Chuyển động thị trường
Doanh nghiệp bàn tới việc sử dụng công cụ bất động sản để khôi phục kinh tế
Khánh Linh - 22/04/2023 11:35
Theo quan sát của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, các nước trong khu vực đã có nhiều giải pháp để khôi phục kinh tế hậu Covid-19 thông qua công cụ bất động sản.
TS. Đoàn Văn Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch CEO Group phát biểu tại Hội thảo Khoa học Quốc gia "Kinh tế Việt Nam năm 2022 và triển vọng năm 2023 của NEU

Theo quan sát của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, các nước trong khu vực đã có nhiều giải pháp để khôi phục kinh tế hậu Covid-19 thông qua công cụ bất động sản, ông Đoàn Văn Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch CEO Group chia sẻ thông tin tại Hội thảo Khoa học Quốc gia "Kinh tế Việt Nam năm 2022 và triển vọng năm 2023: Ổn định và phát triển thị trường bất động sản” do Trường Đại học Kinh tế quốc dân NEU vừa tổ chức.

Trước khi ông Bình có ý kiến này, các chuyên gia kinh tế đã phân tích, một trong những điểm nghẽn cần đột phá trong năm 2023 để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chính là thị trường bất động sản. Nếu giải quyết tốt được thị trường bất động sản sẽ giúp lành mạnh hóa thị trường tiền tệ - vốn, phát triển các ngành công nghiệp liên quan như xi măng, thép, đồng thời giải quyết được số lượng lớn việc làm.

Thậm chí, TS.Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã nhấn mạnh tới áp lực thanh khoản trên thị trường bất động sản vẫn là rủi ro lớn đối với kinh tế Việt Nam 2023. Dòng tiền của doanh nghiệp vào cuối quý IV/2022 đã suy giảm mạnh, khả năng thanh toán lãi vay ở mức thấp, khả năng trả nợ suy giảm trong khi áp lực đáo hạn trái phiếu ở mức cao, các kênh vốn chính của doanh nghiệp  còn nhiều khó khăn...

"Hiện nay, tại nhiều địa phương, nhất là TP.HCM, Hà Nội, Khánh Hòa, Đà Nẵng đang tồn đọng một số lượng lớn các dự án bất động sản cần cơ chế đặc thù để xử lý sau kết luận thanh tra, kiểm tra và các bản án; nếu xử lý được sẽ có một nguồn lực rất lớn để góp phần thúc đẩy tăng trưởng cho năm 2023", TS. Hiển nhận định.

Ông đề xuất, trong bối cảnh kinh tế thế giới kém thuận lợi, Việt Nam cần kịp thời đưa ra các chính sách kích cầu, giãn nợ, cũng như tạo điều kiện để các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản, có thể huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu.

Chia sẻ quan điểm này, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Việt Nam cho rằng, trạng thái đóng băng của thị trường bất động sản không phải do giảm cầu, không phải do không có nhu cầu thực mà do các vướng mắc pháp lý. 

Trong Báo cáo Kinh tế Việt Nam thường niên 2022 của NEU mang chủ đề Ổn định và phát triển thị trường bất động sản vừa được công bố cũng chỉ ra, cầu bất động sản ở thực vẫn rất lớn (do tăng trưởng kinh tế ổn định, tốc độ đô thị hóa và hạ tầng tăng nhanh) nhưng nguồn cung không đủ đáp ứng (đặc biệt là sản phẩm có giá phù hợp), tỷ lệ giao dịch thấp, khả năng hấp thụ của thị trường yếu.

Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, ông Đoàn Văn Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch CEO Group thừa nhận thẳng thắn, nếu không thay đổi pháp lý, thể chế, vốn, huy động doanh nghiệp tham gia vào thì ngay cả Đề án xấy dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội mà Thủ tướng vừa ban hành cũng rất khó khả thi. 

"Trong giai đoạn này, doanh nghiệp đề xuất Chính phủ tháo gỡ ưu tiên tháo gỡ pháp lý cho các bất động sản thương mại vừa túi tiền trước", ông Bình đề xuất.

Đặc biệt, ông Bình đã nhắc tới các công cụ bất động sản mà một số quốc gia trong khu vực đang áp dụng và thành công với mục tiêu khôi phục kinh tế sau dịch.

Campuchia ban hành chính sách ngôi nhà thứ hai. Gần đây, ngày 12/2/2023, Indonesia đã công bố chính sách khôi phục du lịch và tăng trưởng kinh tế là cấp visa cho du khách tại cửa khẩu và visa cho ngôi nhà thứ hai, dành cho người nước ngoài mua nhà tại Indonesia.

Thái Lan cũng đã thay đổi chính sách từng được xác định là nhạy cảm, đó là cho phép người nước ngoài mua diện tích đất tương đương 1.600 m2 để xây dựng nhà, nằm trong chiến lược thu hút người giàu, người sử dụng visa du mục kỹ thuật số đến đầu tư bất động sản.

Du mục kỹ thuật số visa là loại giấy phép cư trú tạm thời cho phép du khách có quyền ở lại một quốc gia và làm việc từ xa thông qua máy tính/laptop cho chủ lao động hoặc doanh nghiệp có trụ sở ở nước ngoài. Những thị thực này thường có thời hạn 12 tháng và có thể được gia hạn thêm một hoặc nhiều năm tùy thuộc vào quốc gia cấp thị thực.

Nhật Bản cũng đã bật đèn xanh cho một dự án casino tại đảo nhân tạo Yumeshima ở Osaka, mỗi năm dự kiến thu hút 4 tỷ USD từ du khách.

Các nước trong khu vực ASEAN và Đông Bắc Á đã dùng công cụ bất động sản, dự án bất động sản để thu hút đầu tư. Việt Nam cũng có thể xem xét công cụ này, theo quan điểm ông Bình đưa ra trao đổi.

"Chúng tôi cũng vừa họp Hội đồng Tư vấn du lịch để tìm kiếm thêm các giải pháp chính sách về thể chế, nguồn nhân lực, để thúc đẩy thị trường du lịch. Chúng ta mở cửa du lịch sớm, từ tháng 3 năm ngoái, nhưng không tận dụng được nhiều. Năm 2022, Việt Nam đón khoảng hơn 3,6 triệu lượt khách, năm nay có thể đạt mục tiêu 5 triệu lượt khách quốc tế, nhưng có thể đạt được cao hơn. Chúng tôi kiến nghị thêm đưa ra các chính sách mới", ông Bình đề xuất.

Vào thời điểm này, về chính sách visa, Chính phủ đang có phương án trình Quốc hội với nhiều thay đổi tích cực, như như cấp thị thực online cho tất cả các nước, thay vì 80 nước hiện tại; mở rộng danh mục các quốc gia được miễn visa cho khách du lịch, kéo dài thời hạn visa cho du khách...

Ông Bình kiến nghị xem xét thêm chính sách Việt Nam – ngôi nhà thứ hai; hay cấp thị thực cho du mục kỹ thuật số... Vì đây là các giải pháp mà các quốc gia trong khu vực đã triển khai và thành công.

Tin liên quan
Tin khác