Sức mạnh mềm của Việt Nam cần đặt con người vào trung tâm. |
Nền tảng vững chắc
Quá trình 75 năm kể từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Cộng hòa XHCN Việt Nam, chúng ta mất đến 30 năm dồn sức cho hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đất nước bước ra khỏi chiến tranh từ đại thắng mùa Xuân năm 1975 và bắt đầu công cuộc xây dựng, phát triển, nhưng bước nhảy vọt của Việt Nam tập trung trong thời kỳ “Đổi mới”, được chính thức thực hiện từ năm 1986.
Sự chuyển mình mạnh mẽ của Việt Nam trong 35 năm qua đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Hai tiếng “Việt Nam” từ chỗ gắn liền với “Việt Nam war” (chiến tranh Việt Nam) đã chuyển sang “Việt Nam rice” (gạo Việt Nam), “Vietnam renewal” (công cuộc đổi mới ở Việt Nam) hay “Vietnam reforms” (công cuộc cải cách của Việt Nam).
Bước ra khỏi khói lửa chiến tranh, từ một quốc gia nghèo đói, Việt Nam đã vươn lên trở thành cường quốc về xuất khẩu gạo và “thực sự là hình mẫu để chia sẻ cho các nước mới nổi”, như khẳng định của ông Ousmane Dione trong buổi hội kiến Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vào tháng 6 vừa qua, khi kết thúc nhiệm kỳ Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam.
Có cả chục năm quan sát và hành nghề tại Việt Nam, ông Antoine Logeay, luật sư cao cấp của Hãng luật Audier & Partners, thành viên Đoàn Luật sư Paris, cùng các cộng sự lâu năm ấn tượng rất sâu sắc về bước phát triển thần tốc của kinh tế Việt Nam cũng như diện mạo của đất nước trong gần 35 năm qua.
Từ chính sách Đổi mới, Việt Nam hội nhập sâu rộng vào kinh tế khu vực và quốc tế, tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, tổ chức quốc tế. Một trong những bước đi đầu tiên trên con đường hội nhập của Việt Nam là việc ký Hiệp định Thương mại dệt may với Cộng đồng châu Âu vào năm 1992, sau đó là gia nhập ASEAN (năm 1995) và Tổ chức Thương mại Thế giới - WTO (năm 2007).
Với tốc độ tăng trưởng cao được duy trì trong nhiều thập kỷ, cùng sự vươn lên của kinh tế tư nhân và sự lớn mạnh của khu vực FDI, Việt Nam đã trở thành quốc gia có thu thập trung bình với GDP bình quân đầu người khoảng 3.000 USD.
Những thành quả phát triển trong vài thập kỷ qua là vốn tích lũy quan trọng cho đất nước bước vào kỷ nguyên số hóa. Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam đã “chậm chân” trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 2 và 3, do nguyên nhân lịch sử và chủ quan (ưu tiên phát triển công nghiệp nặng). Cho nên, đứng trước kỷ nguyên số, Việt Nam không thể “lỡ tàu” trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Định vị sức mạnh mềm
Thành tựu từ Đổi mới và công cuộc hội nhập quốc tế sâu rộng đã đưa Việt Nam trở thành quốc gia có tiếng nói, vị thế nhất định trong khu vực cũng như trên trường quốc tế. Các chuyên gia nước ngoài gắn bó với Việt Nam đã đưa ra nhiều quan điểm khác nhau về sức mạnh mềm của Việt Nam và những yếu tố kiến tạo, củng cố sức mạnh đó. Những ý kiến này đều có mẫu số chung là sức mạnh ngoại giao, sức mạnh từ văn hóa - di sản và sự chuyển hóa từ sức mạnh “cứng” như kinh tế, công nghệ.
“Khi tôi trao đổi với bạn bè và các cộng sự trong mạng lưới chuyên gia ở châu Âu, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có vai trò thực sự trên phương diện ngoại giao”, ông Logeay nói. Tiếp sau Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên tổ chức tại Singapore, năm 2019 Việt Nam được lựa chọn đăng cai Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên tại Hà Nội. Dù hai bên không đạt được kết quả như mong muốn, nhưng theo ông Logeay, sự kiện đã nâng cao vị thế Việt Nam trên lĩnh vực ngoại giao và thu hút sự chú ý của quốc tế trong nhiều ngày.
