm mỗi người, ngôi trường đã là di tích văn hóa, do vậy chúng ta cần phải cân nhắc xây dựng mới hiện đại gắn với bảo tồn nét xưa, tích cũ.

Trường THPT Châu Văn Liêm tọa lạc tại quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ được xây dựng năm 1917 theo kiến trúc Pháp. Tiền thân là trường Collège de Can Tho - một trong những ngôi trường lâu đời nhất tại Việt Nam (cùng thời với Trường THPT Lê Hồng Phong - Trường Pétrus Ký tại TP.HCM) Collège de My Tho.
Giai đoạn 1945 - 1975, trường mang tên Trung học Phan Thanh Giản. Sau ngày đất nước thống nhất, trường có tên Phổ thông cơ sở An Cư I (1975 - 1983); Trường phổ thông cấp 3 thành phố Cần Thơ (1983 - 1985), và từ 11.1985 đến nay mang tên Trường trung học phổ thông Châu Văn Liêm.
Ngày 30-10-2014, UBND TP Cần Thơ phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình Trường THPT Châu Văn Liêm tại Quyết định số 3178/QĐ-UBND. Dự án được thống nhất xây đúng theo kiến trúc cũ, đúng vị trí dãy phòng, đúng chiều cao, gồm 1 trệt, 1 lầu, với tổng kinh phí xây dựng 98 tỉ đồng (từ ngân sách thành phố). Chủ đầu tư cũng đã ứng vốn 54,7 tỷ đồng để chuẩn bị xây dựng. Việc xây dựng này nhằm mục tiêu tạo nơi học tập đảm bảo an toàn tính mạng cho học sinh, đáp ứng nhu cầu phát triển giáo dục cho vùng và TP Cần Thơ.
Dự án này dự kiến mở thầu và khởi công ngay trong tháng 7/2015. Để có mặt bằng giao cho đơn vị thi công, chính quyền địa phương đã tuyên án “tử hình” đập bỏ ngôi trường này vào ngày 20/7. Sau khi khởi công thì gần 2.000 học sinh của Trường THPT Châu văn Liêm sẽ phải học nhờ ở Trường THPT An Khánh ở phường An Khánh khoảng 2 năm. Tuy nhiên, sau đó dự án này vấp phải luồng ý kiến phản ứng mạnh mẽ của nhiều tầng lớp nhân dân nên phải tạm hoãn cho đến hôm nay.
Tin liên quan
Tin khác