Ngày 16/4, Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP) gặp gỡ doanh nghiệp đang đầu tư tại Khu công nghệ cao để thông tin về về các quy định mới khi đầu tư vào Khu công nghệ cao.
Ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM thông tin về tình hình thu hút đầu tư vào Khu công nghệ cao TP.HCM. |
Thông tin đến doanh nghiệp bà Huỳnh Thị Ngọc Đào, Chánh văn phòng SHTP cho biết, kể từ khi thực hiện Nghị quyết 98, thủ tục đầu tư tại Khu công nghệ cao giờ đây được rút ngắn đáng kể.
Số liệu thống kê cho thấy từ ngày 1/8/2023 (thời điểm bắt đầu thực hiện Nghị quyết 98) đến ngày 30/3/2024, Ban Quản lý SHTP đã tiếp nhận và giải quyết, 18 hồ sơ cấp giấy phép môi trường, 6 hồ sơ thẩm định và phê duyệt đồ án hoặc điều chỉnh đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 dự án đầu tư tại Khu Công nghệ cao.
Kể từ khi nhận hồ sơ tại cơ chế một cửa tại SHTP, doanh nghiệp chỉ mất khoảng 6 tháng, thậm chí là 4 tháng để làm thủ tục, nhưng cũng số hồ sơ như vậy trước đây khi chuyển về các cơ quan liên ngành thì phải mất 2 năm mới hoàn thành thủ tục.
Bà Hồ Thị Thu Uyên, Chi hội trưởng chi hội doanh nghiệp Khu công nghệ cao TP.HCM, cho biết, doanh nghiệp rất trông chờ vào sự cải cách thủ tục hành chính lần này, vấn đề tái lập cơ chế một của tại chỗ đã được doanh nghiệp kiến nghị từ lâu. "Việc giải quyết các thủ tục một cửa tại chỗ được coi là yếu tố then chốt để thu hút đầu tư vào Khu công nghệ cao", bà Uyên đánh giá.
Với việc cải thiện môi trường đầu tư rất tốt từ cơ chế một cửa tại chỗ, SHTP đã có văn bản đề xuất UBND TP.HCM phân quyền cho Ban Quản lý thực hiện một số thủ tục khác như: kiểm tra doanh nghiệp khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; tổ chức giám định, điều tra, giải quyết sự cố đối với các công trình; cấp phép và quản lý người lao động nước ngoài làm việc tai Khu công nghệ cao (thẩm quyền này hiện thuộc thẩm quyền của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội).
Các doanh nghiệp hoạt động tại Khu công nghệ cao TP.HCM được tuyên dương trong việc thực hiện tốt các chính sách bảo hiểm cho người lao động. |
Tại hội nghị, Ban Quản lý SHTP cũng thông tin đến doanh nghiệp về Nghị định số 10/2024/NĐ-CP quy định về khu công nghệ cao.
Ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban SHTP cho biết, tại Điều 46 Nghị định 10 (quy định chức năng, địa vị pháp lý của Ban Quản lý Khu công nghệ cao) đã tạo hành lang để SHTP thực hiện một cửa tại chỗ. Trong năm 2024, với quy định phân cấp ủy quyền việc giải quyết thủ tục hành chính sẽ có sự cải thiện đột phá với tinh thần nhanh nhất, gọn nhất cho nhà đầu tư.
“Đây là điều kiện tiên quyết để Ban Quản lý Khu công nghệ cao có thể thu hút các nhà đầu tư chiến lược và là chìa khóa để phát triển bền vững”, ông Thi nhấn mạnh.
Nói với đông đảo các doanh nghiệp tại hội nghị, ông Thi cho rằng, với Nghị quyết 98 và Nghị định 10 đã gỡ vướng về mặt thể chế. "Hiện nay, đất tại Khu công nghệ cao TP.HCM còn trống khá nhiều các doanh nghiệp nên tận dụng cơ hội sớm xây dựng nhà máy để đưa vào hoạt động", ông Thi thông tin.