Doanh nghiệp muốn có cơ chế để chủ động tìm kiếm nguồn cung vắc-xin về phục vụ nhu cầu của DN, chủ động phòng dịch. |
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại các Khu công nghiệp, nơi đóng nhiều nhà máy sản xuất thuộc các ngành hàng xuất khẩu lớn, lãnh đạo một số doanh nghiệp dệt may, da giày đề nghị Chính phủ sớm có cơ chế để doanh nghiệp chủ động trong việc mua vắc-xin để tiêm cho người lao động, sớm ổn định sản xuất kinh doanh.
Tổng công ty CP May 10 cho biết, doanh nghiệp đã và đang phải căng mình phòng chống dịch vừa sản xuất kinh doanh theo chỉ đạo của Chính phủ. Nhưng về dài hạn, vẫn cần phải có vắc-xin để sớm tiêm cho người lao động. Bởi, chỉ có tiêm chủng an toàn, đạt miễn dịch cộng đồng là giải pháp lâu dài trong cuộc chiến với Covid-19. Minh chứng là hiện có rất nhiều nước đã đạt được tín hiệu khả quan nhờ tiêm chủng trên quy mô lớn.
Trao đổi với Baodautu.vn, ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty CP May 10 cho biết, là doanh nghiệp lớn, quy mô hơn 1 vạn lao động, May 10 mong muốn việc thực hiện Nghị quyết 21/NQ-CP về mua và sử dụng vắc-xin phòng Covid-19 được triển khai càng sớm càng tốt. Đối với May 10, để đẩy nhanh quá trình tiêm chủng vắc-xin cho người lao động, yên tâm sản xuất, doanh nghiệp sẵn sàng bỏ kinh phí để mua vắc-xin, nhưng DN cần cơ chế từ Chính phủ để doanh nghiệp thực hiện hoạt động mua sắm đặc thù này.
"Cho phép DN về cơ chế chủ động mua vắc-xin phòng Covid-19, nhưng về mặt chuyên môn, Chính phủ và Bộ Y tế kiểm soát về câu chuyện chất lượng vắc-xin, công bố danh sách vắc-xin được phép nhập khẩu, quy trình nhập khẩu, cách thức bảo quản, và quan trọng nhất khi vắc-xin nhập về rồi thì có sự phối hợp giữa Bộ Y tế với các DN để tổ chức tiêm chủng nhằm đảm bảo an toàn ở mức cao nhất", ông Việt nói.
Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, Chính phủ cần cân nhắc các đề xuất của doanh nghiệp.
“Cần có cơ chế để doanh nhiệp không chỉ hỗ trợ tiền để Chính phủ mua vắc-xin mà cơ chế để doanh nghiệp chủ động đàm phán, mua vắc-xin để phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp. Quan điểm của tôi, đây là hành động cần thiết để chủ động tấn công với dịch bệnh”, ông Hiếu nói.
Tuy nhiên, đề xuất này chỉ có thể thực hiện khi có cơ chế rất rõ ràng để đảm bảo tính an toàn và khả năng kiểm soát dịch bệnh của Chính phủ.
"Chính phủ cần công bố công khai các loại vắc-xin được phép sử dụng tại Việt Nam, công khai quy trình, tiêu chí đảm bảo an toàn trong vận chuyển, bảo quản và sử dụng vắc-xin, các cơ sở y tế được phép bảo quản, tiêm vắc-xin... Doanh nghiệp sẽ căn cứ trên các tiêu chí đó để chủ động tìm kiếm nguồn cung, đối tác thực hiện. Có thể không dễ tiếp cận được ngay các nguồn vắc-xin, nhưng phải có cơ chế để doanh nghiệp tìm kiếm”, ông Hiếu đề xuất.
Một số doanh nghiệp da giày cho rằng, tạo cơ chế để doanh nghiệp được phép mua vắc-xin đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp là cần thiết, nhất là nguồn lực của Chính phủ còn hạn chế.
