Sức khỏe doanh nghiệp
Nhà Khang Điền: Cơ cấu cổ đông bị pha loãng khi thâm hụt vốn kéo dài
Duy Bắc - 18/08/2022 14:08
Câu chuyện dòng tiền kinh doanh âm của doanh nghiệp bất động sản như CTCP Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền (Nhà Khang Điền), nổi lên là điểm đáng lưu ý đối với nhà đầu tư.
Một lợi thế lớn của Nhà Khang Điền là có quỹ đất rất lớn tại TP.HCM

Càng kinh doanh, càng âm dòng tiền

Trong 6 tháng đầu năm, Nhà Khang Điền tiếp tục ghi nhận dòng tiền kinh doanh chính âm 2.007,9 tỷ đồng, so với cùng kỳ âm 843,1 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư âm 22,1 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 1.991,4 tỷ đồng, chủ yếu do tăng vay nợ.

Như vậy, trong 6 tháng đầu năm, Công ty đã tăng vay nợ để bù đắp thâm hụt dòng tiền kinh doanh chính.

Được biết, từ năm 2018 tới nay, Nhà Khang Điền thường xuyên bị thâm hụt vốn và phải huy động dòng vốn bên ngoài để tài trợ. Trong đó, dòng tiền kinh doanh năm 2018 ghi nhận âm 718,95 tỷ đồng, năm 2019 âm 163,53 tỷ đồng, năm 2021 âm 2.009,74 tỷ đồng.

Lũy kế từ năm 2018 tới 6 tháng đầu năm 2022, dòng tiền kinh doanh chính của Nhà Khang Điền âm tới 4.837,46 tỷ đồng, dòng tiền tài chính dương 3.270,79 tỷ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm, Nhà Khang Điền đã tăng nợ vay 125,8% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 3.209,9 tỷ đồng, lên 5.762,4 tỷ đồng, chiếm 29,8% tổng nguồn vốn (đầu năm chiếm 17,8% tổng nguồn vốn). Tính từ cuối năm 2018 tới nay, Nhà Khang Điền đã tăng thêm 4.794,1 tỷ đồng, từ mức 968,3 tỷ đồng (9,5% tổng nguồn vốn), lên 5.762,4 tỷ đồng (29,8% tổng nguồn vốn).

Thêm nữa, trùng với giai đoạn dòng tiền âm, từ cuối năm 2018 tới 6 tháng đầu năm 2022, lượng tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn giảm 23,9% so với đầu kỳ, tương ứng giảm 438,8 tỷ đồng, về 1.396,9 tỷ đồng, chiếm 7,2% tổng tài sản (đầu kỳ là 17,9%).

Xét về cơ cấu nợ vay tới ngày 30/6/2022, tổng nợ vay của Nhà Khang Điền là 5.762,4 tỷ đồng. Trong đó, 1.010,7 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn và 4.751,7 tỷ đồng nợ vay dài hạn (4.451,7 tỷ đồng nợ vay ngân hàng, chiếm 93,7% tổng nợ vay dài hạn và 300 tỷ đồng trái phiếu, chiếm 6,3% tổng nợ vay dài hạn).

Như vậy, từ năm 2018 tới nay, khi dòng tiền âm, Công ty đã tăng huy động vốn bên ngoài và sử dụng quỹ tiền mặt đang sở hữu, nên làm giảm mạnh lượng tiền mặt tại quỹ.

Được biết, tháng 4/2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành quyết định huỷ bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu trong thời gian từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022 của Tập đoàn Tân Hoàng Minh, tương ứng tổng 9 lô trái phiếu là trên 10.030 tỷ đồng. Kể từ đây, thị trường trái phiếu có dấu hiệu đảo ngược, lượng phát hành mới giảm, hàng loạt công ty phải mua lại các lô trái phiếu trước hạn.

Theo dữ liệu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, trong quý II/2022, tổng lượng trái phiếu phát hành chỉ đạt 106.735 tỷ đồng, giảm tới 45% so với cùng kỳ.

Có thể thấy, sau hiệu ứng từ Tân Hoàng Minh, hoạt động huy động vốn thông qua kênh trái phiếu của các doanh nghiệp niêm yết trong lĩnh vực bất động sản sẽ tiếp tục gặp thử thách lớn. Ngoài ra, đối với khách hàng mua sản phẩm bất động sản và các doanh nghiệp kinh doanh cũng đang có dấu hiệu gặp khó khăn khi room tín dụng ở các ngân hàng đã kín, tiếp tục chờ đợi động thái nới room của Ngân hàng Nhà nước.

Trong năm 2022, Nhà Khang Điền dự kiến kinh doanh 3 dự án, gồm The Classia tại TP. Thủ Đức, quy mô 4,3 ha, với 176 căn nhà liền kề biệt thự, dự kiến mở bán trong quý III/2022; The Privia tại Bình Tân, với quy mô 1,8 ha, dự kiến cung cấp ra thị trường 1.000 căn hộ và mở bán trong quý IV/2022; Clarita tại TP. Thủ Đức, với quy mô 5,8 ha, cung cấp ra thị trường 160 căn nhà liền kế và biệt thự, dự kiến xây dựng vào cuối năm 2022.

Theo VNDirect Research, nhóm ngành bất động sản đang phải đối mặt với các thách thức như lãi suất tăng ảnh hưởng đến quyết định mua nhà, thắt chặt các khoản vay ngân hàng với lĩnh vực bất động sản và giám sát chặt chẽ hơn trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Như vậy, từ nay đến cuối năm, việc kinh doanh các dự án trọng điểm của Nhà Khang Điền sẽ khó khăn hơn.

Nhà đầu tư lớn giảm sở hữu

Trùng với giai đoạn kinh doanh thâm hụt vốn từ năm 2018 tới nay, cơ cấu cổ đông của Nhà Khang Điền cũng có dấu hiệu biến động khi các cổ đông lớn đồng loạt giảm tỷ lệ sở hữu và nhóm cổ đông bên ngoài tăng sở hữu.

Nếu như năm 2018, Công ty có 5 cổ đông lớn, sở hữu trên 5% vốn điều lệ, thì tới năm 2021, Công ty chỉ còn lại 4 cổ đông lớn. Trong đó, đáng chú ý là cổ đông Vietnam Ventures Limited không còn là cổ đông lớn của Công ty khi liên tục bán ra cổ phiếu. Theo dữ liệu công bố gần nhất (ngày 20/5/2021), cổ đông Vietnam Ventures Limited đã bán 7,7 triệu cổ phiếu KDH của Nhà Khang Điền và chính thức giảm sở hữu về 3,67% vốn điều lệ, không còn là cổ đông lớn tại Nhà Khang Điền.

Trong khi đó, từ năm 2018 tới nay, nhóm cổ đông nhỏ sở hữu dưới 5% đã tăng thêm 8,04% vốn điều lệ, lên 64,18% vốn điều lệ.

Mặc dù vẫn được giới đầu tư đánh giá triển vọng bằng việc sở hữu quỹ đất tới 600 ha tại TP.HCM, phần lớn nằm ở phía Nam TP.HCM và TP. Thủ Đức, song động thái giảm tỷ lệ sở hữu của nhóm cổ đông lớn cũng phát đi tín hiệu thận trọng đối với nhà đầu tư bởi Công ty kinh doanh thâm hụt vốn kéo dài.

Tin liên quan
Tin khác