“Trong năm 2020, việc đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN là cơ hội tuyệt vời để Việt Nam thúc đẩy sức mạnh mềm của mình, ngay cả khi đối diện với thách thức vô cùng lớn do Covid-19”, ông Logeay nhấn mạnh.
Năm 2020 đánh dấu chặng đường 25 năm Việt Nam gia nhập ASEAN. Ông Logeay cho biết, từ góc nhìn châu Âu, những thách thức ngoại giao đặt ra cho Việt Nam là khá lớn, đặc biệt là các cuộc thảo luận giữa các nước ASEAN và Trung Quốc về những căng thẳng trên Biển Đông; việc đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Tuy nhiên, sức mạnh mềm của một quốc gia không đơn thuần chỉ dựa vào ngoại giao, mà còn dựa vào văn hóa và các giá trị chính trị của quốc gia đó. Thực tiễn cho thấy, sức mạnh mềm không thể tách rời các yếu tố chính trị. Trong cuộc tranh luận và bỏ phiếu tại Nghị viện châu Âu về EVFTA và EVIPA, mối lo ngại chính của các nghị sĩ châu Âu là nhân quyền và môi trường. Cho nên, việc tham gia EVFTA và EVIPA đòi hỏi nỗ lực lớn của Chính phủ Việt Nam trong việc đảm bảo thực thi các cam kết và yêu cầu đặt ra, chẳng hạn việc phê chuẩn các công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), các quy định về tăng cường bảo vệ môi trường…
“Thiên thời, địa lợi, nhân hòa”
Với vị trí ngày càng được cải thiện ở khu vực và trên trường quốc tế, Việt Nam đang hội tụ nhiều yếu tố được xem là “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” khi có bề dày tăng trưởng kinh tế trong nhiều thập kỷ, hạ tầng công nghệ thông tin và nguồn nhân lực cho công nghệ thông tin được cải thiện đáng kể trong thập niên này, nhất là sự vươn tầm khu vực của những doanh nghiệp như Viettel, FPT, VNPT... Covid-19 đang tác động không nhỏ tới kinh tế - xã hội, nhưng cũng là bối cảnh tốt để nền kinh tế Việt Nam xoay chuyển và bật dậy trên nền tảng mới gắn với số hóa.
Các nghiên cứu và đánh giá từ quốc tế chỉ ra rằng, Việt Nam có tiềm năng rất lớn trong “cuộc chơi 4.0”. Trong báo cáo năm 2019, Chương trình Nghiên cứu e-Conomy SEA dự báo, Việt Nam và Indonesia là 2 quốc gia dẫn đầu thị trường kinh tế số 100 tỷ USD của Đông Nam Á với mức tăng trưởng trên 40%/năm. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ không chỉ tối ưu hóa quy trình sản xuất, thủ tục hành chính, mà còn dẫn đến sự ra đời các mô hình kinh doanh mới. Trong điều kiện bình thường mới do tác động của Covid-19, tiềm năng dẫn dắt khu vực về kinh tế số là cơ hội mà Việt Nam cần chớp lấy.
Cũng đề cập vấn đề số hóa, nhưng ông Shanmuga Retnam, nguyên Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam cho rằng, cách tiếp cận sức mạnh mềm của một quốc gia từ việc tận dụng thực lực kinh tế hay công nghệ là chưa phản ánh hết bản chất.
Chuyên gia này cho rằng, sức mạnh mềm không nên thu hẹp ở góc độ ngoại giao hay kinh tế, mà nó còn có sức chi phối và ảnh hưởng ngoài sức tưởng tượng. Đơn cử, video vũ điệu vui nhộn tưởng chừng giải trí đơn thuần “Gangnam Style” - video trực tuyến đầu tiên trên Youtube có hơn một tỷ lượt truy cập - đã trở thành một hiện tượng văn hóa không chỉ ở Hàn Quốc, mà còn được đánh giá là video cỡ “đại dịch toàn cầu” về sức lây lan và ảnh hưởng.
Trong khi đó, văn hóa Việt Nam vẫn thiếu vắng những giá trị vươn tầm ảnh hưởng lớn. Về ẩm thực, các món nem, phở Việt Nam mới chỉ được quảng bá và giới thiệu ở tầm ẩm thực quốc gia, chưa có những đế chế kinh doanh thực phẩm tỷ USD tầm quốc tế như KFC, Lotteria và McDonald's.