"Vắc-xin Chinh phủ nên để dành cho các đối tượng ưu tiên trong giai đoạn chưa đủ nguồn cung. Còn doanh nghiệp tự phục vụ chính người lao động của mình, nhất là với các ngành có nhiều lao động như dệt may, da giày sẽ phát huy hiệu quả", đại diện DN sản xuất giày dép xuất khẩu tại Hải Phòng cho hay.
Vài ngày trước, Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) đã gửi công văn kiến nghị tới Chính phủ, Bộ Y tế ưu tiên tiêm vắc-xin cho các doanh nghiệp đông lao động ở khu vực trung tâm dịch; Ưu tiên cho các doanh nghiệp được mua vắc-xin tiêm cho người lao động theo chủ trương xã hội hoá mà Chính phủ đề xuất để đẩy nhanh quá trình miễn dịch cộng đồng nhờ tiêm vắc-xin.
Đồng thời, tạo điều kiện vận động các kênh đối tác, các tổ chức quốc tế, các nhãn hàng cùng phối hợp hành động để mang nguồn vắc-xin về cho Việt Nam trên cơ chế doanh nghiệp cùng tham gia đóng góp.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas cho hay, từ khi dịch bùng phát năm 2020 đến nay, Việt Nam nổi lên trên trường quốc tế như một quốc gia điển hình về thành công trong phòng chống dịch và về giữ vững sản xuất ổn định, đáp ứng được nhu cầu thị trường.
Tuy nhiên, nếu ta không tiếp tục duy trì được điều này, thành quả của cả hệ thống chính trị, của nền kinh tế, của doanh nghiệp và người lao động sẽ bị phá vỡ. Một doanh nghiệp chỉ cần bị dãn cách, cách ly không làm việc từ 14-21 ngày thì coi như kế hoạch sản xuất một năm tan vỡ, hậu quả vô cùng to lớn, DN đứng trước nguy cơ đóng cửa, phá sản, người lao động mất việc không còn thu nhập.
"Hiện, các doanh nghiệp đã ký kết đơn hàng, nhiều doanh nghiệp đã ký đến hết năm, nếu không sản xuất, giao hàng đúng hạn sẽ bị phạt, hủy đơn hàng, thiệt hại toàn ngành có thể lên tới hàng tỷ USD và ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Việt Nam", ông Giang lo ngại.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa đồng ý với phương án sử dụng nguồn kinh phí do Mặt trận tổ quốc Việt Nam tiếp nhận ủng hộ cho phòng, chống dịch Covid-19 để mua vắc-xin phòng Covid-19.
Theo đó, Phó Thủ tướng đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, đồng thời hướng dẫn Ủy ban Mặt trận tổ quốc các tỉnh, thành phố chủ trì, phối hợp với sở tài chính địa phương thực hiện chuyển toàn bộ số kinh phí đã tiếp nhận ủng hộ (còn lại) vào ngân sách Nhà nước để mua vắc-xin phòng Covid-19
Trong bối cảnh ngân sách Nhà nước còn khó khăn, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ thành lập quỹ để mua vắc-xin. Việc thành lập Quỹ vắc-xin phòng Covid-19 là rất cần thiết, đáp ứng yêu cầu cấp bách phòng, chống dịch, đẩy nhanh tiến độ tiếp cận mua, nhập khẩu vắc-xin để triển khai tiêm chủng trên diện rộng cho nhân dân.
Bộ Tài chính dẫn tính toán của Bộ Y tế cho thấy, dự kiến mua 150 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19 để tiêm phòng cho khoảng 75 triệu người, với tổng nhu cầu kinh phí ước khoảng 25,2 ngàn tỷ đồng. Trong đó: kinh phí mua vắc-xin khoảng 21 ngàn tỷ đồng; kinh phí vận chuyển, bảo quản, phân phối, tổ chức tiêm chủng khoảng 4,2 ngàn tỷ đồng.