Chuyển đổi số - Kinh tế số
Doanh nghiệp có nhiều cơ hội kinh doanh khi chuyển đổi số
Thế Hải - 18/11/2021 11:47
Chuyển đổi số sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ tìm kiếm một mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt hơn, vừa tiết giảm chi phí, vừa tối ưu nguồn lực
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, doanh nghiệp có thể tìm hiếm mô hình kinh doanh linh hoạt trên nền tảng số.

Theo đánh giá của các chuyên gia tại Hội thảo "Phát triển thị trường cho doanh nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi số", chuyển đổi số sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ tìm kiếm một mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt hơn, vừa tiết giảm chi phí, vừa tối ưu nguồn lực để vượt qua khó khăn.

Thương mại điện tử tăng trưởng mạnh

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ, đặc biệt sự ứng dụng sâu rộng các thành tựu công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, chuyển đổi số là một vấn đề "sống còn" trong quá trình phát triển kinh doanh.

"Chuyển đổi số sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ tìm kiếm một mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt hơn, vừa tiết giảm chi phí, vừa tối ưu nguồn lực để vượt qua khó khăn", ông Sinh nhấn mạnh. 

Trong những năm qua, Việt Nam liên tục ghi nhận mức tăng trưởng mạnh cả về tỷ lệ người dân sử dụng internet cũng như số lượng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến và giá trị mua sắm.

Doanh thu thương mại điện điện tử B2C liên tục tăng mạnh trong 5 năm qua. Nếu như năm 2016, đạt 5 tỷ USD, đến năm 2019 tăng gấp đôi, đạt hơn 10 tỷ USD và tiếp tục tăng 18% trong năm 2020 với doanh thu đạt 11,8 tỷ USD.
Nguồn: Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số
Bộ Công Thương

Theo báo cáo của Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), với 53% dân số tham gia mua bán trực tuyến, đã thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam trong năm 2020 tăng trưởng 18% (năm 2019 là 25%), đạt 11,8 tỷ USD, ước tính chiếm 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Tại Việt Nam, thương mại điện tử là hình thức kinh doanh phổ biến của doanh nghiệp, đặc biệt trong giai đoạn đại dịch Covid-19 bùng phát, và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng người tiêu dùng.

Từ khi bắt đầu đại dịch đến nửa đầu năm 2021, Việt Nam đã có thêm 8 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số mới với 55% trong số họ đến từ các khu vực không phải thành phố lớn. 99% người tiêu dùng kỹ thuật số Việt Nam có ý định tiếp tục sử dụng các dịch vụ trực tuyến trong tương lai cho thấy mức độ gắn bó rất cao với các dịch vụ, sản phẩm thuật kỹ số của người dùng Việt Nam.

Các chuyên gia nhận định, Việt Nam vẫn là một trung tâm đổi mới hấp dẫn khi nguồn vốn toàn cầu tiếp tục đổ vào. Hoạt động thương vụ, đầu tư tăng vọt trong nửa đầu năm 2021 đạt mức cao kỷ lục 1,37 tỷ USD, vượt qua các khoản đầu tư cả năm của những năm gần đây, được thúc đẩy bởi sự quan tâm đầu tư vào các công ty khởi nghiệp kỹ thuật số trong lĩnh vực thương mại điện tử (e-commerce), tài chính (fintech), sức khỏe (healthtech) và giáo dục (edtech).

So với các nước trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng về thị phần bán lẻ thuộc ba nước đứng đầu khu vực. Từ năm 2015 đến nay, tốc độ tăng trưởng của 3 nền kinh tế internet lớn nhất khu vực Đông Nam Á đạt trung bình 35 - 36%, theo đó Việt Nam là 36%, đứng đầu là Indonesia với 41%, thứ ba là Phillipines 30%.

"Công cụ" tìm kiếm cơ hội kinh doanh 

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết, thương mại điện tử Việt Nam đã có những bước tăng trưởng phát triển mạnh, đóng vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế cũng như tương lai nền kinh tế số Việt Nam trong bối cảnh bình thường mới.

Đặc biệt sau đại dịch Covid, thương mại điện tử được dự báo sẽ tiếp tục bùng nổ, tạo ra những xu hướng tiêu dùng mới... Cùng với sự phát triển của Cách mạng công nghiệp 4.0, vài năm trở lại đây, khởi nghiệp lĩnh vực thương mại điện tử trở thành chủ đề thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp trẻ.

Đây là một xu hướng kinh doanh đang phát triển mạnh ở trên thế giới và đặc biệt ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử phát triển sẽ góp phần thúc đẩy trao đổi, mua bán hàng hoá trực tuyến.

Trong báo cáo e-Conomy SEA 2021 từ Google, Temasek và Bain & Company vừa công bố, năm 2021 nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam dự kiến tăng trưởng 31% lên 21 tỷ USD nhờ sự tăng trưởng 53% của thương mại điện tử so với cùng kỳ năm ngoái và tiếp tục đạt 57 tỷ USD vào năm 2025. Đến năm 2030 nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam sẽ đạt 220 tỷ USD tổng giá trị hàng hóa (GMV - Gross Merchandise Value), đứng thứ hai trong khu vực sau Indonesia. Đây cũng là một tiềm năng lớn cho các doanh nghiệp thương mại điện tử Việt Nam.

Thị trường thương mại điện tử toàn cầu được dự báo sẽ tiếp tục có những bước tăng trưởng mạnh mẽ về doanh thu trong những năm tới. Theo báo cáo thống kê từ eMaketer.com, doanh thu thương mại điện tử B2C toàn cầu năm 2020 đạt 4.213 tỷ USD, dự đoán năm 2021 là 4.921 tỷ USD. Vào năm 2024 con số này là 6.773 tỷ USD và năm 2025 mức doanh thu sẽ đạt 7.385 tỷ USD.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc phát triển Đối tác kinh doanh của Lazada Việt Nam, hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt vẫn phải đối mặt với thách thức do chưa được trang bị tư duy kinh doanh trên nền tảng số; thiếu dữ liệu vận hành trên nền tảng số; khả năng tiếp cận khách hàng trong bối cảnh người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu do đại dịch; bài toán đầu tư về chi phí vận hành... Nếu làm tốt các vấn đề này, các doanh nghiệp có thể dễ dàng thích ứng với sự phát triển của xã hội cũng như đáp ứng các nhu cầu của người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Đắc Việt Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Sendo cho rằng, trong bối cảnh dịch Covid-19, người dân và các doanh nghiệp đều đã có sự thay đổi nhận thức trên nhiều phương diện của chuyển đổi số. Để có sự đồng bộ hơn, cần thúc đẩy, tạo làn sóng tích cực cho thương mại điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam nhất là định hướng phát triển nền tảng thanh toán không tiền mặt dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

"Đại dịch đã làm thay đổi đáng kể nền thương mại vì sự chuyển đổi từ mua sắm truyền thống sang trực tuyến. Vì vậy, để tạo thị trường trong bối cảnh mới, các doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh nhạy tận dụng cơ hội đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nắm bắt công nghệ để phát triển thị trường. Đồng thời, sự phối hợp của các bộ, ngành và các doanh nghiệp cũng là yếu tố quyết định thành công của bước tiến chuyển đổi số cho doanh nghiệp", ông Dũng nói.

Tin liên quan
Tin khác