Thời sự
Doanh nghiệp châu Âu mong tăng hậu kiểm, giảm "tiền kiểm"
Hải Yến - 14/11/2013 09:05
Sách Trắng 2014 tập hợp hàng loạt kiến nghị của doanh nghiệp châu Âu gửi Chính phủ Việt Nam với mong muốn Chính phủ tháo gỡ kịp thời những khó khăn, giải tỏa bớt quan ngại để hoạt động kinh doanh tại Việt Nam của doanh nghiệp châu Âu khởi sắc hơn. >>> EuroCham ủng hộ xây Sân bay Quốc tế Long Thành >>> DN châu Âu chấm điểm môi trường kinh doanh Việt Nam

Sách Trắng 2014 - Các vấn đề thương mại/đầu tư và kiến nghị của Cộng đồng doanh nghiệp châu Âu vừa được Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố ngày 11/11 tại Hà Nội.

Buổi họp báo công bố Sách Trắng 2014 của EuroCham tại Hà Nội

Là ấn phẩm thường niên đưa ra những đánh giá tổng thể về môi trường kinh doanh, kinh tế và pháp lý hiện tại của Việt Nam dưới góc nhìn của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu, Sách Trắng 2014 còn phản ánh mong muốn của EuroCham đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam nhằm đạt được những mục tiêu chung, như thúc đẩy và tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam; đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới cho người dân Việt Nam và ban hành những thay đổi tích cực về mặt xã hội và môi trường.

Kiến nghị để thay đổi tích cực hơn

Trong Sách Trắng năm nay, một trong những quan ngại mà doanh nghiệp đề cập nhiều nhất là thủ tục hành chính còn rườm rà, nhiêu khê.

Đại diện một doanh nghiệp thuộc ngành hàng tiêu dùng nhanh của EuroCham (FMCG) nhận xét, dù Luật Quảng cáo cho thấy, Việt Nam đang hướng đến một hệ thống quản lý “hậu kiểm”, trong đó tập trung vào việc phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm, nhưng trên thực tế, các bộ, ngành liên quan lại có xu hướng muốn áp dụng cơ chế “tiền kiểm”, đòi hỏi sản phẩm và quy trình phải được phê duyệt trước.

“Việc hệ thống hóa các quy trình và sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan quản lý sẽ giúp tăng cường thực thi pháp luật, từ đó góp phần củng cố niềm tin của nhà đầu tư”, vị đại diện này đề nghị.

Cùng với bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, giao nhận và vận tải, phát triển bền vững, giáo dục - đào tạo, các vấn đề về thuế, thực thi ưu đãi thuế là các chủ đề được thảo luận xuyên suốt trong Sách Trắng 2014. Phần lớn doanh nghiệp châu Âu cho rằng, các quy định hiện hành chưa cho phép áp dụng chính sách ưu đãi thuế một cách thống nhất.

Lý do là, danh sách các khu vực được hưởng điều kiện đầu tư thuận lợi và ưu đãi vừa được quy định trong các luật liên quan đến đầu tư, lại vừa được quy định trong luật thuế (thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp). Trong khi đó, các cơ quan thuế chỉ căn cứ điều kiện thuận lợi và ưu đãi về đầu tư chiếu theo luật thuế chứ không căn cứ những quy định của Luật Đầu tư.

Bởi vậy, nhiều doanh nghiệp châu Âu kiến nghị, phải có sự đảm bảo từ phía Chính phủ rằng, việc áp dụng ưu đãi thuế là minh bạch và nhất quán giữa cơ quan thuế các địa phương và phản ánh đúng mục đích của khung pháp lý nhằm khuyến khích đầu tư…

“Mặc dù một số ngành đã có khuôn khổ pháp lý đầy đủ, nhưng thách thức chính vẫn xoay quanh việc thực hiện các quy định này. Nguyên nhân phần lớn là do sự chậm trễ trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn thực thi luật và việc chính quyền địa phương các cấp có cách hiểu và áp dụng các quy định của pháp luật khác nhau”, ông Preben Hjortlund, Chủ tịch EuroCham nhận định và cho biết thêm, thực tế này được các doanh nghiệp châu Âu ghi nhận cụ thể, như việc tạo những cơ hội bình đẳng cho các doanh nghiệp nước ngoài tiếp cận thị trường.

