Ngày mai (24/9), Hiệp hội Cà phê và Ca cao Việt Nam (Vicofa) sẽ có cuộc họp “khẩn” tại TP.HCM, với chủ đề: “Làm thế nào đẩy mạnh xuất khẩu cà phê niên vụ mới”.
Tại đây, các doanh nghiệp (DN) và chuyên gia trong ngành cà phê sẽ cùng nhau phân tích những khó khăn của DN ngành cà phê: nợ xấu, tình trạng thua lỗ phá sản, môi trường cạnh tranh không lành mạnh… để làm sao khi bước vào niên vụ mới (dự kiến từ đầu tháng 10/2013) mọi thứ được suôn sẻ hơn.
| ||
Doanh nghiệp ngành cà phê còn nhiều điểm yếu nội tại. (Ảnh: Đức Thanh) |
Liên quan đến vấn đề nợ xấu, cách đây 1 tháng, lần đầu tiên, Vicofa đã yêu cầu các DN hội viên báo cáo gấp về tình hình nợ xấu và đề xuất hướng giải quyết.
Tuy nhiên, đến nay mọi thứ vẫn chỉ dừng lại ở mức “đề nghị”, chứ chưa có chuyển biến gì tích cực.
Ông Vinh thừa nhận, DN trong ngành cà phê có nhiều điểm yếu nội tại liên quan đến chất lượng sản phẩm, trình độ kinh doanh thấp, thiếu chủ động đối phó với biến động của thị trường, đặc biệt là phải phụ thuộc quá nhiều vào vốn ngân hàng.
Mặc dù vậy, ngành cà phê ít được quan tâm, hỗ trợ, trong khi đây vẫn là ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam và rất cần vốn để đầu tư lâu dài.
Cần phải nhắc lại là, sau phiên họp Chính phủ thường kỳ 6 tháng đầu năm 2013, Chính phủ đã ra Nghị quyết 83/NQ-CP đồng ý giãn các khoản vay tín dụng xuất khẩu đối với DN ngành cà phê lên tối đa 12 - 36 tháng. Nhưng ông Vinh cho rằng, việc giãn nợ này mới chỉ giải quyết được phần rất nhỏ (khoảng 9%) nợ xấu tại BIDV, còn lại hơn 90% chủ yếu vay tại các ngân hàng thương mại cổ phần.
“Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính cần xử lý bằng cách phân nhóm năng lực trả nợ đối với DN. Chẳng hạn, những DN có đầu tư vào vùng nguyên liệu, nhà máy chế biến, có khả năng sản xuất, kinh doanh và trả nợ thì cần giãn nợ trong thời gian dài”, ông Vinh đề nghị và cho biết, ngoài chuyện giãn nợ, khoanh nợ, Vicofa còn kiến nghị Ngân hàng Nhà nước có cơ chế cho vay mới.
Tuy nhiên, kiến nghị trên không dễ được chấp thuận, bởi hầu hết ngân hàng không muốn cho các đối tượng này vay. Đại diện ngân hàng thương mại cổ phần tại TP.HCM cho hay, ngành cà phê không nằm trong danh sách ưu tiên của ngân hàng này, vì theo họ, việc kinh doanh cà phê hiện tại khá bấp bênh và DN hay sử dụng tiền vào mục đích khác.
Từ chối bình luận về tình hình nợ xấu, nhưng ông Nguyễn Nam Hải, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Giám định cà phê và hàng hòa xuất khẩu (Cafecontrol) cho hay, ngoài nợ xấu, các DN cà phê đang phải đối mặt với tình trạng thua lỗ, phá sản hàng loạt, nhưng chưa có giải pháp gì tích cực để ngăn chặn tình trạng này.
Trong khi đó, tình trạng DN cà phê trốn thuế giá trị gia tăng (VAT) vẫn diễn ra khá phổ biến. Mặt khác, cơ chế hoàn thuế cho DN chậm được triển khai tại các địa phương và nhiều vấn đề khác liên quan đến thuế, dẫn tới thị trường cà phê đang vận hành không đúng cơ chế thị trường. Chẳng hạn, DN trốn thuế sẵn sàng trả giá cao hơn 1.000 đồng/kg cà phê nhân để cạnh tranh với DN nộp thuế. Điều này gây khó khăn rất lớn cho các nhà xuất khẩu cà phê trong việc cân đối hiệu quả kinh doanh.
Trước vòng luẩn quẩn trong việc tháo gỡ khó khăn nêu trên, báo chí nước ngoài cho rằng, ngành cà phê Việt Nam đang bị khủng hoảng trầm trọng. Tuy nhiên, theo ông Vinh, khó khăn, nợ nần đâu chỉ có ngành cà phê, nhưng vấn đề là, các doanh nghiệp thủy sản, điều, gạo lại được ưu tiên rất nhiều.
Ông Vinh cho hay, Vicofa đang đề xuất Chính phủ có chính sách về thu mua tạm trữ cà phê giống như gạo và thành lập quỹ phát triển ngành hàng cà phê Việt Nam thay cho Quỹ Bảo hiểm xuất khẩu đã hết thời. “Cần phải tái canh, nâng cao chất lượng sản xuất, xây dựng thương hiệu. Trong trường hợp có thu mua tạm trữ, thì quỹ cũng là một phần nguồn để hỗ trợ sản xuất”, ông Vinh nói.
Được biết, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính, Bộ Công thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm đề án này, nhưng hiện nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì.
Anh Hoa - Thanh Tân