Bà Trịnh Thị Hương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định khi nói về vai trò của áp dụng thực hành ESG và các mô hình kinh doanh bền vững.
Bà Trịnh Thị Hương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư |
Ngay từ năm 2024, nhiều thị trường xuất khẩu hàng hóa chủ chốt của Việt Nam như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... đều đã và đang chuẩn bị cho những quy định cụ thể về sản xuất bền vững, gắn với bảo vệ môi trường. Áp lực đang đè nặng các doanh nghiệp Việt, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu, thưa bà?
Thời điểm này, câu chuyện không còn là áp lực mà là bắt buộc. Các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu hay các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, bắt buộc phải chuyển đổi xanh để không bị loại khỏi “cuộc chơi” bởi các tiêu chuẩn cao về ESG (môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp) do các thị trường nhập khẩu đặt ra.
Liên minh châu Âu (EU) đã ban hành nhiều quy định liên quan tới vấn đề phát triển xanh và bền vững. Ví dụ như, Quy định không phá rừng (EUDR – EU Deforestation Regulation) đưa ra các yêu cầu bắt buộc mới vào năm 2024, hướng tới các mặt hàng có tác động lớn nhất đến nạn phá rừng và một số sản phẩm có nguồn gốc từ chúng như cà phê, ca cao, đậu nành, dầu cọ, gia súc, gỗ và các sản phẩm từ gỗ… Các doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng này sang thị trường châu Âu sẽ phải thực hiện thẩm định chuỗi cung ứng đảm bảo không sản xuất trên đất phá rừng hoặc gây suy thoái rừng.
EU cũng đặt ra những quy định khắt khe đối với hàng hoá nhập khẩu như Thoả thuận xanh châu Âu kèm theo các cơ chế, chương trình như Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). Từ ngày 01/10/2023, CBAM thực hiện áp dụng thí điểm cho giai đoạn chuyển tiếp và dự kiến sẽ thực hiện đầy đủ từ năm 2026.
Trong ngắn hạn, CBAM sẽ ảnh hưởng tới 4 mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU là thép, nhôm, xi măng, phân bón. Nhưng sau năm 2026, phạm vi của CBAM có thể được mở rộng, bao gồm tính cả thuế phát thải carbon gián tiếp và nhiều sản phẩm sản xuất thải nhiều khí carbon ra môi trường như hóa chất hữu cơ, polyme (nhựa)… Và cuối cùng, cơ chế giao dịch phát thải (ETS) sẽ tác động mạnh đến tất hàng hóa xuất khẩu Việt Nam vào EU thuộc phạm vi điều chỉnh của ETS.
Không chỉ châu Âu, các thị trường khác trên thế giới cũng đã “rậm rịch” theo hướng CBAM. Đơn cử như Mỹ với Dự luật S.4335 “Đạo luật Cạnh tranh sạch”, dự kiến được áp dụng từ năm 2024 đối với hàng hoá sơ cấp và từ năm 2026 đối với cả hàng hoá sơ cấp và thành phẩm. Dự luật có phạm vi bao phủ ngành đầy đủ hơn cơ chế CBAM của EU, áp dụng với 12 ngành hàng, mở rộng sang một số ngành khác như công nghiệp thuỷ tinh, công nghiệp giấy...
Trong xu hướng này, cần xác định rõ doanh nghiệp Việt phải thay đổi tư duy, quan tâm tới “yếu tố xanh” trong sản xuất, chuỗi cung ứng, thương mại để đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của thị trường quốc tế.
Khi đó, áp lực tuân thủ chính là động lực để doanh nghiệp đã và đang lựa chọn chuyển đổi xanh, áp dụng thực hành ESG và kinh doanh bền vững sẽ chủ động nắm bắt được các cơ hội thị trường mới, chuẩn bị tốt hơn cho các yêu cầu khắt khe của các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam trong hiện tại và tương lai.
Để nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp Việt Nam về vai trò và tầm quan trọng của áp dụng thực hành ESG và các mô hình kinh doanh bền vững, đồng thời, cung cấp những hỗ trợ cụ thể và thiết thực cho doanh nghiệp, Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), thông qua Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (IPSC), tổ chức Chương trình Sáng kiến ESG Việt Nam.
