Số lượng trò chơi điện tử được cấp quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản tại Việt Nam là 1.327, trong đó 471 trò chơi đã thông báo dừng phát hành. Ảnh: Đức Thanh |
Game Việt đang “teo nhỏ”
“Hiện có hơn 220 doanh nghiệp kinh doanh game được cấp phép kinh doanh tại Việt Nam, nhưng số thực sự hoạt động, cung cấp game ra thị trường chỉ khoảng 20 đơn vị. Số còn lại gần như không còn hoạt động vì không thể cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài”, ông Lã Xuân Thắng, Giám đốc phát hành trò chơi trực tuyến VNG chia sẻ tại Hội thảo Doanh nghiệp dịch vụ trò chơi điện tử trực tuyến đóng góp ý kiến về đề nghị xây dựng Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) cuối tuần qua.
Theo bà Nguyễn Thùy Dung, Giám đốc SohaGame, rất nhiều doanh nghiệp game Việt Nam phải giải thể hoặc phá sản, gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp khác trong chuỗi sản xuất, phát hành, phân phối. Top 10 doanh nghiệp game Việt đều phải giảm ít nhất 40% nhân sự.
Báo cáo của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cũng cho biết, tính đến hết tháng 11/2022, cả nước có 248 doanh nghiệp đã được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 trên mạng, trong đó 54 doanh nghiệp dừng hoạt động hoặc bị thu hồi giấy phép. Số lượng trò chơi điện tử được cấp quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản là 1.327, gồm 856 trò chơi đang phát hành, 471 trò chơi đã thông báo dừng phát hành.
Bên cạnh đó, ngành game Việt Nam có doanh thu không cao, lợi nhuận thấp. Theo Newzoo, năm 2022, Indonesia dẫn đầu Đông Nam Á với doanh thu ngành game 1,8 tỷ USD, Thái Lan 1,1 tỷ USD, Malaysia 911 triệu USD, Việt Nam 782 triệu USD, Singapore 511 triệu USD.
Tỷ suất lợi nhuận sau thuế của ngành game Việt Nam chỉ đạt 3-5% trên doanh thu, là mức thấp so với các ngành khác trong nền kinh tế. “Trong số 782 triệu USD doanh thu ghi nhận xuất xứ từ Việt Nam, chúng ta chỉ thu thuế được 22%, phần lớn doanh thu còn lại là từ các game xuyên biên giới”, một chuyên gia ngành game cho biết.
Theo số liệu của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, hiện có hàng trăm ngàn game lậu phát hành trực tiếp vào Việt Nam, có tổng doanh thu ước khoảng 5.000 tỷ đồng. Tình trạng game lậu xảy ra do có sự tiếp tay của các trung gian thanh toán trong nước, như ví điện tử, tài khoản viễn thông, thẻ tín dụng và sự hỗ trợ từ các kho ứng dụng.
Ông Lê Xuân Hòa, Phó chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (Vinasa) cho biết, phần lớn doanh nghiệp game của Việt Nam gặp nhiều khó khăn và có xu hướng “teo nhỏ”, số doanh nghiệp còn hoạt động chính thức trong nước còn rất ít. “Game có phép bị thất thế trước game không phép do phải chịu rất nhiều rào cản, quy định, trong khi hầu hết định kiến về game lại bắt nguồn từ game lậu, game không phép”, ông Hòa nhận định.
“Chạy” ra nước ngoài
Theo ông Hòa, nhiều doanh nghiệp game của Việt Nam thành lập và hoạt động thành công ở nước ngoài, như Singapore, dẫn đến tình trạng “chảy máu” nguồn lực. Lý do cơ bản được xác định là chính sách thuế, các ưu đãi của Singapore tốt hơn. Doanh nghiệp sản xuất game ở Singapore không phải xin giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử và giấy phép phê duyệt nội dung kịch bản cho từng sản phẩm game.
Đặc biệt, công ty mới thành lập tại Singapore trong 3 năm đầu sẽ được miễn 75% mức thuế áp dụng lên thu nhập chịu thuế 100.000 SGD (đô-la Singapore) đầu tiên và tiếp tục được miễn 50% mức thuế áp dụng lên thu nhập chịu thuế 100.000 SGD tiếp theo. Nghĩa là mức thuế thực tế với 100.000 SGD đầu tiên là 4,25% và 8,5% đối với 100.000 SGD tiếp theo. Ngoài ra, công ty có thể tham gia chương trình miễn thuế một phần (PTE) cho năm thứ 4.
“Doanh nghiệp game Việt Nam phải chịu nhiều loại thuế như thuế VAT 10%, thuế nhà thầu 10%, thuế thu nhập doanh nghiệp 20%, thuế thu nhập cá nhân 5-35%, tổng cộng là 45-75%. Còn doanh nghiệp tại Singapore chỉ đóng duy nhất thuế thu nhập doanh nghiệp 17%”, đại diện một doanh nghiệp game cho biết.
Theo bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng giám đốc PwC, hiện có xu hướng các doanh nghiệp game Việt thành lập tại nước ngoài và thuê lập trình viên ở Việt Nam để sản xuất game, các công ty nước ngoài sử dụng nhân lực tại Việt Nam để sản xuất game online. Chắc chắn, Việt Nam không đánh thuế được những công ty nước ngoài này (hiện chưa có thống kê, nhưng con số không hề nhỏ).
Ông Lã Xuân Thắng đánh giá, nếu Việt Nam áp thêm thuế tiêu thụ đặc biệt, thì không những không đạt được mục đích hạn chế người chơi game, mà còn có thể dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp Việt chuyển hướng thành lập công ty tại các quốc gia khác để được hưởng các chính sách hỗ trợ, tài trợ, khuyến khích, khiến ngân sách nhà nước thất thu thuế lớn.
Trong khi đó, theo ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, việc đánh thuế cao, hành lang pháp lý về hoạt động thanh toán trong game chưa được hoàn thiện đang phần nào hạn chế tiềm năng phát triển, buộc các doanh nghiệp phải đăng ký thành lập, đặt trụ sở, gọi vốn đầu tư từ thị trường nước ngoài.