Tính đến ngày 20/4, tổng vốn đăng ký cấp mới và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư FDI đạt 12,33 tỷ USD, bằng 84,5% so với cùng kỳ năm 2019. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN |
TS Nguyễn Hoàng Oanh, Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết: “Hành vi khá phổ biến hiện nay, đó là doanh nghiệp định giá sai giá trị tài sản. Nghĩa là giá chuyển nhượng trong giao dịch nội bộ giữa các chi nhánh bị định giá sai theo hướng tăng giá chuyển nhượng từ nước có thuế suất thấp sang nước có thuế suất cao và ngược lại”.
Ngoài ra, một hành vi khác mà các doanh nghiệp FDI đa quốc gia thường “né” thuế là chuyển nợ quốc tế. Hành vi này thể hiện ở việc, một chi nhánh ở nước có thuế suất thấp cho vay nợ đối với chi nhánh ở nước có thuế suất cao, từ đó có cơ hội phân bổ nợ nội bộ giữa các chi nhánh, công ty con trong công ty lớn. Việc phân bổ nợ này sẽ dẫn đến tình trạng làm giảm nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp.
Đề cập đến tình trạng "né" thuế của các doanh nghiệp FDI, TS. Phạm Thế Anh - Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho biết, không chỉ các doanh nghiệp FDI đa quốc gia "né" thuế mà ngay cả các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam cũng “né” thuế.
Theo TS. Phạm Thế Anh, trong những năm gần đây các cơ quan kiểm toán Nhà nước đã phát hiện hàng loạt sai phạm thường gặp ở các sắc thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và các sắc thuế khác, dẫn tới thất thu thuế. Có thể nói hành vi gian lận thuế ngày càng có diễn biến phức tạp, phạm vi ngày càng rộng với thủ đoạn ngày càng tinh vi.
Phân tích về hành vi trốn thuế GTGT, các chuyên gia kinh tế của VEPR cho biết, người nộp thuế thường khai sai hoặc khai thiếu thuế GTGT đầu ra thông qua việc không hạch toán đầy đủ, kịp thời các khoản doanh thu; ghi giá bán trên hóa đơn GTGT thấp hơn giá bán thực tế, hoặc không xuất hóa đơn GTGT đối với hàng hóa dùng để biếu tặng. Những hành vi này thường xảy ra ở các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ, sử dụng tiền mặt như: Dịch vụ ăn uống, kinh doanh nhà hàng, khách sạn, xăng dầu, xây dựng, trang trí nội thất…
Bên cạnh đó, người nộp thuế thường kê khai tăng thuế GTGT đầu vào thông qua việc lập chứng từ khống để hoàn thuế GTGT, mua khống hóa đơn thuế GTGT đầu vào từ các doanh nghiệp “ma”. Hiện tượng chiếm đoạt tiền thuế này thường gặp ở các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu nông lâm sản.
Đối với thuế TNDN, người nộp thuế thường xác định thiếu, hoặc không đúng doanh thu tính thuế TNDN, hạch toán vào chi phí các khoản chi phí không đúng quy định khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN bằng nhiều hình thức; kê khai các khoản miễn giảm thuế TNDN không đúng, chuyển giá hoặc kê khai mua bán lỗ, chậm nộp thuế, nợ thuế… Những hành vi này dẫn đến làm giảm nghĩa vụ thuế, gây thất thu cho ngân sách Nhà nước (NSNN).
“Dù trốn, hay tránh thuế thì đều là hành vi vi phạm pháp luật, gây thất thu NSNN. Đứng ở góc độ kinh tế học thì khi trốn, tránh thuế sẽ dẫn đến tình trạng các nguồn lực bị phân bổ không đúng chỗ, không hiệu quả và thu nhập không công bằng. Vì thế cần thiết phải hiểu thế nào là trốn thuế, tránh thuế, cũng như cách thức các doanh nghiệp thực hiện các hành vi trốn và tránh thuế, từ đó đề ra những chính sách phù hợp, giảm thiểu tình trạng trốn, tránh thuế để tăng nguồn thu cho ngân sách”, TS Nguyễn Hoàng Oanh nói.
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng phân tích về vấn đề tránh thuế và cho rằng: Tránh thuế là hình thức doanh nghiệp thực hiện các hoạt động hợp pháp hoặc bán hợp pháp; khai thác lỗ hổng trong các quy định của pháp luật nhằm cắt giảm các khoản thuế phải nộp. Thông thường các doanh nghiệp có thể tránh thuế bằng cách cấu trúc lại các giao dịch theo hướng giảm nghĩa vụ thuế.
“Thường các công ty đa quốc gia có cơ hội thuận lợi nhất để thực hiện hành vi tránh thuế. Các công ty này thường thành lập rất nhiều chi nhánh ở nước ngoài, lợi dụng lỗ hổng của pháp luật của các quốc gia khác nhau để chuyển lợi nhuận từ nơi có thuế suất cao sang nơi có thuế suất thấp”, TS Nguyễn Hoàng Oanh nói.