Số lượng này còn được dự báo sẽ tăng lên sau kỳ nghỉ hè khi trẻ lạm dụng các thiết bị điện tử, như: Tivi, laptop, điện thoại... đồng thời lại ít hoạt động ngoài trời, ở trong nhà nhiều.
Vào thời điểm nghỉ hè, số lượng trẻ đi khám các tật khúc xạ, trong đó có cận thị gia tăng đáng kể. |
Việt Nam có gần 3 triệu trẻ em mắc tật khúc xạ, trong đó chiếm hơn 70% trường hợp cận thị. Có thể thấy, áp lực học tập cùng với sự tiếp cận dễ dàng của các thiết bị điện tử (tivi, điện thoại, máy tính,…) khiến tỷ lệ mắc tật khúc xạ tăng nhanh, đặc biệt các dịp nghỉ hè.
Tại Khoa Mắt của Bệnh viện Đông Đô, Hà Nội, thời điểm bình thường chỉ khám cho 3-5 trẻ bị cận thị/ngày thì vào dịp hè như hiện nay, số lượng trẻ đến khám tăng lên từ 15 đến 20 trẻ/ngày.
Bác sĩ Nguyễn Vinh Quang, Trưởng khoa Mắt cho biết, đa phần trẻ đến khám đều có tiền sử lạm dụng các thiết bị công nghệ, như tivi, điện thoại, laptop, ipad... Tỷ lệ mắc cận thị ở học sinh thành thị là khá cao.
Theo đó, sau thời gian học ở trường, chỉ chủ yếu ở trong nhà, xem tivi, sử dụng điện thoại thông minh quá nhiều, hạn chế tiếp xúc với không gian, ánh sáng bên ngoài khiến thị lực bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, có thực tế là nhiều gia đình tranh thủ thời gian nghỉ hè đưa trẻ đi khám mắt. Do đó, mỗi dịp hè, số lượng trẻ đến khám cận thị lại gia tăng. Ngoài ra, còn có những trường hợp bị tăng độ cận thị do chơi game, sử dụng các thiết bị công nghệ điện tử quá nhiều.
Tương tự, tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông (Hà Nội), trung bình mỗi ngày tiếp nhận khoảng 70-80 trường hợp đến khám về tật khúc xạ (cận thị, viễn thị, loạn thị), có ngày lên tới 100 trường hợp; trong đó tỷ lệ trẻ bị cận thị chiếm nhiều nhất.
Theo các bác sĩ khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, vấn đề chung của các gia đình cho con đến khám mắt là phát hiện thấy thị lực của trẻ rất kém.
Nếu ngày nào trẻ cũng xem tivi quá gần, trong không gian hẹp, khoảng cách từ mắt tới tivi nhỏ hơn 3m và xem trong khoảng thời gian nhiều hơn 3 giờ đồng hồ sẽ làm cho thị lực suy giảm rất nhanh.
Theo các chuyên gia nhãn khoa, có 3 cách điều trị tật khúc xạ bao gồm đeo kính mắt, đeo kính áp tròng hoặc phẫu thuật.
Đeo kính mắt là phương pháp được dùng phổ biến vì tiện lợi, hợp túi tiền, dễ thay đổi, nhiều loại kính nhưng lại dễ quên đem theo, dễ gãy….Hãy kiểm tra độ kính 6 tháng/lần.
Người cận thị thường hay đeo kính, vậy viễn thị có phải đeo kính không? Người bị viễn thị có thể mang kính, tuy nhiên việc này cần tham khảo ý kiến của chuyên gia y tế.
Mang kính áp tròng (còn gọi là mang kính tiếp xúc): Loại kính này phù hợp với lứa tuổi thanh thiếu niên và người lớn. Ưu điểm của phương pháp là nhỏ gọn, người ngoài nhìn vào khó nhận biết được tật khúc xạ.
Song, việc mang kính áp tròng cũng gặp những trở ngại nhất định như phải tháo lắp, ngâm rửa hàng ngày, nếu không khéo có thể gây trầy xước giác mạc, nhiễm trùng. Kính cũng có thể dị ứng với một số người.
