Sản xuất tại Nhà máy Nestlé Bông Sen (Hưng Yên). Ảnh: Đ.T |
Công bố khoản đầu tư mới
“Chúng tôi vẫn tin tưởng vào tương lai của Việt Nam với vai trò là trung tâm sản xuất toàn cầu và khu vực. Minh chứng cho điều này là chúng tôi vẫn quyết định triển khai các hoạt động đầu tư mở rộng sản xuất tại đây”, Giám đốc Nhà máy Nestlé Bông Sen, ông Urs Kloeti thông tin về kế hoạch thực hiện loạt dự án đầu tư nâng cao năng lực sản xuất tại Việt Nam.
Nestlé vừa công bố khoản đầu tư trị giá hơn 130 triệu USD tại Việt Nam, đưa tổng vốn đầu tư lên 730 triệu USD trong vòng 2 năm tới để thực hiện các dự án mở rộng sản xuất. Trong đó, doanh nghiệp đến từ Thụy Sỹ này sẽ đầu tư nâng gấp đôi công suất của nhà máy cà phê hòa tan phục vụ xuất khẩu; mở rộng nhà máy sản xuất khử cafein (decaf) để trở thành nhà máy decaf lớn nhất của Nestlé trên toàn thế giới; tăng công suất dây chuyền sản xuất viên nén cà phê máy lọc Dolce Gusto để xuất khẩu; đầu tư đưa trung tâm sản xuất các sản phẩm Maggi dạng lỏng tại Nhà máy Đồng Nai trở thành trung tâm chuyên môn về các sản phẩm phục vụ nấu ăn chuyên nghiệp dạng lỏng tại châu Á và Australia…
Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng cam kết tiếp tục ở lại Việt Nam và tăng vốn đầu tư như dự định. Điều này rất có ý nghĩa khi Việt Nam đang chịu nhiều tổn thất của đợt dịch Covid-19 lần thứ tư, khiến nhiều tỉnh, thành phố phải giãn cách nhiều tháng và không ít doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề.
Một doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài khác của Thụy Điển là Tetra Pak cũng vừa công bố đầu tư thêm 5 triệu euro để mở rộng nhà máy tại Bình Dương.
“Khoản đầu tư thêm trị giá 5 triệu euro này thể hiện niềm tin của chúng tôi vào sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam sau đại dịch”, ông Eliseo Barcas, Tổng giám đốc Tetra Pak Việt Nam nói.
Theo ông Eliseo Barcas, khoản đầu tư thêm này sẽ giúp Tetra Pak phục vụ khách hàng tốt hơn khi công suất được tăng thêm, cung cấp các loại hộp giấy hấp dẫn hơn, giúp giảm thiểu tác động môi trường.
Ông Urs Kloeti, Giám đốc Nhà máy Nestlé Bông Sen
Đồng thời, khoản đầu tư mới sẽ giúp tăng sản lượng hàng năm của nhà máy từ 11,5 tỷ vỏ hộp hiện tại lên 16,5 tỷ vỏ hộp, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về vỏ hộp giấy tiệt trùng ở trong nước và khu vực.
Việc đầu tư nâng cấp cũng sẽ bao gồm hạng mục lắp đặt 2.300 tấm pin mặt trời trên phần mái của nhà máy. Đây là nỗ lực của Công ty trong việc hiện thực hóa tham vọng loại bỏ triệt để phát thải khí nhà kính từ toàn bộ hoạt động Công ty vào năm 2030.
Trong khi đó, SCG Packaging (SCGP), một công ty thành viên của SCG Group (Thái Lan) cũng vừa thông báo về kế hoạch đầu tư thêm gần 11,8 tỷ baht (hơn 353 triệu USD) trong mảng kinh doanh bao bì giấy tại Việt Nam. Theo đó, một khu phức hợp mới tại tỉnh Vĩnh Phúc sẽ được xây dựng và bắt đầu hoạt động vào đầu năm 2024, giúp tăng khả năng sản xuất bao bì giấy của Công ty thêm 370.000 tấn/năm.
Nhà đầu tư đang thực hiện quá trình đánh giá tác động đến môi trường của Dự án. Ông Wichan Jitpukdee, Giám đốc điều hành SCGP đánh giá, Việt Nam là địa điểm sản xuất, xuất khẩu quan trọng trong khu vực và cũng là điểm thu hút lớn cho các công ty đa quốc gia tham gia thị trường.
Vốn FDI chọn Việt Nam
Dù dịch bệnh làm sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam gặp khó, nhưng nhà đầu tư nước ngoài vẫn tin tưởng vào kinh tế Việt Nam.
Có thể thấy rõ điều này khi nhìn vào lượng vốn FDI vào Việt Nam từ đầu năm đến nay. Tính đến ngày 20/9/2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt 22,15 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Đối với các doanh nghiệp đang đầu tư tại Việt Nam, dù khó khăn trong những tháng qua do bị ngưng trệ sản xuất để phòng chống dịch, nhưng khối doanh nghiệp FDI vẫn phát huy năng suất lớn. Điều này thể hiện trong bức tranh thương mại 9 tháng của khối FDI. Tổng cục Thống kê ghi nhận, tổng trị giá xuất khẩu của doanh nghiệp FDI trong 9 tháng/2021 đạt 177,8 tỷ USD, tăng 22,8%, chiếm 73,9% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Rõ ràng, xuất khẩu hàng hóa của khối doanh nghiệp FDI có ý nghĩa rất lớn trong việc đảm bảo kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh trong 9 tháng qua, với 240,52 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước.
Động lực tăng trưởng xuất khẩu và giữ chân các nhà đầu tư một phần lớn đến từ 14 hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia đang có hiệu lực, trong đó, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Anh (UKVFTA)… được các doanh nghiệp châu Âu đặc biệt quan tâm.