Hội thảo đã thu hút sự tham gia đông đảo của các hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu và doanh nghiệp tái chế, xử lý chất thải tại khu vực miền Bắc.
TS. Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phát biểu tại sự kiện. |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Văn phòng Hội đồng EPR Quốc gia cho biết, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường gồm 2 nội dung là trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì và trách nhiệm xử lý chất thải.
Các nội dung này của Luật Bảo vệ môi trường đã được quy định chi tiết tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ và Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/1/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Theo đó, nhà sản xuất, nhập khẩu 6 nhóm sản phẩm, hàng hóa gồm: Săm lốp; pin và ắc quy; dầu nhớt; các sản phẩm có bao bì (thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, xi măng, chất tẩy rửa và chế phẩm dùng trong gia dụng, nông nghiệp, y tế); điện và điện tử; phương tiện giao thông thì phải có trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì theo một tỷ lệ tái chế bắt buộc và theo quy cách tái chế bắt buộc.
Nhà sản xuất, nhập khẩu có thể tự tổ chức tái chế hoặc có thể đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ hoạt động tái chế.
Theo lộ trình, nhà sản xuất, nhập khẩu săm lốp, pin và ắc quy, dầu nhớt và các sản phẩm có bao bì thực hiện trách nhiệm tái chế từ ngày 1/1/2024;
Nhà sản xuất, nhập khẩu sản phẩm điện, điện tử thực hiện trách nhiệm tái chế từ ngày 1/1/2025; nhà sản xuất, nhập khẩu phương tiện giao thông (ô tô, xe máy) thực hiện trách nhiệm tái chế từ ngày 1/1/2027.
Ngoài ra, nhà sản xuất, nhập khẩu 5 nhóm sản phẩm, bao bì gồm: Thuốc bảo vệ thực vật; pin sử dụng một lần; tã bỉm, băng vệ sinh, khăn ướt dùng một lần; kẹo cao su, thuốc lá;
Một số sản phẩm, hàng hóa có thành phần nhựa tổng hợp như bóng bay, đồ chơi trẻ em, giầy dép, quần áo, đồ nhựa dùng một lần, đồ dùng một lần, đồ nội thất, vật liệu xây dựng, túi nilong khó phân hủy kích thước nhỏ … cũng phải có trách nhiệm đóng góp tài chính hỗ trợ thu gom, xử lý chất thải từ ngày 1/1/2022.
Vụ trưởng Vụ Pháp chế Phan Tuấn Hùng hy vọng các nội dung được phổ biến, chia sẻ và giải đáp tại hội thảo sẽ có thể giúp các doanh nghiệp hiểu và nắm bắt đầy đủ về các quy định pháp luật, từ đó thực hiện đúng, đầy đủ trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì và trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải của mình.
Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị các hiệp hội phát huy vai trò của mình, tích cực phối hợp với Bộ trong việc phổ biến, cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp hiểu đúng, hiểu đầy đủ và thực hiện tốt các quy định của pháp luật.
Bởi thực tế cho thấy, mặc dù các doanh nghiệp là đối tượng áp dụng quy định này, nhưng hiện nay nhiều hiệp hội, doanh nghiệp vẫn chưa nắm bắt rõ, tiếp cận còn hạn chế.
Do vậy đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, mục đích của hội thảo là phổ biến và cập nhập cho các doanh nghiệp tham gia về trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì; trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải.
Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng kiến nghị các hiệp hội, đặc biệt là các cái hiệp hội ngành hàng, nhà sản xuất, tái chế có sự phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức truyền thông, cập nhập những quy định mới để các doanh nghiệp thành viên nắm bắt và thực hiện quy định này.
Được biết, ngay sau khi Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức nhiều hội thảo phổ biến, tập huấn các quy định của pháp luật về trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì và trách nhiệm xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu cho các hiệp hội, doanh nghiệp tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Mặc dù Vụ Pháp chế đã tổng hợp và công khai trả lời các câu hỏi, thắc mắc liên quan nhưng vẫn còn nhiều hiệp hội, doanh nghiệp thuộc đối tượng thực hiện vẫn chưa biết hoặc chưa nắm được các quy định của pháp luật về vấn đề này.
