Đó là khuyến nghị được PGS-TS. Nguyễn Anh Thu, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đưa ra tại Hội thảo “Tạo thuận lợi thương mại và đầu tư trong bối cảnh biến động toàn cầu” ngày 2/12, do Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Trường Đại học Thương mại và Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) tổ chức.
Hội thảo là sự kiện nằm trong chuỗi Hội thảo thường kỳ về Hội nhập Kinh tế quốc tế CIECI (Conference on International Economic Cooperation and Integration) được khởi xướng từ năm 2013 do nhóm nghiên cứu mạnh về Hội nhập Kinh tế quốc tế của Việt Nam, thuộc Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN tổ chức.
Hội thảo tập trung vào các vấn đề trong hội nhập kinh tế và các biến động của nền kinh tế thế giới (Covid-19, Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung…); Tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam và những điểm nhấn; tác động của hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là các FTA thế hệ mới (CPTPP, EVFTA ...) đến thương mại và đầu tư của Việt Nam; Thuận lợi hoá thương mại và đầu tư của Việt Nam trong bối cảnh biến động toàn cầu; Kết quả thực hiện các chính sách nhằm phục hồi nhanh và bền vững nền kinh tế trước các biến động toàn cầu.
Toàn cảnh Hội thảo |
Trao đổi tại Hội thảo, PGS-TS. Nguyễn Anh Thu cho rằng, bối cảnh hiện nay cần nhìn nhận là “biến động toàn cầu”, bao gồm các vấn đề lớn như đại dịch Covid-19, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, sự quay trở lại của chủ nghĩa bảo hộ, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư…
Mặc dù có sự quay lại của chủ nghĩa bảo hộ, rào cản nhất định đối với toàn cầu hóa, nhưng theo PGS-TS. Nguyễn Anh Thu, tự do hóa thương mại sẽ là xu hướng chung trong dài hạn mặc dù trong ngắn hạn có thể có rào cản nhất định.
“Điều này ko chỉ giúp giảm chi phí giao dịch, thương mại, đầu tư mà còn giúp chúng ta có được thuận lợi, lợi ích nhiều hơn từ toàn cầu hóa, từ đó phân bổ nguồn lực một cách hiệu quả nhất”, bà nói.
Nhấn mạnh đến bối cảnh đại dịch Covid-19, nữ Phó Hiệu trưởng cho biết, đại dịch đang tác động mạnh mẽ đến kinh tế toàn cầu. Hầu hết các quốc gia có tăng trưởng âm trong quý III/2020, đó là tác động rõ rệt nhất có thể nhìn thấy ngay.
Nhưng nghiên cứu ở mức độ sâu hơn có thể thấy, Covid-19 tác động đến chuỗi giá trị toàn cầu, gây đứt gãy chuỗi cung ứng, ở phía lao động, nguồn cung cấp lao động cho nhà máy bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó là ảnh hưởng tiêu cực tới vận chuyển hàng hóa quốc tế, điều này ảnh hưởng mạnh mẽ đến nguồn nguyên vật liệu, đầu ra.
Việt Nam mặc dù ghi nhận xuất siêu kỷ lục trong 11 tháng năm 2020, song theo bà Thu, nhiều hàng hóa khác nhau nhưng phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu nguyên vật liệu từ nước ngoài. “Sự đứt gãy này ảnh hưởng mạnh mẽ”, bà nói.
Ngoài ra, một vấn đề cũng được PGS-TS. Nguyễn Anh Thu chỉ ra là việc giãn cách xã hội tại các quốc gia là thị trường lớn của Việt Nam như Mỹ, EU cũng ảnh hưởng đến nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, sự phục hồi của thị trường Trung Quốc là tín hiệu sáng sủa với Việt Nam, bởi đây là thị trường xuất khẩu nông sản lớn của Việt Nam.
Để giảm bớt những tác động tiêu cực đó, về mặt chính sách, bà Thu cho rằng, thực thi các biện pháp tạo thuận lợi thương mại ở cả quy mô quốc gia và quốc tế. Điều này nhằm đảm bảo sự cung ứng liên tục của hàng hóa, không chỉ với những ngành hàng có nhu cầu cao và khẩn cấp như y tế, thực phẩm và công nghệ thông tin, mà còn là các nguyên vật liệu đầu vào để gia công xuất khẩu.
Tuy nhiên, theo bà Thu, việc thực hiện các biện pháp tạo thuận lợi hóa thương mại giữa Việt Nam và các đối tác không đồng đều, do đó cần sự nỗ lực hợp tác giữa các quốc gia.
PGS-TS. Nguyễn Anh Thu nhấn mạnh việc cần sự nỗ lực hợp tác giữa các quốc gia trong tạo thuận lợi hóa thương mại |
Đưa ra khuyến nghị cho các doanh nghiệp, PGS-TS. Nguyễn Anh Thu cho rằng, trong bối cảnh biến động toàn cầu, tất cả đều phải thay đổi, không chỉ ở cấp độ vĩ mô, quốc gia mà cấp độ từng ngành, từng doanh nghiệp, người dân cũng phải chủ động thay đổi. “Bản thân các doanh nghiệp Việt Nam, bên cạnh khắc phục cú sốc do Covid-19 thì cần chiến lược phát triển dài hạn”, bà lưu ý.
Theo ông Christopher Jeffery, Chủ tịch Phòng Thương mại Anh tại Việt Nam, phát triển các nguồn năng lượng mới sẽ góp phần vào tiến trình phục hồi cũng như phát triển được nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay, cùng với đó là cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
“Về chống dịch Covid-19 trong 2020, Việt Nam đã có những thành công nhất định trong việc tài phục hồi nền kinh tế, tuy nhiên, có một lo ngại trong ngành du lịch và dịch vụ khách sạn bị ảnh hưởng nhiều nhất. Chính vì vậy, Chính phủ các nước châu Âu cũng như Việt Nam theo tôi cần đang tập trung chủ yếu vào phát triển nguồn năng lượng mới để có thể phát triển hồi phục nền kinh tế”, ông Christopher Jeffery nói.