Chuyển động thị trường
Doanh nghiệp địa ốc chờ được tiếp sức
Thành Nguyễn - 31/03/2020 09:25
“Chúng tôi chờ đợi một năm 2020 sáng sủa hơn đề 'bù' vào những thua thiệt của năm trước, nhưng với tình hình này thì năm nay còn khó khăn hơn”.
.

Đó là chia sẻ của đại diện một chủ đầu tư bất động sản với người viết cuối tuần rồi, khi dịch Covid-19 có thêm những diễn biến phức tạp với những ổ dịch xuất hiện ở hai thành phố lớn nhất nước.

Thông tin dịch bệnh dội đến từng giờ, từng phút khiến bất cứ ai cũng đều phải nảy ra suy nghĩ, cần phải làm gì để bảo vệ bản thân, gia đình trước con virus quái ác này. Lãnh đạo các doanh nghiệp, trong đó có nhóm doanh nghiệp bất động sản còn một câu hỏi nữa, phải làm gì để gồng gánh cả một tổ chức sống được sau mùa dịch bệnh này?

Bởi dù có thế nào thì mọi việc rồi cũng sẽ qua và cuộc sống sẽ bình thường trở lại!

Nhưng để tồn tại đến lúc ấy, nỗ lực của bản thân doanh nghiệp là chưa đủ. Chỉ mới “chịu trận” vài tháng nhưng có nhiều chủ đầu tư phải chấp nhận rời bỏ cuộc chơi.

Đại diện một doanh nghiệp địa ốc cho biết, đã có một số đối tác liên hệ với doanh nghiệp này đề cập đến việc sẵn sàng bán lại cả một dự án khách sạn tại Phú Quốc, Đà Nẵng.

Trong hơn 1.000 sàn môi giới chính thức, đã có khoảng 800 sàn giải thể hoặc tạm dừng hoạt động, theo số liệu của Hội Môi giới bất động sản.

Với những phân khúc cụ thể, chẳng hạn như bất động sản du lịch, đại diện một chủ khách sạn cho biết: “Bất động sản du lịch nghiệt ngã ở chỗ, chỉ một thời gian không có khách là bị hiệu ứng domino, từ áp lực trả gốc, lãi cho ngân hàng, cho đến chi phí vận hành, lương nhân viên… Mà không có dòng tiền luân chuyển đồng nghĩa với nguy cơ phá sản đã gõ cửa”.

Đánh giá về những tác động tiêu của của dịch với thị trường, ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc JLL Việt Nam cho biết, theo dự báo của JLL, hoạt động đầu tư có thể sẽ chậm lại trong nửa đầu năm 2020 do các nhà đầu tư do dự trước tình hình bất ổn, trong đó lĩnh vực bán lẻ và khách sạn sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Các nhà đầu tư sẽ nghiêng về tài sản trú ẩn an toàn, cân nhắc về rủi ro như ổn định thu nhập và khả năng vận hành.

Trong khi đó, diễn biến thị trường du lịch thời gian qua cũng cho thấy ngành du lịch, bất động sản nghỉ dưỡng đang đối mặt với rất nhiều thách thức. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 2/2020 giảm 37,7% so với tháng trước, giảm 21,8% so với cùng kỳ năm 2019 và dự kiến sẽ giảm sâu hơn trong những tháng tới. Công suất phòng khách sạn tại Việt Nam đã giảm 26% trong tháng 2 so với cùng kỳ năm trước. Cá biệt, có những khách sạn khu vực Đà Nẵng, Hội An tỷ lệ lấp đầy chỉ đạt dưới 10%.

Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels châu Á - Thái Bình Dương cho biết, trong bối cảnh rất nhiều khách sạn đã và đang nhận được lượng lớn các yêu cầu hủy phòng như hiện nay, kỳ vọng của Savills về thị trường những tháng tới không thật sự tích cực.

Là lĩnh vực quan trọng và có liên quan mật thiết tới nhiều ngành nghề khác, tới lao động, nhưng việc các doanh nghiệp bất động sản chưa được tính vào nhóm được tiếp sức từ hai gói hỗ trợ của Chính phủ dường như là một sự bất công.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Đính, Phó tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho biết, trong khối doanh nghiệp bất động sản cũng có doanh nghiệp kinh doanh du lịch, nghỉ dưỡng, nhóm các chủ đầu tư phát triển dự án cũng bị ảnh hưởng nặng. Doanh nghiệp địa ốc đang chịu khủng hoảng kép, vừa bị siết tín dụng, vừa gặp khó khăn do Covid-19, nên cũng rất cần nhận được sự hỗ trợ.

“Chúng tôi mong muốn doanh nghiệp các nhóm nói trên cũng nhận được sự tiếp sức của hai gói hỗ trợ, vì hiện các doanh nghiệp đang phải đối mặt với quá nhiều khó khăn, áp lực về vốn, thuế má”, ông Đính nhấn mạnh.

Không chỉ đề xuất đưa doanh nghiệp bất động sản vào nhóm cần được “hà hơi, tiếp sức”, ông Đính còn đề nghị nới tín dụng cho các doanh nghiệp. Đại diện VNREA cho rằng, doanh nghiệp địa ốc vẫn phải trả lãi vay, trả gốc hàng ngày, hàng tháng, trong khi nguồn thu đầu vào hầu như không có do không bán được hàng. Do đó, cùng với việc giãn thuế, thì Ngân hàng Nhà nước cũng cần nới tín dụng để các doanh nghiệp dễ thở hơn.

Đại diện một chủ đầu tư cũng cho biết, hiện doanh nghiệp bất động sản đều đang rất khó khăn, do đó, Nhà nước cần phải có các chính sách tác động vào hệ thống ngân hàng như giảm lãi suất, khoanh nợ cho doanh nghiệp, từ đó tạo niềm tin trở lại cho thị trường.       

Tin liên quan
Tin khác