Vậy, chiến lược nào để nuôi dưỡng và phát huy sức mạnh mềm của Việt Nam?
Một chiến lược được khuyến nghị cho Việt Nam tập trung vào 3 yếu tố liên quan chặt chẽ với nhau: khoa học và giáo dục; đổi mới sáng tạo; nhân lực chất lượng cao.
Sức mạnh mềm không đơn thuần đến từ lao động chất lượng cao, mà ở góc tiếp cận cụ thể của một quốc gia, nó đến từ những địa hạt có tính dẫn dắt về công nghệ và đổi mới sáng tạo, như Thung lũng Silicon tại Mỹ, hay TP. Toulouse tại Pháp.
Luật sư Logeay cho rằng, mô hình tập trung phát triển công nghệ ở TP Toulouse là ý tưởng đáng suy ngẫm. Ở thành phố này, Pháp quy tụ nhiều viện nghiên cứu khoa học và công nghệ, các trường đại học, cao đẳng... để tạo môi trường phát triển thuận lợi cho các ngành công nghệ cao.
Ngoài ra, để biến tiềm năng thành sức mạnh mềm, điều quan trọng là phải cải thiện nhận thức của các quốc gia/nhà đầu tư rằng, Việt Nam có thể là nơi phát triển công nghiệp công nghệ cao và đổi mới sáng tạo hàng đầu. Muốn khơi được tiềm năng đó, buộc phải cởi trói cho đầu tư nước ngoài vào số hóa. Điều dễ thấy nhất là việc tiêu thụ các sản phẩm văn hóa thông qua các nền tảng số số đang bùng nổ ở Việt Nam, như phim ảnh, chương trình truyền hình, ca nhạc…, trong khi ngành công nghiệp văn hóa phần lớn vẫn đóng cửa với nhà đầu tư nước ngoài.
Với Giáo sư kinh tế Yasuhiro Yamada, trợ lý đặc biệt của Chủ tịch Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) về vấn đề Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam, con đường sáng mà Việt Nam có thể bật dậy nhanh chóng, nhất là sau Covid-19, chính là đổi mới sáng tạo. Nguồn nhân lực sẵn có, nhất là thế hệ trẻ ngày càng thạo công nghệ, thậm chí còn dư giả các kỹ sư công nghệ thông tin trong nước gia công cho doanh nghiệp nước ngoài, cho thấy Việt Nam đủ sức để chuyển đổi số.
“Chỉ có bằng cách đổi mới sáng tạo, Việt Nam mới có thể sản xuất các mặt hàng giá trị gia tăng cao hơn và cạnh tranh trên thị trường toàn cầu”, ông Yamada nhấn mạnh.
Trong khi đó, với góc tiếp cận sức mạnh mềm cần đặt con người vào trung tâm, ông Shanmuga Retnam đánh giá, Việt Nam đang đi đúng hướng khi chủ động tìm kiếm, chiêu mộ nhân tài người Việt ở nước ngoài trở về cống hiến cho quê hương.
Để chủ động hơn trong sân chơi toàn cầu, Việt Nam cần trở thành nơi đáng sống cho các nhân tài, lao động chất lượng cao nước ngoài - những người có khả năng thích ứng với nền văn hóa đa dạng, hiểu được sự năng động của thị trường khu vực và toàn cầu. Muốn vậy, cần có cơ chế khuyến khích thu hút nhân tài vào khu vực tư nhân, như cách mà các tập đoàn kinh tế hàng đầu Việt Nam như Vingroup hay TH đã và đang làm.
10 từ khóa để Việt Nam thắp lửa đổi mới sáng tạo:
Thị trường/cạnh tranh
Hợp tác
Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ
Nhân lực (trong nước, chuyên gia nước ngoài)
Vốn
Trang thiết bị
Thông tin/kiến thức/dữ liệu
Ưu đãi
Đa dạng
Văn hóa và khả năng lãnh đạo
(Khuyến nghị của Giáo sư kinh tế Yasuhiro Yamada, trợ lý đặc biệt của Chủ tịch ERIA về vấn đề Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam)