Sức khỏe doanh nghiệp
DNP Corp chào bán hơn 10,9 triệu cổ phiếu để trả nợ vay ngắn hạn 3 ngân hàng
Hồng Phúc - 24/11/2021 16:36
Công ty cổ phần Nhựa Đồng Nai (DNP Corp, HNX: DNP) vừa công bố thông tin về đợt chào bán hơn 10,9 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, theo tỷ lệ 10:1 với giá 20.698 đồng/cổ phiếu.

Tổng giá trị vốn huy động đợt này ước khoảng 225,9 tỷ đồng và được công ty dùng để bổ sung vốn lưu động, cụ thể là trả nợ vay ngắn hạn tại 3 ngân hàng gồm VietinBank, BIDV và TP Bank trong quý cuối năm nay với số tiền lần lượt là 107,7 tỷ đồng, 87,2 tỷ đồng và 30,9 tỷ đồng.

Thời gian chuyển nhượng quyền mua sẽ diễn ra từ ngày 8/12/2021 đến ngày 22/12/2021. Đây là loại cổ phiếu phổ thông, chủ sở hữu được tự do chuyển nhượng. 

Ban lãnh đạo DNP Corp đánh giá, rủi ro của đợt chào bán này là không được bảo lãnh phát hành của đơn vị tư vấn nên có thể xảy ra rủi ro cổ phiếu không được mua hết như kế hoạch. 

Trong trường hợp cổ đông hiện hữu không thực hiện mua hết số cổ phần chào bán, HĐQT Nhựa Đồng Nai sẽ xem xét chào bán cho các đối tượng khác nhưng vẫn đảm bảo giá chào bán không thấp hơn giá chào bán cho cổ đông hiện hữu.

Số lượng cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán.

Lần gần nhất vào giữa tháng 11/2020, DNP Corp chào bán xấp xỉ 9,2 triệu cổ phiếu và thu về 189,3 tỷ đồng. Nguồn vốn này đã được dùng để góp vốn vào công ty con (với 159,4 tỷ đồng) và trả nợ vay ngân hàng. 

Rủi ro pha loãng thu nhập cơ bản trên mỗi cổ phiếu (EPS) sau đợt phát hành lần này của DNP Corp.





Tiền thân của Nhựa Đồng Nai là công ty Nhà nước được thành lập từ năm 1976 và quá trình cổ phần hoá diễn ra vào năm 2004.

2 năm sau khi cổ phần hoá, DNP được niêm yết tại HNX. Đến nay, công ty này đăng ký ngành nghề kinh doanh chính gồm nước sạch và môi trường, vật liệu xây dựng, bao bì và sản phẩm gia dụng, vốn điều lệ hiện tại ở mức 1.091 tỷ đồng. 

DNP Corp hoạt động theo mô hình công ty đầu tư, thực hiện quản lý vốn, quản lý chiến lược đầu tư phát triển các công ty thành viên, nghiên cứu đầu tư xây dựng nhà máy mới, thực hiện M&A

Hồi cuối tháng 3/2021, doanh nghiệp này trở thành cổ đông lớn khi nắm 51,14% vốn Công ty cổ phần CMC - công ty sản xuất gạch ốp lát lớn nhất Việt Nam. 

Ngoài ra, DNP Corp còn có 3 công ty con trực tiếp, 21 công ty con gián tiếp và 9 công ty liên kết. 

So sánh DNP Corp và doanh nghiệp cùng ngành theo một số chỉ tiêu (Nguồn: Bản cáo bạch DNP Corp).

Việc chủ yếu phải nhập khẩu nguyên liệu nhựa khiến ngành nhựa Việt Nam nói chung và DNP Corp nói riêng chịu tác động tức thời khi giá nguyên liệu nhựa trên thế giới biến động.

Giá nguyên vật liệu đầu vào chiếm từ 70-80% trong cơ cấu chi phí sản xuất, điều này khiến biên lợi nhuận của công ty bị ảnh hưởng lớn khi chi phí đầu vào tăng.

Ngoài ra, tại Việt Nam hiện có khoảng 3.300 doanh nghiệp ngành nhựa hoạt động, với quy mô doanh thu khoảng 15 tỷ USD, trong đó, doanh nghiệp nội địa chiếm hơn 80%, không có nhiều doanh nghiệp quy mô lớn.

Trong ngành nhựa, DNP Corp cho biết, họ đang nắm khoảng 40% thị phần trong lĩnh vực ống nhựa hạ tầng.

Sau khi chi phối Công ty Nhựa Tân Phú, doanh nghiệp này gia tăng các sản phẩm nhựa công nghiệp với công suất 2.000 tấn/tháng và có tên trong tốp 5 doanh nghiệp có thị phần lớn trong mảng này.

Trong giai đoạn từ năm 2019 đến nay, mảng ống nhựa, phụ kiện thiết bị ngành nước, gạch ngói đóng góp từ 31% đến 45% trong tổng doanh thu và khoảng 40% lợi nhuận gộp của DNP Corp.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm nay, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần 3.402 tỷ đồng và lãi ròng 8 tỷ đồng; nợ phải trả đến cuối kỳ tăng mạnh so với hồi đầu năm, lên hơn 10.473 tỷ đồng trong đó, 6.605 tỷ đồng nợ dài hạn.

Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch ngày 24/11, giá cổ phiếu DNP tăng 0,48% lên 20.800 đồng/cổ phiếu.

Tin liên quan
Tin khác