Chẳng hạn, Nghị định 102/2010/NĐ-CP ngày 1/10/2010 của Chính phủ quy định rõ rằng, doanh nghiệp thành lập ở Việt Nam có sở hữu nước ngoài không quá 49% vốn điều lệ có thể hưởng các điều kiện đầu tư như đối với nhà đầu tư trong nước.

Thế nhưng, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp thành viên, không có một sự nhất quán trong việc diễn giải và áp dụng luật ở các cơ quan cấp giấy phép đầu tư tại địa phương.

Tương tự, các tiểu ban ngành, nghề của EuroCham cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải đảm bảo cơ chế thực thi quyền sở hữu trí tuệ một cách hiệu quả và có sự phối hợp thông qua việc khởi tố kiên quyết hơn các hành vi vi phạm.

Theo Sách Trắng 2014, EuroCham kiến nghị, cần đưa các tiêu chuẩn Việt Nam tiến gần hơn đến các thông lệ quốc tế để nâng cao khả năng cạnh tranh của Việt Nam, mở đường cho hội nhập khu vực và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ.

“Việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt trong mua sắm công và đấu thầu sẽ giúp đảm bảo tính minh bạch và nhất quán, giúp tăng hiệu suất và mang lại kết quả tốt nhất cho người tiêu dùng”, ông Preben Hjortlund nhấn mạnh.

Hướng đến môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh

Một mặt chỉ ra những vướng mắc, tồn tại ở nhiều lĩnh vực, đưa ra kiến nghị với mong muốn nhận được sự chia sẻ của Chính phủ Việt Nam, Sách Trắng 2014 cũng nhấn mạnh rằng, các doanh nghiệp châu Âu đánh giá cao mối quan hệ và sự hợp tác chặt chẽ giữa Chính phủ Việt Nam với EuroCham.

Các doanh nghiệp châu Âu ghi nhận việc các cơ quan chức năng đã bắt đầu triển khai một số thay đổi tích cực trong các lĩnh vực như ưu đãi thuế, nhân lực (thông qua Bộ luật Lao động mới), du lịch có trách nhiệm… Đặc biệt, việc bãi bỏ Thông báo 197/TB-BCT ngày 6/5/2011 của Bộ Công thương về việc nhập khẩu rượu, mỹ phẩm, điện thoại di động liên quan đến các yêu cầu về nhập khẩu và việc thông qua Luật Giá được xem là những bước đi đáng hoan nghênh.

Tuy nhiên, để môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh hơn, tạo thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp châu Âu cũng mong muốn có được sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa Chính phủ và khu vực tư nhân.

Thông qua tổng hợp quan điểm của gần 800 doanh nghiệp thành viên EuroCham hoạt động trong nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau tại Việt Nam, Sách Trắng 2014 cũng chỉ rõ, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn khi kinh doanh ở Việt Nam, song bất chấp lo ngại về mức độ lạm phát và triển vọng kinh tế vĩ mô, trong tương lai, cộng đồng doanh nghiệp châu Âu vẫn luôn lạc quan tin tưởng về triển vọng kinh doanh và cam kết đầu tư dài hạn tại Việt Nam, đặc biệt là những tín hiệu tích cực trong đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu (EU) - Việt Nam.

Ông Csaba Bundik, Giám đốc điều hành của EuroCham cho hay, những câu chuyện vừa được Sách Trắng 2014 đưa ra cùng những kiến nghị tại thời điểm này rất thích hợp với việc phát triển các mối quan hệ thương mại quốc tế của Việt Nam.

“Việt Nam đang tham gia vào một số cuộc đàm phán, bao gồm Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam và hướng đến Cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Những kiến nghị được đề cập trong Sách Trắng sẽ góp phần hỗ trợ Chính phủ đạt được kỳ vọng trở thành một quốc gia mạnh trong khu vực”, ông Csaba Bundik nhấn mạnh.

Tin liên quan
Tin khác