Doanh nghiệp
Doanh nghiệp châu Âu than khó với quy định kinh doanh đồ uống
Hoàng Anh - 25/03/2019 10:11
Quy định cấm bán đồ uống có cồn trên Internet đang gây ra nhiều quan ngại đối với một số doanh nghiệp đến từ châu Âu.
Đại diện một số doanh nghiệp châu Âu tại Lễ ra mắt Sách trắng 2019 của Eurocham.

Băn khoăn quy định cấm bán đồ uống có cồn trên Internet

Bên lề Lễ ra mắt Sách trắng 2019 của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) với chủ đề “Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA): Đổi mới và số hóa công nghiệp vì một Việt Nam thịnh vượng”, một số doanh nghiệp châu Âu đã bày tỏ quan ngại đối với quy định cấm bán đồ uống có cồn trên Internet và sự bất ổn định của các chính sách thuế có thể gây cản trở đối với môi trường đầu tư của Việt Nam.

Ông Paul Auriol, đồng Chủ tịch Tiểu ban Rượu vang và Rượu mạnh Eurocham nêu quan điểm, kinh doanh rượu là loại hình kinh doanh có điều kiện, nhưng không bị cấm bởi bất kỳ văn bản pháp luật nào tại Việt Nam. Không có mặt hàng nào thuộc Danh mục hàng hóa hạn chế kinh doanh, kể cả thuốc lá, bị cấm bán trên Internet. Quy định cấm này không chỉ hạn chế các doanh nghiệp hợp pháp thực hiện hoạt động kinh doanh, mà còn đi ngược lại nỗ lực và các chính sách của Việt Nam trong quá trình thúc đẩy nền kinh tế số và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Ông Paul Auriol chia sẻ, hiện nay, rất nhiều quốc gia trên thế giới cho phép bán rượu, bia trên Internet, không phân biệt nồng độ cồn. Ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, các quốc gia và vùng lãnh thổ cho phép bán rượu, bia trên Internet gồm Trung Quốc, Campuchia, Hồng Kông, Nhật Bản, Malaysia, Philippines, Singapore... Các quốc gia khác như Pháp, Đức, Anh, Mỹ cũng không cấm bán rượu, bia trên Internet.

“Việc cấm sử dụng công cụ Internet để bán bất kỳ loại rượu, bia nào cũng không phù hợp với xu thế chung và sẽ khiến Việt Nam trở nên khác biệt với các nước khác trong khu vực”, ông Paul Auriol bày tỏ.

Kinh nghiệm từ các quốc gia cho phép bán đồ uống có cồn trên Internet cho thấy, việc cho phép bán rượu, bia qua Internet giúp cải thiện tính minh bạch, hỗ trợ công tác thu thuế khi giao dịch thanh toán thực hiện bằng thẻ ngân hàng, chuyển khoản, góp phần tăng tính minh bạch của hệ thống thuế.

Theo Báo cáo mới đây của Tổ chức Y tế thế giới, lượng rượu vang, rượu mạnh hợp pháp tại Việt Nam chiếm chưa tới 3% trong tổng lượng tiêu thụ đồ uống có cồn hợp pháp. Vì thế, vấn đề được đặt ra là, việc cấm bán các sản phẩm chiếm 3% tổng lượng tiêu thụ đồ uống có cồn có giúp kiểm soát vấn đề lạm dụng đồ uống có cồn hay không.

Tuy nhiên, vì những hoạt động kinh doanh này không tuân thủ theo các quy định của pháp luật, nên người tiêu dùng chọn mua sản phẩm từ các kênh bán hàng này không được bảo đảm về nguồn gốc và xuất xứ của sản phẩm như khi mua tại các nhà phân phối chính thức, có thể gây hại cho sức khỏe người sử dụng.

Cần chính sách thuế ổn định

Một vấn đề khác cũng được các doanh nghiệp châu Âu nêu tại Lễ ra mắt Sách Trắng 2019. Ông Patrick Castanier, đồng Chủ tịch Tiểu ban Rượu vang và Rượu mạnh của Eurocham cho biết, ngành công nghiệp này đã chịu tác động của 5 lần thay đổi thuế tiêu thụ đặc biệt trong 15 năm qua (năm 2003, 2005, 2008, 2014 và 2016).

“Các doanh nghiệp rượu vang và rượu mạnh châu Âu đã chịu ảnh hưởng lớn với những thay đổi của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2016, theo đó, thuế suất không chỉ tăng từ 50% năm 2015 lên 55% vào năm 2016, sau đó lên 65% vào năm 2018, mà giá tính thuế cũng bị thay đổi từ giá nhập khẩu thành giá bán ra. Những thay đổi này đã làm tăng đáng kể gánh nặng về thuế lên những doanh nghiệp rượu vang và rượu mạnh châu Âu đang xuất khẩu vào Việt Nam, thậm chí có thể làm triệt tiêu những lợi ích mà EVFTA mang lại, từ đó hạn chế sự phát triển của thị trường”, ông Patrick Castanier chia sẻ. 

Với kinh nghiệm làm việc lâu năm tại các thị trường khác nhau, ông Patrick Castanier cho biết, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt có thể sẽ dẫn tới giảm doanh số các sản phẩm nhập khẩu hợp pháp và tạo cơ hội cho các hoạt động buôn bán bất hợp pháp. “Cách tính thuế theo giá trị hàng hóa thường sẽ càng cao hơn, bởi thuế nhập khẩu cao, sẽ tạo cơ hội cho các hoạt động mua bán bất hợp pháp như rượu giả và buôn lậu”, ông Patrick phân tích.

Đây là tình trạng chung của nhiều quốc gia Đông Nam Á, ví dụ như Indonesia. Hệ quả là chính phủ có thể thu được thêm thuế trong ngắn hạn, nhưng nguồn thu ngân sách sẽ giảm trong dài hạn.

Trả lời câu hỏi liệu tăng thuế có giúp giải quyết những vấn đề về sức khỏe cộng đồng, ông Castanier khẳng định, ông chưa thấy có bất cứ bằng chứng nào cho thấy tác động của việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với việc nâng cao sức khỏe cộng đồng.

Tin liên quan
Tin khác