Do đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục tổ chức nhiều hội thảo tập huấn cho các doanh nghiệp trong thời gian tới, đồng thời kết hợp với nhiều hình thức khác nhau nhằm giúp cho các nhà sản xuất, nhập khẩu và nhà tái chế, xử lý chất thải có thể nắm bắt và tiếp cận đầy đủ các quy định của pháp luật.
Tại Hội thảo, đại diện Văn phòng Hội đồng EPR Quốc gia đã chia sẻ, giới thiệu chi tiết các quy định trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì và trách nhiệm xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu;
Hướng dẫn đăng ký, kê khai, báo cáo việc thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì và kê khai trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải trên Cổng thông tin điện tử EPR Quốc gia đang được vận hành thí điểm.
Cũng tại sự kiện hôm nay, nhiều Hiệp hội, doanh nghiệp đã đặt các câu hỏi cho phía Vụ Pháp chế và Văn phòng Hội đồng EPR quốc gia về các vấn đề liên quan đến trách nhiệm thu gom, tái chế của các doanh nghiệp. Cùng với đó là kiến nghị điều chỉnh một số quy định chưa hợp lý trong dự thảo Quyết định định mức chi phí tái chế (Fs).
Các ý kiến chuyên gia đều nhận định, công cụ EPR được coi là thành công không phải là Quỹ Bảo vệ môi trường nhận được nhiều đóng góp, mà là khi không còn doanh nghiệp nào đóng phí EPR vào Quỹ nữa.
Tuy nhiên, để đạt được điều này không hề đơn giản, bởi trong gần 4.000 doanh nghiệp nhựa trên cả nước thì có tới 90% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh thu dưới 200 tỷ đồng/năm. Doanh nghiệp có doanh thu trên 200 tỷ đồng/năm chỉ chiếm 8%, trên 1.000 tỷ đồng chỉ chiếm 1,2%.
Vì vậy, nhiều chuyên gia đề nghị Việt Nam nên đi từng bước, trước hết cần xây dựng khung chính sách. Bộ Tài nguyên và Môi trường cần đưa ra quy trình xử lý chất thải nguy hại có trong sản phẩm thải bỏ, để từ đó có căn cứ tính giá thành tái chế, xử lý;
Đồng thời tăng cường cơ sở hạ tầng về thu gom rác thải và tái chế; tạo ra cơ chế chính sách với những quy định thuận lợi cho tái chế, thu gom; đồng thời, cần có chính sách thu hút đầu tư cho tái chế…
Việc cải thiện tỷ lệ tái chế là nhiệm vụ rất quan trọng đối với Việt Nam để có thể hướng đến nền kinh tế tuần hoàn và mục tiêu đạt được mức phát thải ròng bằng “0”.
Song theo giới chuyên gia, các chính sách nên xây dựng dựa trên cơ sở dữ liệu vững vàng và cần thực hiện nhiều nghiên cứu khác nhau để xác định đúng hiện trạng của Việt Nam, từ đó có lộ trình chuyển đổi phù hợp.
Ngoài ra, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) và kinh tế tuần hoàn có mối quan hệ mật thiết với nhau.
EPR được coi là một cơ chế hiệu quả, thành công và đem lại nhiều lợi ích to lớn về môi trường, xã hội và kinh tế, là chìa khóa thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn trên toàn cầu.
Theo báo cáo của Kantar, trong những năm gần đây, 78% người tiêu dùng Việt Nam quan tâm đến các vấn đề môi trường, đặc biệt là biến đổi khí hậu.
Việt Nam hoàn toàn có thể trở về trạng thái phát thải ròng bằng “0” khi có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính phủ, doanh nghiệp và người dân.
Người dân Việt Nam luôn mong muốn tìm kiếm những giải pháp bền vững hơn cho bao bì. Để hướng tới mô hình kinh tế tuần hoàn đã đến lúc các doanh nghiệp cùng chính phủ phải có chính sách cụ thể nhằm thúc đẩy chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, sạch và bền vững.