Nhà đầu tư ồ ạt gom hàng giá rẻ
Tính từ ngày 6/1 đến ngày 15/11, giá cổ phiếu KDH của Nhà Khang Điền đã giảm 62,4%, từ 51.640 đồng về 19.400 đồng/cổ phiếu và sau đó hồi phục trở lại trong các phiên gần đây. Thực tế, đà giảm mạnh của cổ phiếu KDH cũng tương tự diễn biến chung của thị trường và nhóm cổ phiếu bất động sản.
Theo dữ liệu iBoard của Công ty Chứng khoán SSI, cổ phiếu KDH đang giao dịch với Hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu (P/E) là 11,19 lần, mức thấp nhất kể từ năm 2014 tới nay.
Chứng kiến đà lao dốc của cổ phiếu KDH, cũng như cổ phiếu KDH giao dịch vùng định giá rẻ, hàng loạt cổ đông ngoại đã liên tục mua vào với tổng giá trị 615,9 tỷ đồng để mua 30,5 triệu cổ phiếu. Trong đó, từ ngày 31/10 đến ngày 8/11, nhóm VinaCapital đã mua vào 10 triệu cổ phiếu KDH, với khoảng 203 tỷ đồng, để nâng sở hữu lên 1,41% vốn điều lệ; ngày 11/11, Dragon Capital đã bỏ ra 383,8 tỷ đồng để mua vào 19 triệu cổ phiếu KDH; ngày 15/11, Dragon Capital tiếp tục bỏ thêm 29,1 tỷ đồng để mua vào 1,5 triệu cổ phiếu KDH.
Sau giao dịch, nhóm Dragon Capital đã nâng sở hữu từ 4,99% lên 8,15% vốn điều lệ tại Nhà Khang Điền và trở thành cổ đông lớn.
Ngoài ra, bà Mai Trần Thanh Trang, Chủ tịch HĐQT đã đăng ký mua vào 10 triệu cổ phiếu, giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 31/10 đến 29/11. Như vậy, nếu giao dịch thành công, Chủ tịch sẽ nâng sở hữu từ 1,44% lên 2,84% vốn điều lệ.
Nếu tính theo giá thị trường ngày 18/11 là 21.550 đồng/cổ phiếu, ước tính vị Chủ tịch phải bỏ ra khoảng 203 tỷ đồng để sở hữu thêm 10 triệu cổ phiếu KDH.
Tính chung, trong thời gian từ ngày 31/10 đến ngày 29/11, nhóm cổ đông lớn và Chủ tịch bỏ ra khoảng 831,4 tỷ đồng để mua vào 40,5 triệu cổ phiếu KDH, tương ứng 5,65% vốn điều lệ tại Nhà Khang Điền.
Việc Chủ tịch và nhóm cổ đông lớn liên tục mua vào cổ phiếu phát đi tín hiệu tích cực với nhóm nhà đầu tư bên ngoài về sự gắn kết của lãnh đạo, cổ đông lớn với Công ty, cũng như trấn an nhà đầu tư bên ngoài.
Thực tế, cổ phiếu KDH có dấu hiệu tạo đáy ngày 7/11, với giá 19.950 đồng/cổ phiếu và sau đó hồi phục. Cụ thể, từ ngày 14/11 đến ngày 18/11, thanh khoản cổ phiếu dao động từ 3 triệu đến hơn 6 triệu cổ phiếu khớp lệnh/phiên so với trung bình 20 phiên trước đó chỉ là hơn 2,5 triệu cổ phiếu/phiên.
Thời điểm dòng tiền bắt đáy cổ phiếu KDH gia tăng mạnh trùng với giai đoạn lãnh đạo và cổ đông lớn đồng loạt đăng ký và mua vào cổ phiếu.
Triển vọng khả quan nhờ nền tảng tài chính và quỹ đất lớn
Trong nhiều năm trở lại đây, Nhà Khang Điền được biết đến là một công ty bất động sản uy tín, quỹ đất lớn.
Theo Chứng khoán BSC ước tính, Nhà Khang Điền đang sở hữu quỹ đất có quy mô lớn (680 ha) ở khu vực nội thành TP.HCM. Trước đây, Nhà Khang Điền chủ yếu tập trung vào các dự án biệt thự/nhà phố và chung cư với quy mô nhỏ hơn 10 ha. Hiện tại, Nhà Khang Điền đẩy mạnh phát triển các dự án với quy mô lớn như Dự án Phong Phú 2 (132 ha), Tân Tạo A (330 ha) và Khu công nghiệp Lê Minh Xuân (110 ha). Đây là các quỹ đất mà Nhà Khang Điền đã và đang đền bù trong vài năm qua, giá vốn tương đối tốt, nên trong thời gian tới, Nhà Khang Điền sẽ đẩy mạnh triển khai.
Nhà Khang Điền có kế hoạch mở bán 6 dự án trong thời gian tới. Trong đó, Dự án Thủy Sinh (The Classia), quy mô 4,3 ha, cung cấp ra thị trường 180 nhà liên kết vườn, tổng vốn đầu tư 1.023 tỷ đồng và dự kiến mở bán, bàn giao trong năm 2022; Dự án Khang Điền Bình Tân, quy mô 1,8 ha, cung cấp 1.043 căn hộ chung cư, vốn đầu tư 1.808 tỷ đồng, dự kiến khởi công, mở bán cuối năm 2022; Dự án Clarita (Bình Trưng Đông), quy mô 5,8 ha, cung cấp 159 biệt thự/nhà liên kế, tổng vốn đầu tư 1.442 tỷ đồng, đang hoàn thiện pháp lý để khởi công; Dự án Khu dân cư 11- giai đoạn I, quy mô 13 ha, cung cấp 427 nhà phố, tổng vốn đầu tư 2.662 tỷ đồng, đang thực hiện các thủ tục pháp lý để triển khai xây dựng…
Xét về dài hạn, quỹ đất của Nhà Khang Điền tại khu vực phía Tây Nam sẽ có nhiều động lực tăng trưởng và hút nhà đầu tư nhờ trục giao thông kết nối các tỉnh miền Tây, vành đai 3 được tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai và sự dịch chuyển quỹ đất sang các khu vực ngoại thành do quỹ đất nội đô khan hiếm.
Thực tế, thời gian qua, do áp lực khó tiếp cận dòng vốn vay ngân hàng và kênh trái phiếu gặp khó khăn, giới đầu tư lo ngại thanh khoản đối với cả chủ đầu tư và người mua bất động sản. Điều này đã phản ảnh tiêu cực lên các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, không phải tất cả các doanh nghiệp đều gặp khó khăn về dòng tiền.
Riêng với Nhà Khang Điền, tính tới ngày 30/9/2022, Công ty ghi nhận 7.206,17 tỷ đồng nợ vay, chiếm 33,6% tổng nguồn vốn. Trong đó, có 1.029,97 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn và 6.176,2 tỷ đồng nợ vay dài hạn. Về nợ vay dài hạn, Công ty sử dụng 5.076,2 tỷ đồng vay ngân hàng và 1.100 tỷ đồng trái phiếu (nợ vay trái phiếu chiếm 5,1% tổng nguồn vốn).
Như vậy, nguồn vốn của Nhà Khang Điền chủ yếu đến từ ngân hàng, trong khi kênh trái phiếu chiếm tỷ trọng không đáng kể, trái ngược với nhiều công ty bất động sản đang chủ yếu phải huy động qua kênh trái phiếu lãi suất cao. Ngoài ra, nhờ chủ yếu sử dụng vốn ngân hàng, nên Công ty ít bị ảnh hưởng bởi việc siết dòng vốn trái phiếu.