Doanh nghiệp có thể hưởng lợi gì từ Chương trình này, thưa bà?
Sáng kiến ESG Việt Nam 2024 với chủ đề “Đón đầu cơ hội chuyển đổi xanh” đã được khởi động vào cuối năm 2023. Với thông điệp này, chúng tôi khuyến khích doanh nghiệp chủ động đón đầu các cơ hội mới trong bối cảnh chuyển đổi xanh và nâng cao sức cạnh tranh khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Sáng kiến ESG Việt Nam 2024 sẽ tiếp tục tài trợ thí điểm, triển khai hoặc nhân rộng các sáng kiến xuất sắc nhằm lan tỏa các mô hình kinh doanh bền vững với tổng giá trị hỗ trợ kỹ thuật lên tới 2 tỷ đồng cho 3 doanh nghiệp chiến thắng. Một số hạng mục hỗ trợ kỹ thuật nổi bật bao gồm: nâng cao năng lực về ESG, chuyển đổi xanh; tư vấn chiến lược và xây dựng kế hoạch hành động về kinh doanh bền vững; xây dựng báo cáo phát triển bền vững; tiến hành kiểm kê khí nhà kính và xây dựng kế hoạch giảm phát thải…
Các doanh nghiệp tham gia chương trình sẽ được hỗ trợ tiếp cận các đối tác trong và ngoài nước hỗ trợ hệ sinh thái kinh doanh bền vững, mở rộng quan hệ đối tác, học hỏi và nâng cao kiến thức cũng như kinh nghiệm về áp dụng ESG và các mô hình kinh doanh bền vững, tiếp cận các chương trình hỗ trợ của nhà nước, các quỹ đầu tư, tổ chức tín dụng dành cho doanh nghiệp kinh doanh bền vững tại Việt Nam.
Đây là năm thứ hai Chương trình Sáng kiến ESG Việt Nam được tổ chức. Sáng kiến ESG Việt Nam 2023 đã thu hút gần 150 hồ sơ đăng ký từ các doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Trong đó, 3 doanh nghiệp chiến thắng chung cuộc đã nhận được hỗ trợ kỹ thuật có tổng trị giá lên tới 2 tỷ đồng để thí điểm triển khai hoặc nhân rộng các sáng kiến kinh doanh bền vững tại doanh nghiệp.
Dù vậy, ESG vẫn còn khá mới mẻ với nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa…
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành thông tư 13/2023/TT-BKHĐT về hướng dẫn cơ chế tổ chức thực hiện “Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022-2025” ban hành kèm theo Quyết định số 167/QĐ-TTg ngày 8/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Thông tư giới thiệu những bộ công cụ đánh giá kinh doanh bền vững cho phép doanh nghiệp tự đánh giá để đo lường hiệu quả mô hình kinh doanh theo các tiêu chí bền vững, hướng tới mục tiêu cân bằng lợi ích kinh tế với bảo vệ môi trường, phát triển con người và xã hội một cách tổng hoà và bao trùm.
Bộ công cụ này giúp doanh nghiệp có thể dễ dàng tự đánh giá các mô hình kinh doanh bền vững như thực hành kinh doanh áp dụng ESG, mô hình áp dụng kinh tế tuần hoàn và mô hình kinh doanh bao trùm. Các công cụ này được phát triển dựa trên các tiêu chuẩn được công nhận phổ biến, có điều chỉnh cho phù hợp với bối cảnh cụ thể của các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Chúng tôi cũng muốn nhấn mạnh, việc áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững cũng như thực hành ESG sẽ giúp các doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu của thị trường, đối tác và nhà đầu tư; tiếp cận các nguồn vốn đầu tư xanh; nâng cao hình ảnh và thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế. Đây là cơ hội tốt để doanh nghiệp biến áp lực thành động lực và tạo ra những giá trị mới cho doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp có thể dễ dàng sử dụng bộ công cụ này trên trang thông tin điện tử chính thức của Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về áp dụng kinh doanh bền vững https://esg.business.gov.vn/evaluate.