Phẫu thuật khúc xạ: Người bệnh có thể phẫu thuật mắt bằng Lasik - một loại phẫu thuật sử dụng tia laser để khắc phục các vấn đề về thị lực, đặc biệt là những vấn đề do tật khúc xạ gây ra.
Một ca phẫu thuật mắt Lasik kéo dài dưới 30 phút, đây là phương pháp phổ biến nhất với hơn 40 triệu ca phẫu thuật đã được thực hiện trên toàn thế giới.
PGS-TS.Nguyễn Thị Thu Hiền, Trưởng khoa Khúc xạ, Trung tâm Mắt công nghệ cao Tâm Anh, Trước khi quyết định phẫu thuật Lasik, bác sĩ sẽ thực hiện một số kiểm tra, đánh giá để quyết định việc thực hiện ca phẫu thuật.
Các bước kiểm tra bao gồm: Đo bề mặt và độ dày giác mạc. Kiểm tra tình trạng khô mắt. Đo tật khúc xạ. Kiểm tra xem thị lực gần đây có thay đổi không
Song song với phẫu thuật mắt bằng Lasik, thị lực có thể được cải thiện bằng phương pháp PRK (phẫu thuật cắt bỏ giác mạc bằng ánh sáng), đây là một loại phẫu thuật mắt bằng laser khúc xạ ngoại trú giúp điều trị cận thị, viễn thị và loạn thị.
Tuy nhiên, phương pháp này cũng được khuyến cáo với một số đối tượng như: người có bệnh tăng nhãn áp, người đang mang thai hoặc đang cho con bú, người bị đục thủy tinh thể, có sẹo trong mắt hoặc từng chấn thương giác mạc,…
Những phương pháp phẫu thuật nói trên có thể gặp một số rủi ro không mong muốn, vì vậy trước khi lựa chọn phương pháp chữa tật khúc xạ, người bệnh cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Các chuyên gia nhãn khoa cho rằng, tật khúc xạ tuy không quá nguy hiểm nhưng lại gây nhiều phiền toái trong cuộc sống và sinh hoạt. Do đó, cần chủ động chăm sóc, bảo vệ đôi mắt bằng cách thay đổi lối sống, thói quen sinh hoạt không lành mạnh.
Theo đó, nên đi khám mắt định kỳ 6 tháng/lần, nhất là với những người đã mắc các tật khúc xạ. Đừng để khi có những dấu hiệu nghiêm trọng mới tìm đến bác sĩ.
Bên cạnh đó, cần xây dựng cho bản thân thói quen sống và sinh hoạt lành mạnh. Cải thiện môi trường học tập, làm việc đủ ánh sáng, điều chỉnh khoảng cách tầm 50-60cm khi đọc sách hoặc khi sử dụng các thiết bị điện tử.
Có thể áp dụng quy tắc 20-20-20 để mắt được nghỉ ngơi sau khoảng thời gian làm việc, học tập. Cụ thể, sau 20 phút làm việc với các thiết bị điện tử, nên cho mắt nghỉ 20 giây và nhìn ra xa 20 feet (xấp xỉ 6m)
Với trẻ nhỏ, cần tập cho con ngồi học đúng tư thế, kiểm soát thời gian trẻ sử dụng thiết bị thông minh. Bên cạnh thời gian học tập nên cho con tham gia các hoạt động ngoài trời, dắt trẻ thăm khám mắt mỗi 6 tháng/lần hoặc ngay khi có các biểu hiện nghi ngờ như: mờ mắt, dụi mắt, nheo mắt, nghiêng đầu, cúi sát tập vở,… để kịp thời phát hiện và điều chỉnh tật khúc xạ.
Ngoài ra, cần ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, đa dạng các loại thực phẩm như khoai lang, cà rốt (cung cấp nhiều vitamin A); cải bó xôi, trứng (nguồn cung cấp lutein và zeaxanthin hỗ trợ bảo vệ võng mạc), sữa và các sản phẩm từ sữa (chứa vitamin A và kẽm)…