Tài chính - Chứng khoán
Doanh nghiệp địa ốc “khoái” phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu
Lê Quân - 24/06/2021 09:26
Các doanh nghiệp địa ốc ưa huy động vốn qua phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Dự kiến, từ nay đến cuối năm 2021 sẽ có 9.100 tỷ đồng được huy động qua hình thức này.
Nhiều doanh nghiệp địa ốc chọn cách phát hành cổ phiếu cho cổ đông để tăng vốn. Trong ảnh: Khách sạn DIC Star Vĩnh Phúc

 Lộ diện 3 gương mặt tăng vốn cổ phần nhiều nhất

Ngày 8/6 vừa qua, HĐQT Tổng công ty cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng (DIC Corp, mã cổ phiếu: DIG) đã thông qua việc triển khai phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) trong năm 2021. Theo đó, DIC Corp dự kiến phát hành 15 triệu cổ phiếu phổ thông, nhưng hạn chế chuyển nhượng theo quy chế ESOP trong quý II hoặc quý III/2021.

Nhu cầu nâng cao năng lực tài chính để phát triển các Dự án quy mô lớn của doanh nghiệp bất động sản tăng mạnh. Trong bối cảnh tiếp cận vốn vay ngân hàng không dễ thì huy động vốn qua kênh trái phiếu hay phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu là phương án được ưa chuộng.

Mệnh giá cổ phiếu phát hành lần này là 10.000 đồng và tỷ lệ phát hành dự kiến là 4,28% tổng lượng cổ phiếu đang lưu hành. Như vậy, tổng giá trị phát hành theo mệnh giá là 150 tỷ đồng, còn nếu tính theo giá phát hành (15.000 đồng/cổ phiếu) thì tổng giá trị phát hành lên tới 225 tỷ đồng.

Trong đó, DIC Corp sẽ phát hành cho HĐQT và Ban điều hành gần 13,9 triệu cổ phiếu, chiếm 92% tổng lượng cổ phiếu ESOP sắp phát hành. Trong trường hợp người lao động có tên trong danh sách tham gia chương trình ESOP đã được phê duyệt nhưng từ chối quyền mua cổ phiếu, HĐQT DIC Corp sẽ cộng dồn và phân phối cho các đối tượng theo cách thức và điều kiện phù hợp với giá phát hành, không thấp hơn giá phát hành theo quy chế ESOP.

Mới đây, ông Nguyễn Hùng Cường, Phó chủ tịch HĐQT DIC Corp đã ký quyết nghị thông qua kết quả phát hành cổ phiếu, tăng vốn điều lệ. Theo đó, DIC Corp đã phân phối thành công hơn 59,5 triệu cổ phiếu cho 29.168 cổ đông, nâng vốn điều lệ sau khi phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020 lên hơn 4.098 tỷ đồng, tương ứng số lượng cổ phiếu là hơn 409,8 triệu với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu.

DIC Corp nằm trong Top 3 doanh nghiệp bất động sản dự kiến phát hành tăng quy mô vốn cổ phần nhiều nhất từ nay đến cuối năm 2021, với giá trị phát hành ESOP lên tới 1.700 tỷ đồng, chỉ đứng sau FLC (ước tính 5.000 tỷ đồng thông qua phát hành cho cổ đông hiện hữu) và IDC (2.300 tỷ đồng qua phát hành cho cổ đông hiện hữu), theo dữ liệu của Công ty cổ phần FiinGroup.

Trong các lĩnh vực thì bất động sản là ngành phát hành tăng vốn lớn thứ 2 trong năm 2021 với quy mô lên tới 15.800 tỷ đồng, chỉ sau ngành ngân hàng với 21.900 tỷ đồng. Về tổng thể, giá trị huy động vốn cổ phần qua thị trường chứng khoán năm 2021 có thể đạt mức kỷ lục. Đã có 147 doanh nghiệp niêm yết dự kiến tăng quy mô vốn chủ sở hữu thêm 3,8%, tương đương gần 102.600 tỷ đồng, thông qua phát hành cổ phần trong năm 2021 nhằm đáp ứng nhu cầu vốn mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh kinh tế đang dần hồi phục, dù đại dịch Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát.

Theo ước tính của FiinGroup, lượng vốn cổ phần mà các doanh nghiệp có kế hoạch phát hành từ nay đến cuối năm 2021 là 82.300 tỷ đồng, gấp 4,1 lần về giá trị so với lượng vốn cổ phần đã phát hành kể từ đầu năm nay (20.200 tỷ đồng).

Nhu cầu vốn trung và dài hạn vẫn cao

Qua phân tích mức độ chi đầu tư tài sản cố định của 1.292 doanh nghiệp niêm yết trên 3 sàn chứng khoán HSX, HNX và UpCOM trong 5 năm qua, các chuyên gia FiinGroup đánh giá, bất động sản cùng với xây dựng, điện hay vật liệu xây dựng là những nhóm ngành có nhu cầu vốn lớn về trung và dài hạn, bởi mức chi đầu tư mới hàng năm của các doanh nghiệp trong nhóm này lớn và khá ổn định.

Đặc thù những nhóm ngành này thường yêu cầu mức đầu tư lớn và vòng đời dự án tương đối dài, nhu cầu vốn trung và dài hạn ở các nhóm ngành này sẽ tiếp tục ở mức cao trong thời gian tới.

Nhu cầu nâng cao năng lực tài chính để phát triển các dự án quy mô lớn của doanh nghiệp bất động sản tăng mạnh, nhất là trong bối cảnh tiếp cận vốn vay ngân hàng không dễ thì huy động vốn qua kênh trái phiếu hay phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu là phương án được ưa chuộng.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, bà Đỗ Thị Hồng Vân, Trưởng nhóm phân tích dữ liệu, Khối Dịch vụ thông tin tài chính tại FiinGroup cho biết, số liệu cho thấy, hình thức phát hành được các doanh nghiệp bất động sản ưa chuộng là phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Tổng giá trị phát hành dự kiến từ nay đến cuối năm 2021 thông qua hình thức này là 9.100 tỷ đồng.

Về những rủi ro tiềm ẩn đối với cổ đông và nhà đầu tư, bà Vân nhận định, việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu sẽ không làm thay đổi tỷ lệ sở hữu trong trường hợp tất cả các cổ đông hiện hữu đều thực hiện quyền.

Tuy nhiên, trong trường hợp có các cổ đông không thể mua thêm cổ phiếu, các quyền mua cổ phiếu (warrant) sẽ trở nên vô giá trị. “Hiện tại, cổ đông hiện hữu không thể chuyển nhượng quyền mua cổ phiếu, có nghĩa là họ hoặc phải thực hiện quyền, hoặc từ bỏ quyền mua đó mà không có lợi ích nào khác. Điều này khiến cho tỷ lệ sở hữu của cổ đông bị giảm và gây ra thiệt hại nếu giá chào bán thấp hơn giá thị trường”, chuyên gia FiinGroup cảnh báo.

Tin liên quan
Tin khác